Việc ăn chay là một việc thực hành rất quan trọng. Qua cách ăn chay, Chúa dậy chúng ta cung cách ăn chay.
Ăn chay: là kiêng ăn uống, là kiêng giảm, là chay tịnh để giúp mình trở nên thanh sạch; là tỏ lòng sám hối, muốn làm một điều gì đó để đền bù những xúc phạm của ta. Khi ta nhịn đói phần xác là ta nuôi dưỡng linh hồn. Thánh Kinh có nói đến việc khi ta ăn chay thì Chúa sẽ ban cho chúng ta những điều tốt lành hơn các thức ăn phần xác.
Ăn chay: là điều gì đó thiêng liêng và tích cực, là một bữa tiệc thiêng liêng. Chay tịnh cần cho linh hồn giống như thể xác cần có của ăn.
Vào thế kỷ đầu, ăn chay để thông hiệp với đau khổ, cuộc thương khó của Chúa Kitô.
Hầu như mọi tôn giáo đều coi trọng việc ăn chay, coi đó như là điều không thể thiếu trong đời sống của các tín hữu, nhưng cách ăn chay của ta khác với cách ăn chay của các tôn giáo khác:
– Đối với Phật giáo: ăn chay trường là cữ sát sinh không dùng những thức ăn có nguồn gốc từ động vật hoặc không có sự giết chóc động vật trong quá trình chế biến vì lòng từ bi đối với tất cả mọi loài chúng sinh.
– Người Do Thái: ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng đến chiều (Gn 3, 7-8; Sm 14, 24). Tập tục ăn chay bằng cách nhịn ăn uống từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, ngày nay vẫn còn được anh chị em Hồi giáo tuân giữ trong suốt tháng Ramadan.
– Người Công giáo: ăn chay là ăn một bữa chính, còn các bữa kia chỉ ăn chút đỉnh, và kiêng không ăn thịt các động vật trên trời, dưới đất, ngoại trừ động vật sống dưới nước. Ăn chay cũng có thể kiêng một cái gì đó để giảm bớt khoái lạc, để tỏ lòng sám hối, ăn năn.
Vậy ăn chay sao cho đúng với tinh thần người Công giáo?
1. Ăn chay nhưng không làm tổn hại đến thân xác, nghĩa là phải để cho cơ thể đủ chất dinh dưỡng khỏe mạnh. Chăm sóc cho thân xác quá cũng là tội, nhưng đầy đọa thân xác quá cũng là một cái tôi. Thân xác ta là Đền thờ Chúa Thánh Thần, nếu không có một thân xác tốt thì sẽ bị ủ rũ, mệt mỏi.
2. Không được làm tổn hại đến tinh thần như kiêng ăn thịt là điều tốt, nhưng ăn chay bằng cách không bao giờ ăn thịt, như vậy làm tổn hại đến tinh thần. Đừng biến phương tiện thành mục đích như phải kiêng thịt suốt đời.
3. Ăn chay giúp ta sống khiêm nhường hơn, vâng phục hơn, giúp ta nhìn nhận thân phận nhỏ bé hơn chứ không phải trở nên kiêu ngạo. Những người biệt phái và luật sĩ xưa ăn chay, nhưng họ lại kết án các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn, mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Cái sai lầm của các Biệt Phái ở đây là: đòi hỏi người khác phải giống như mình làm, mình nghĩ và mình muốn; chỉ xét đoán theo hình thức bên ngoài là không ăn chay, chứ không nhận ra ý nghĩa bên trong của việc ăn chay, và tại sao các môn đệ Chúa Giêsu lại không ăn chay. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà đã là tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi (Lc 5, 33; Mt 9, 14; Mc 2, 18). Hãy coi chừng những cách ăn chay như những biệt phái và luật sĩ, những tu luyện như Pháp luân công để trở nên kiêu ngạo, nghĩa là qua việc tu luyện để tự cứu độ mình, tự giải thoát mình.
4. Ăn chay giúp ta trở nên bác ái hơn, nghĩ đến người khác hơn, bỏ mình hơn. Ngoài việc nhỏ bỏ qua các bữa ăn đến một chương trình vươn xa hơn là tự bỏ chính mình. Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. ” (Lc 9, 23).
5. Ăn chay giúp chúng ta dứt bỏ những gì thuộc trần gian này. Chúng ta ăn chay không phải vì những thứ trần tục xấu xa, nhưng chính vì chúng tốt đẹp. Chúng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhưng chúng tốt đẹp đến độ đôi khi chúng ta thích những món quà này hơn cả Đấng đã ban cho. Chúng ta hóa ra đam mê lạc thú hơn là từ bỏ chính mình. Chúng ta thường hay ăn uống đến độ quên cả Chúa. Những đam mê như vậy thực ra là một hình thức sùng bái ngẫu tượng. Điều mà Thánh Phaolô có ý khi ngài nói, “Chúa họ thờ là cái bụng … những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. ” (Pl 3,19).
Kinh Thánh giải thích rõ ràng những lợi ích tinh thần cụ thể của việc ăn chay. Chay tịnh mang lại sự khiêm nhường (Tv 69,10). Chay tịnh tỏ lộ sự đau buồn vì tội lỗi của ta (1Sm 7, 6). Chay tịnh dọn đường đến với Chúa (Đn 9, 3). Chay tịnh là phương thế để nhận biết ý Chúa (Er 8, 21) và là một phương pháp cầu nguyện rất hữu hiệu (Er 08, 23). Đó là dấu chỉ sự hoán cải đích thực (Ge 2,12).
Kinh Thánh dành cho việc ăn chay một vị thế quan trọng. Hoàng Hậu Esther ăn chay để xin Chúa bảo vệ người Do Thái và bà xin ơn lành của Chúa. Ezra ăn chay để xin Chúa hướng dẫn và bảo vệ. Tiên tri Elia ăn chay để chiến đấu với kẻ thù thiêng liêng. Tiên tri Daniel ăn chay để chiến thắng tính xác thịt và được sáng láng phần thiêng liêng. Các môn đệ của Chúa ăn hay để chuẩn bị cho mục vụ đầy quyền năng của các ngài. Chúa Giê su cũng đã ăn chay: “Chúa Giê su được Thần Khí dẫn dắt vào sa mạc để chịu sự cám dỗ của ma quỷ. Ngài ăn chay suốt 40 đêm ngày.” (Mt 4, 1-2).
Ngày nay, có nhiều cách ăn chay lệch lạc, chúng ta cần vâng phục, khiêm nhường và ăn chay theo đúng tinh thần của Chúa, của Giáo Hội.
Maria Trần Thúy
(Gợi hứng từ bài chia sẻ Tin mừng thứ Sáu tuần XXII thường niên).