Tin Mừng : Lc 23, 35-43
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”.
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?”
Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.
Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
VỊ VUA THINH LẶNG
Những tưởng rằng tiếng reo hò vang dậy mới ngày nào khi Chúa tiến vào Giêrusalem với tư cách là Đấng Meessia: “hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Mt 11, 9) sẽ là ánh sáng kéo dài trong cuộc đời Đức Giêsu? Nhưng không! ánh sáng đó chỉ huy hoàng trong chốc lát rồi vụt tắt để lại giờ đây là những tiếng lặng thê lương trên thập giá. Ngày lễ Chúa Ki tô Vua vũ trụ, Giáo Hội không dừng lại ở những tiếng tôn vinh của dân chúng mà dẫn chúng ta tới hình ảnh một Đức Giêsu bị treo trên thập giá cùng với hai tên gian phi và chịu người ta nhục mạ vô cớ. Phải chăng ngai vàng của Người chính là cây thập giá?
Mỗi vị vua trần gian thường dùng đường lối và chính sách riêng của mình để thống trị dân. Đức Giêsu thì không như vậy. Phải chăng vì xuất thân từ trời cao và đến trần gian vì sứ mạng đặc biệt nên Ngài cũng là một vị Vua hết sức lạ lùng? Thật thế, Ngài là một vị vua không có ngày đăng quang mà chỉ có ngày tử hình; một vị Vua không khua chiêng đánh trống, không tiệc tùng tưng bừng mà chỉ có thinh lặng tôn thờ. Danh hiệu “Vua người Do Thái” được nhận không phải vào dịp trang trọng đặc biệt mà vào giờ khắc cùng cực nhất của phận người – giờ chuẩn bị lìa khỏi thế gian mà về với Chúa Cha. Đắng cay hơn, danh hiệu đó người ta gán cho Ngài với đầy sự chế nhạo, phỉ báng, chê bai của đủ mọi tầng lớp người: dân chúng bình dân, lính tráng, thủ lãnh, v.v. Vì thế, danh hiệu đó hứa hẹn một sự nhục nhã và đau đớn.
Chúa Giêsu đã hành động ra sao trước tất cả những phản ứng đến từ phía con người? Ngài phản ứng bằng sự “im lặng” kéo dài. Sự im lặng ấy khiến cho những kẻ nhạo báng càng tin vào sự thất thế của Ngài. Còn đối với người tin vào Chúa, sự thinh lặng đó đủ để mỗi chúng ta “suy đi ngẫm lại” mà tìm cầu trả lời cho riêng mình, bởi chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã lãnh nhận quyền, vương vị từ Chúa Cha:
“Sấm ngôn của Đức Chúa
ngỏ cùng Chúa Thượng tôi
Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị
Để rồi bao địch thủ
Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con” (Tv 109,1).
Giờ đây, Ngài hoàn toàn lặng im trước quyền lực con người để thánh ý Chúa Cha được thể hiện và có lẽ cũng vì “giờ của Ngài chưa đến”.
Mặc dù Đức Giê su không hành động gì nhưng nơi Người vẫn hiện hiện cách minh nhiên các tước hiệu là Vua, là đấng Mêsia và dưới ngòi bút miêu tả của thánh sử Luca, Ngài còn là Con Chiên chịu sát tế vì muốn gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Ngài cũng là một chủ chiên luôn mong muốn đi tìm những con chiên lạc, những con chiên đau bệnh để đưa về cho Chúa Cha. Vào những giờ phút cuối cùng, Đức Giêsu vẫn thực hiện trách nhiệm ấy như suốt ba năm hoạt động công khai Ngài vẫn làm. Thật là hữu lý khi Tin Mừng Luca thuật lại giây phút Ngài phải kết án chung với người tội lỗi để rồi qua đó, đưa về cho Chúa Cha một cuộc biến đổi tận căn của người trộm cướp chuyên nghề. Tưởng chừng như lúc bất lực trên thập giá xét về nhân tính, Ngài sẽ yên lòng chờ chết nhưng với trái tim nhân ái của một Vì Thiên Chúa luôn muốn ơn cứu độ cho muôn người, Ngài đã cứu được linh hồn tên gian phi.
