Tin mừng: Mt 16, 21-27
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.
Hành Trang Theo Thầy
Bước vào cuộc trần, con người chuẩn bị cho mình nhiều thứ hành trang để mong có được hạnh phúc. Có thứ hành trang của tri thức, của bạc tiền, của danh vọng, quyền lực… Người môn đệ của thầy Giê-su cũng được chuẩn bị hành trang nhưng hành trang ấy khác lắm và lạ lắm! Thầy Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16,24). Thế đấy, người môn đệ muốn theo Thầy Giê-su thì không cần“ bao bị”, “ giày dép” “tiền dắt lưng” chỉ cần một hành trang thôi: thập giá mình.
Đi qua cơn giông bão, trải qua những ngày mưa sa gió tuyết trong đời, mỗi người trong chúng ta sẽ đưa ra những định nghĩa rất khác nhau về thập giá và có những kinh nghiệm vác thập giá khác nhau. Tuy có khác nhau về hoàn cảnh, cách thức vác thập giá nhưng có lẽ chúng ta đều đồng ý với nhau rằng thập giá có thể hiểu là những gánh nặng, khổ đau, ưu phiền, thất bại, cay đắng, sợ hãi, lo âu, căng thẳng, muộn phiền, những tổn thương và mất mát trong cuộc sống… Như vậy, vác thập giá theo Thầy Chí Thánh là can đảm ôm lấy tất cả chua cay, chát đắng, bầm dập trong cuộc đời. Tuy nhiên, chúng ta cần khôn ngoan để phân định đâu là những thập giá mang lại ơn cứu độ đích thực. Thực tế trong đời sống thường ngày cho thấy, có những người đang tự chất lên vai mình những gánh nặng không cần thiết như để tìm kiếm sự chú ý của người khác hay để tìm một lợi ích riêng tư nào đó cho mình. Để tránh những thập giá ảo trên vai mình và tha nhân, thiết nghĩ chúng ta cần đặt ra câu hỏi: đâu là thập giá của đời tôi? Tôi đang vác thập giá hay kéo lê thập giá? Thập giá đưa tôi đến với Chúa hay đang đè nặng trên tôi, khiến tôi không thể bước tới cùng Thiên Chúa và tha nhân? Tôi vác thập giá chỉ để cho người khác khen? Tôi có đang vác thập giá của cả làng nhưng lại bắt người khác vác thập giá của tôi không?
Sống trong cuộc đời, có đôi lần chúng ta ngại ngần, sợ hãi, mệt mỏi khi đối diện với thập giá là những bổn phận hằng ngày. Chúng ta muốn bỏ cuộc, muốn thoái lui, muốn cưa bớt thập giá hoặc chất thập giá của mình lên vai người khác, v.v. Khi đối diện với những giây phút như vậy, chúng ta hãy xác tín rằng: thập giá và vinh quang không tách rời. Thật vậy, Đức Ki-tô đã ôm lấy thập giá bước lên đồi Can-vê, Ngài “đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Pr 2,21) và chính Người xác quyết: qua đau khổ mới vào vinh quang (x. Lc 24,26). Như vậy, khi can đảm đáp lời mời vác thập giá mình để theo Chúa, người môn đệ Chúa Ki-tô nên “đồng hình đồng dạng” với Thầy, được “vươn tới tầm vóc viên mãn” của Thầy và sẽ được cùng Thầy chung hưởng vinh quang. Thấm nhuần lời dạy và bước theo Thầy, Thánh Phao-lô đã xác tín và nhắn gửi các tín hữu: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm ôm lấy những thập giá trong đời bằng tình yêu mến. Chúng con xin Chúa giúp sức cho chúng con và mở trí lòng để chúng con nhớ rằng: “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4,17-8).
Maria Vũ Thị Hoa