Suy Niệm về Ơn Gọi của Mô-sê
Lm. Giuse Cao Gia An, S.J.
Dẫn nhập
Mô-sê là vị thủ lãnh vĩ đại của dân tộc Ít-ra-en. Dưới sự lãnh đạo của Mô-sê, Ít-ra-en rũ bỏ kiếp sống nô lệ, bước vào cuộc Xuất Hành, băng qua sa mạc, tiến về Đất Hứa. Là trung gian giữa Thiên Chúa với dân Người, Mô-sê được gọi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong tất cả các ngôn sứ, người được diện kiến với Thiên Chúa mặt đối mặt (Đnl 34,10).
Cuộc đời và ơn gọi của Mô-sê đều có khởi đầu kỳ diệu. Giống như những câu chuyện kể về các vị thủ lãnh vĩ đại, cuộc đời Mô-sê đã gặp hiểm cảnh ngay từ thuở lọt lòng mẹ và được cứu sống một cách ly kỳ (Xh 2,1-10). Dù được nuôi dưỡng và lớn lên trong cung đình Pha-ra-ô, trái tim của Mô-sê lại thuộc về đoàn dân của mình, những người Do-thái phải sống cảnh nô lệ trên đất Ai-cập. Sau cuộc giải cứu một người đồng bào Do-thái và giết chết kẻ áp bức là một người Ai-cập, Mô-sê chạy trốn và làm lại cuộc đời tại miền hoang địa Ma-đi-an (Xh 2,11-15). Chính tại nơi ấy, Thiên Chúa xuất hiện và gọi Mô-sê.
- Cuộc gặp gỡ kỳ diệu
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Mô-sê và Thiên Chúa được kể lại với nhiều chi tiết đẹp. Chính Đức Chúa là người chủ động đến và gặp Mô-sê ngay trong nhịp sống thường ngày của ông: trên vùng sa mạc, với nắng, gió, và đàn chiên mà Mô-sê chăm sóc. Nhìn bề ngoài, có vẻ như Mô-sê đã có một cuộc sống ổn định: có gia đình, có công việc, có con cái. Thế nhưng trong thực tế, chừng như Mô-sê vẫn đang sống với một trái tim không ngủ yên, đang ở nơi mà mình vốn không thuộc về. Mô-sê chừng như chưa bao giờ quên rằng mình đang sống cuộc đời của một người đi lạc, một khách ngoại kiều trên xứ lạ quê người (x. Xh 2,16-22).
Cuộc đời mắc cạn của Mô-sê được giải thoát khi Thiên Chúa xuất hiện và gọi ông từ giữa bụi gai bốc cháy (Xh 3,1-6).
Chúa đến gặp Mô-sê khi ông dẫn đàn chiên “đi qua bên kia sa mạc, đến núi của Đức Chúa” (Xh 3,1b). “Qua bên kia” là một chi tiết nhỏ nhưng đắt giá. Dù phải sống một cuộc đời mắc cạn, Mô-sê không phải là mẫu người dễ dàng yên phận. Mô-sê là người luôn dám sang “bên kia”, không dễ gì chấp nhận vùi chôn cuộc đời mình chỉ ở “bên này”. Bên này là cuộc sống thường ngày đều đặn, an toàn và ổn định. Bên kia là một chân trời khác. Đường đến chân trời ấy có thể ẩn chứa nhiều thử thách và gian nan, nhưng chắc chắn sẽ mở ra nhiều điều hấp dẫn và mới mẻ. Bên kia sa mạc là “núi của Đức Chúa”. Ẩn đằng sau cái nhịp sống đều đặn của một người chăn chiên, chừng như Mô-sê vẫn luôn là một kẻ đi tìm. Tìm về với cội nguồn từ đó mình được sinh ra. Tìm về một chân trời rộng lớn hơn để mình được sống thực là mình. Tìm về vùng trời thánh thiêng vượt trên những thực tại bình thường trước mắt.
Khi Mô-sê tìm đến núi của Đức Chúa, chính Đức Chúa đích thân gặp ông. Chúa hấp dẫn Mô-sê bằng một dấu lạ: một đám lửa cháy từ giữa bụi gai, nhưng bụi gai không hề bị thiêu rụi. Dấu lạ ấy khơi lên sự tò mò, và kéo Mô-sê tiến lại gần Chúa.