Ngoài ra, khi chịu treo trên thập giá, Ngài còn chịu biết bao lời khích bác, chế nhạo. Những lời thách thức của lính tráng và của một trong hai tên gian phi phảng phất lời cám dỗ của ma quỷ trong hoang địa xưa: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi!” (Lc 4,9) Trong ánh nhìn phản diện, ma quỷ luôn tấn công Đức Giêsu vào cơn cám dỗ “tự cứu lấy mình”. Chúng tạo ra một hiện trường đầy cam go căng thẳng để thách thức Đức Giêsu trước sự hiện diện đầy thờ ơ của dân chúng, sự chế nhạo của lãnh đạo Do Thái nhằm làm cho Đức Giêsu phải bẽ mặt. Thực ra, Chúa Giêsu hoàn toàn có quyền chọn cứu mình nhưng với cương vị là Đấng trung gian, một đàng Người luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, đàng khác Ngài không muốn ích kỷ cứu lấy riêng mình nhưng Ngài muốn hết thảy mọi người đều được ơn cứu độ. Vì thế, Ngài sẵn lòng nhận lấy tất cả những lời tủi hổ và cả cái chết nhục nhã trên thập giá để đi vào mầu nhiệm tự hủy và hoàn tất của lễ hy hiến lên Chúa Cha. Nhờ đó, cầu nối giữa đất và trời luôn được khai thông và dòng suối cứu độ chảy tràn tới mọi ngõ ngách của đời sống con người.
Trình thuật Tin mừng Luca hôm nay cho thấy Chúa Giêsu nói rất ít. Có chăng Ngài chỉ nói lời đem ơn cứu độ cho anh trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Cánh cửa Thiên đàng như đóng lại với Adam khi ông sa ngã thì nay lại mở ra với anh trộm lành khi anh cầu xin và chính Đức Giêsu là người mở cánh cửa đó vì anh trộm lành đã biết mình đứng ở vị trí nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Những lời nói ít ỏi của Chúa Giêsu và lời cầu xin của anh trộm lành khiến mỗi người cần tự nhìn lại mình, hàng ngày, chúng ta nói với nhau rất nhiều điều, nhưng lời nói của ta có mang tính xây dựng tích cực không hay đó chỉ là những lời dèm pha nói xấu người khác? Ta có cần được Thiên Chúa thương xót như anh trộm lành không hay lại tỏ thái độ khích bác giống tên trộm dữ? Có lẽ không ít lần trong cuộc đời chúng ta tưởng rằng mình núp bóng dưới hình ảnh anh trộm lành mà khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa nhưng có khi lời cầu xin của chúng ta lại mang dáng dấp của tên trộm dữ: “Ngài không phải có toàn quyền sao? Xin ban cho con điều này…” Chúng ta vẫn hay cầu xin Thiên Chúa bằng những ngôn ngữ tinh vi và khéo léo bắt Chúa sắp xếp theo ý riêng mình mà không quan tâm điều đó có hợp ý Ngài hay không. Một cách gián tiếp nào đó, lời cầu xin của chúng ta dưới hình thức trá hình của ma quỷ.
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả vượt qua nỗi sợ hãi của phận người, vượt lên lời nhạo báng, vượt thắng sự thách thức của ma quỷ và đưa về cho Chúa Cha món quà là sự ăn năn thống hối của tên trộm lành. Ngài đã hoàn tất đến cùng sứ mạng: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).
Mừng lễ Chúa Ki tô là Vua Vũ trụ, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy ngước nhìn lên cây thập giá và đứng xuống chỗ thấp nhất của phận người tội lỗi để chiêm ngắm một vị Vua giàu lòng thương xót đã chịu hiến tế vì con người; để chiêm ngắm một vị Vua đầy quyền năng và làm được mọi thứ qua sự thinh lặng thẳm sâu; đồng thời cúi đầu trước thánh giá và thẫm thĩ lời cầu nguyện của anh trộm lành: “Lạy Cha! Khi nào vào nước của Ngài, xin nhớ đến con cùng”.
Tâm Vũ