Dụ ngôn là những hình ảnh rút ra từ cuộc sống hằng ngày, được trình bày dưới dạng thức một câu chuyện, để khơi lên trong tâm trí người nghe một suy nghĩ nào đó, giúp họ đặt lại những vấn đề của họ. Chúa Giêsu thường sử dụng những dụ ngôn trong những giáo huấn của Ngài. Đặc biệt khi diễn tả về Nước Thiên Chúa, một thực tại vô hình, Nước ấy không thuộc về thế gian này (Ga 18, 36), thì Chúa Giêsu đã khôn khéo giản lược mầu nhiệm Nước Trời bằng những dụ ngôn hết sức thiết thực như dụ ngôn hạt giống và hạt cải mà phụng vụ Giáo hội hôm nay cho chúng ta nghe. Những hình ảnh cụ thể và quen thuộc của những dụ ngôn này sẽ giúp người nghe dễ nhớ, dễ đi vào lòng người và phù hợp với trình độ hiểu biết của dân chúng. Trong khoa sư phạm tuyệt vời của Chúa Giêsu, Người thường giảng dậy ở hai cấp độ: cho mọi người và cho các tông đồ. Khi giảng dậy cho dân chúng, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dậy, nhưng khi chỉ thầy trò với nhau thì Chúa giải thích cặn kẽ cho các ông hiểu (Mc 4, 34).
Qua dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn hạt cải bé nhỏ, Chúa Giêsu đã trình bày cho con người về thực tại của Nước Thiên Chúa. Nước ấy được thiết lập giống như một tiến trình gieo và gặt trọn vẹn: từ hạt giống nảy sinh thành cây rồi thành bông lúa. Người gieo hạt giống chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi đến mùa để gặt hái. Trong khoảng thời gian giữa hai thì của “gieo và gặt”, người nông dân có thể yên tâm thảnh thơi vui sống, vì tự hạt giống tự nó sẽ tiếp thu ánh sáng khí trời cùng những chất dinh dưỡng khác trong đất, khi gặp điều kiện khí hậu nhiệt độ thích hợp nó sẽ âm thầm nảy mầm từ từ, mọc lên và trổ sinh bông hạt. Khi mùa gặt đã đến, người nông dân vui mừng ra đồng gặt lúa đem về.
Tương tự như thế, Chúa Cha cũng gieo hạt giống yêu thương, bình an, tha thứ, công bằng, bác ái qua lối sống và lời giảng dậy của Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Chúa Cha. Hạt giống ấy được gieo vào giữa lòng nhân thế, nơi mảnh đất tâm hồn mỗi người. Dưới tác động của Thiên Chúa, các hạt giống ấy âm thầm phát triển lan rộng khắp nơi, mang lại mùa gặt bội thu là chính các linh hồn. Chúa Giêsu đích thân gieo giống, nhưng trong khoảng thời gian chờ đợi đến mùa gặt hái, Người vẫn tiếp tục hoạt động qua Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức viên mãn thì Người sẽ trở lại trong vinh quang để thu hoạch mùa gặt.
Nếu Chúa Giêsu giảng dậy cho đám đông dân chúng bằng dụ ngôn để dẫn đưa họ vào những thực tại cao vời khôn ví của Nước Trời, thì Người lại dùng cách giải thích sâu xa hơn nữa để các môn đề hiểu hết (Mc 4, 34). Có lần các môn đệ đã hỏi đức Giêsu: “sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ”? Người nói: “bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời còn họ thì không” (Mc 4, 11-12). Như thế, “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người chưa hề nghĩ tới đó lại là điều Thiên Chúa mặc khải cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2, 9).
Tất cả chúng ta, một cách nào đó, cũng đều là những người gieo giống. Nếu như các thừa tác viên chức thánh đi gieo hạt giống Tin mừng và trao ban các bí tích, thì các nữ tu gieo rắc dấu chỉ Nước Trời bằng chính đời sống thánh thiện và âm thầm phục vụ cộng đoàn, còn các bậc cha mẹ thì gieo vào lòng con cái hạt giống nhân cách làm người và làm con Chúa. Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở: “chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Bởi vì tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước tòa án của Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tùy mình đã làm lành hay đã làm dữ” (2 Cr 5, 9-10). Đây cũng chính là một qui luật tự nhiên trong cuộc sống, gieo gì sẽ gặt thứ ấy. Gieo yêu thương sẽ gặp tình người. Có những lúc ta mệt mỏi vì gieo mà chưa thấy thành quả. Hãy kiên nhẫn chờ đợi. Bổn phận của ta là chuẩn bị đất và gieo trồng vào đó những hạt giống tốt lành, yêu thương, công bình, và bác ái như Lời Chúa đã dạy. Trong khoảng thời gian chờ đợi, ta cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến, và tưới tắm cho hạt có đủ điều kiện để sinh trưởng. Đồng thời cũng phải lạc quan tin tưởng, thế nào Nước Thiên Chúa cũng sẽ lớn mạnh lên. Đúng như Thánh Phao-lô đã xác tín: “Tôi trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3, 6).
Rosa Thu Phương