Chúa bắt đầu dạy Mô-sê về cách thế một con người nên đứng trước mặt Thiên Chúa của mình. Chúa dạy Mô-sê về sự thánh thiêng của cuộc gặp gỡ ấy, của nơi chốn gặp gỡ ấy: “Hãy cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là Đất Thánh!”
Cởi bỏ đôi dép từ chân, Mô-sê cũng dần cởi bỏ những gì đang làm vướng bận và buộc trói đời mình. Người được gọi phải chạm vào Đất Thánh của Chúa bằng chính đôi chân trần của mình, phải cảm nhận Chúa cách thiết thân và trực tiếp.
Dép là để bảo vệ đôi chân. Đứng trước Thiên Chúa, bất cứ một sự che chắn và bảo vệ nào cũng đều trở nên không cần thiết.
Đôi dép nào của con người cũng đều vương nhiễm bụi trần. Để chạm được vào Đất Thánh của Chúa, người được gọi cần trả lại cho hồng trần những gì thuộc cõi hồng trần. Có như vậy, người ấy mới thuộc trọn về Chúa.
Với cuộc gặp gỡ kỳ diệu ấy, Chúa muốn Mô-sê không còn là Mô-sê của ngày cũ nữa. Chúa kéo Mô-sê ra khỏi nơi trú ẩn của ông. Chúa gạt qua một bên cuộc đời có vẻ đã ổn định của Mô-sê, mời ông lên đường sống một cuộc đời mới.
- Lạy Chúa, con đây!
Câu đáp lời của Mô-sê khi nghe tên mình được gọi (Xh 3,4) là một từ Do-thái đặc biệt: hinneni: “Dạ, con đây!”. Từ ấy được tạo thành bởi từ hinne và tiếp vĩ ngữ -ni. Hinne là một từ phổ thông, tự mình vốn chẳng có nhiều giá trị diễn nghĩa, và thường được dùng chỉ như một từ đệm để thêm một chút sắc thái nào đó cho câu. Thế nhưng khi được gắn thêm tiếp vĩ ngữ –ni để thành hinneni, từ này có một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Âm nhấn của toàn chữ hinneni nằm ở cuối, phần tiếp vĩ ngữ “-ni” có nghĩa là “tôi”, là “con”, ở ngôi thứ nhất số ít. Chính tiếp vĩ ngữ này mang lại ý nghĩa và sức nặng cho toàn chữ. Chính việc đặt trọn vẹn con người của mình vào lời đáp trả mới làm nên ý nghĩa trọn vẹn của một ơn gọi. Bằng không, tất cả chỉ là một lời đáp hinne buâng quơ.
Trong Kinh Thánh, hinneni là lời đáp trả tích cực của những người được Thiên Chúa gọi. Như lời của Áp-ra-ham thưa với Đức Chúa khi Chúa gọi ông và mời ông dâng hiến con mình là I-sa-ac (St 22,1). Như lời đáp nhanh nhảu của cậu bé Sa-mu-en giữa đêm trường trong Đền Thánh của Thiên Chúa (1Sam 3,4). Như lời đáp của I-sa-ia ở khởi đầu ơn gọi ngôn sứ của mình (Is 6,8). Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria khi được dịch sang tiếng Do-thái cũng sẽ là hinneni…
Với lời đáp hinneni, cuộc đời của Mô-sê dần dần thuộc trọn vẹn về Chúa.
- Con là ai?…
Ơn gọi của Mô-sê là một ơn gọi cao cả, nhưng không hề dễ dàng. Nếu đã có một thời Mô-sê động lòng vì những thống khổ của dân mình, giờ đây Mô-sê học được rằng chính Đức Chúa là Thiên Chúa của mình cũng đã thấy rõ, nghe rõ, biết rõ cảnh sống của đoàn dân. Đức Chúa muốn chọn Mô-sê là vì sự cứu rỗi cho đoàn dân ấy, những người Do-thái đang còn rên xiết quằn quại dưới ách áp bức bóc lột của Ai-cập. Sứ mạng Thiên Chúa trao bắt Mô-sê phải quay trở lại chính nơi mà ông đã trốn chạy và né tránh. Ở nơi mà Mô-sê đã bất lực và bỏ đi, Chúa lại muốn thực hiện một công trình vĩ đại.
Người đời hay nói: tu đi cho đỡ khổ, ở đời khổ lắm! Thực tế, người nào vì sợ ở đời khổ nên mới đi tu, người ấy sẽ phải sống một đời tu khốn khổ.
Đi theo tiếng gọi của Chúa chưa bao giờ là một con đường để né tránh hay để thoát ly cuộc đời. Những người theo Chúa luôn là những người được mời gọi phải quàng thêm vào mình nhiều bổn phận và trách nhiệm. Họ không sống cho riêng mình, nhưng là sống cho Chúa. Họ được chọn không phải vì chính mình, nhưng là vì anh em đồng loại của mình. Những người được chọn không phải để bước vào một cuộc sống an nhàn miễn nhiễm với dòng đời, và hoàn toàn được cách ly khỏi mọi khó khăn thử thách. Ngược lại, vì dòng đời còn nhiều tiếng kêu than thống khổ, còn nhiều mảnh đời cơ cực, còn áp bức bất công, còn vọng vang nhiều tiếng khóc… nên Chúa còn cần đến những người sẵn sàng để cho mình được sai đi sống đời phục vụ.
Phản ứng tức thời của Mô-sê khi nhận ra tầm vóc của sứ mạng được trao cho mình là lo sợ. “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3,12). Phản ứng ấy là điều có thể hiểu được. “Con là ai mà dám…” là lời tự vấn đầy chân thật của người được chọn và được trao sứ mạng. Bất cứ một người nào khi bị đặt trước một sứ mạng của Thiên Chúa đều có thể tự hỏi mình như thế. Sứ mạng trước mắt luôn là điều vượt quá sức của bất cứ một con người nào. Nhìn từ một góc độ nào đó, con đường trước mắt luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ và đe đoạ. Nguy cơ không chỉ đến từ những người chống đối, có khi lại đến từ chính những kẻ mình được sai đi để phục vụ. Nỗi lo sợ của Mô-sê không chỉ mang bóng dáng của Pha-ra-ô, kẻ quyền thế luôn có khả năng ra tay hại mình. Nỗi sợ ấy còn nằm ở khả thể không được tin tưởng và đón nhận bởi chính những người đồng bào Ít-ra-en của mình.
Nhưng Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận để cho người được chọn bị tê liệt và đóng khung trong nỗi sợ ấy. Nếu đã chọn và gọi một người, Chúa luôn có cách để đưa ơn gọi ấy đến thành toàn viên mãn.
- Ta sẽ ở với ngươi
Trước những lo sợ của người được gọi, Thiên Chúa thường gởi đến những lời trấn an và khích lệ. Nhưng cách khích lệ và trấn an của Thiên Chúa thật lạ. Chúa không hứa sẽ không để người được chọn phải đối mặt với thử thách hay đau khổ. Người cũng không hứa sẽ ra tay dẹp bằng mọi khó khăn sóng gió. Người càng không hứa sẽ ban cho người được chọn một cuộc đời an nhàn bình lặng hay thành công rực rỡ.
Lời hứa của Thiên Chúa đơn giản là thế này: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,11).
Đây là tất cả những gì mà một người được chọn và được sai đi thật sự cần: sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa.
Chính sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa mới là đảm bảo trên đường sứ mạng của một người được sai đi, chứ không phải là tài năng này hay khả năng kia. Cảm nghiệm được sự hiện diện và đồng hành ấy mới là nguồn sức mạnh thật sự cho những người ra đi. Đánh mất cảm thức về sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, người ta chỉ còn có thể loay hoay với những khả năng của con người, xây dựng những công trình của con người, thất bại và sụp đổ trong những giới hạn của con người. Nhận ra mình là người có Chúa ở cùng là điều kiện thiết yếu cho bình an và hạnh phúc của một người đi tu.
Có Thiên Chúa ở cùng là có tất cả. Thiên Chúa không dẹp bằng sóng gió, nhưng Người ở cùng con người trong những lúc thăng trầm sóng gió. Thiên Chúa không cất đi những khó khăn, nhưng Người giúp con người lớn lên ngang qua những khó khăn. Thiên Chúa không ngăn cản những thất bại, vì có những thất bại giúp cho người được chọn thuộc trọn về Chúa hơn là khi họ được hưởng nếm thành công và vinh quang.
Chỉ người nào sẵn sàng bỏ hết tất cả lại phía sau, để chỉ còn bám tựa vào một mình Thiên Chúa, người ấy mới có thể cảm nghiệm trọn vẹn quyền năng giải phóng và sức mạnh kỳ diệu của Người.
Kết luận
Giáo Hội có được như ngày hôm nay là nhờ những con người quảng đại sống ơn gọi và can đảm nhận sứ mạng. Bất cứ một Hội Dòng nào cũng khởi nguồn từ những con người quảng đại và can đảm để cho Chúa sử dụng trọn vẹn cuộc đời mình. Thiếu lòng quảng đại và can đảm lên đường, thiếu cảm thức về sứ mạng, thiếu niềm tin vào sự đồng hành và hiện diện của Thiên Chúa… là những dấu hiệu rõ nhất của một Hội Dòng đang đi vào con đường lịm chết.
Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn này vẫn còn may mắn vì có nhiều người đi tu. Tuy nhiên, mặt trái của may mắn này nằm ở chỗ: không chắc người đi tu nào cũng có ơn gọi. Có nguy cơ đời tu được quan niệm chỉ như một lối sống, một nghề, một con đường để lập nghiệp, một phương tiện để tiến thân. Có nguy cơ người ta chỉ nói đến ơn gọi nhưng không màng đến sứ mạng. Cám dỗ lớn nhất của đời tu bao giờ cũng là cám dỗ quy về mình để sống ích kỷ và tầm thường, thay vì mở ra để hướng đến sứ mạng, để sống với lý tưởng dâng hiến cao cả.
Suy niệm về ơn gọi của Mô-sê, tôi đối diện với lời mời gọi hoán cải và canh tân. Tôi có thể đặt mình vào vị trí của Mô-sê để tâm sự cùng Chúa:
Lạy Chúa,
lòng con xiết bao là bối rối
với kinh nghiệm lần đầu tiên gặp Chúa.
Như Mô-sê trước bụi gai bốc cháy
nghe chính tên mình được gọi
con đã thưa: lạy Chúa, con đây!
mà lòng thì còn đầy những ngỡ ngàng và lo lắng.
Con tự hỏi, tại sao là con?
Ơn gọi Chúa ban thì cao quý
và sứ mạng Chúa gởi gắm thì trọng đại.
Còn con? Một con người yếu đuối mỏng dòn
đức độ thì giữa chừng, khả năng thì hạn hẹp.
Con làm được gì cho Chúa, cho dân của Chúa?
Liệu con có xứng đáng là trung gian,
để Chúa ký thác sứ mạng chăm lo đoàn chiên Chúa?
Lạy Chúa,
một lần kinh nghiệm về việc được gọi
một lần được Chúa chạm vào sâu thẳm tâm hồn,
cả cuộc đời con như bước sang một ngã rẽ mới.
Chúa mở ra cho con một chân trời cao xa vời vợi,
rộng hơn rất nhiều so với góc đời nhỏ hẹp của con.
Chúa đặt trọn vẹn tin tưởng vào con
và mời gọi con dám tin tưởng vào chính mình.
Chúa mời con chia sẻ nỗi lòng của Chúa
để Chúa có thể dùng con mà làm nên bao kỳ công
cho con những con người nghèo hèn khốn khổ.
Chúa dạy con đặt qua một bên những lo lắng
về sự thiếu hụt và giới hạn của chính mình.
Chúa khích lệ con đừng sợ hãi,
vì có Chúa luôn ở với con.
Xin cho con ơn mạnh mẽ và can đảm
để dám đứng lên bước đi cùng với Chúa.
Đường còn xa, thách đố còn nhiều
nhưng xin giúp con luôn vững vàng tiến bước
vì tin rằng Chúa luôn ở bên con.
Cao Gia An, S.J. – Trích Tuyển Tập “Lạy Chúa, Con Đây!” (Lời nguyện số 127)
Bình luận