Mỗi người trong chúng ta là một nhân vị trong xã hội và đều có tương quan với người khác trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là tương quan người thân, bạn bè hay tương quan hàng xóm láng giềng… Chính những mối tương quan đó giúp cuộc sống hàng ngày thêm tốt đẹp hơn. Là Kitô hữu, chúng ta liên đới với nhau trong tình huynh đệ cùng một Cha trên trời. Không những thế, chúng ta còn cần có tương quan với Thiên Chúa. Mùa Chay Thánh này, Giáo hội mời gọi chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, đặc biệt là trong hành trình lên Gol-go-tha để cùng vác thập giá và chết với Người.
Trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, nhiều lần chúng ta bắt gặp ánh mắt Chúa nhìn con người: Chúa nhìn đến người phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cop, Chúa nhìn đến ông Gia-kêu, Chúa nhìn cô Ma-ri-a Mac-da-la,… Và trên con đường lên núi chịu tử nạn, Chúa Giêsu cũng đã nhìn đến những người đi theo Ngài.
Ánh mắt Chúa Giê-su đã chạm vào mắt Phê-rô khi ông chối Chúa 3 lần (x. Lc 22,61). Phê-rô, tông đồ đã đi theo Đức Giê-su suốt 3 năm, đã đồng hành và chứng kiến nhiều phép lạ mà Chúa làm và không ít lần ông đã đối diện với Người, nhìn vào mắt Người mà thưa chuyện, mà tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15). Ông đã cảm nhận được tình thương qua ánh mắt của Thầy mình khi Thầy bảo ban, dạy dỗ. Phê-rô cũng là môn đệ đã thề hứa với Thầy rằng: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Lời thề hứa của Phê-rô mạnh mẽ bao nhiêu thì sự phản bội lại đau đớn bấy nhiêu, ông đã chối Thầy đến ba lần: tôi không biết cô nói gì – tôi không biết người ấy – tôi thề là tôi không biết người ấy (x. Mt 26, 70-74). Phê-rô là người duy nhất đi theo Chúa Giê-su lúc Thầy gặp nguy, nhưng vì sự nhát đảm, ông đã chối Thầy trước lời chất vấn của người tớ gái. Tuy nhiên, ngay lúc đó, ông nghe thấy tiếng gà gáy và nhận ra mình đã phản bội Thầy khi ông bắt gặp ánh mắt của Thầy cũng như nhớ lại lời Thầy đã nói với mình trước (x. Lc 22, 60-63). Ánh mắt của Chúa Giê-su không phải là ánh mắt giận hờn, trách móc người môn đệ thân tín, nhưng đó là ánh mắt yêu thương, ánh mắt nâng đỡ, ánh mắt trìu mến nhắc ông về tình yêu lớn lao khiến ông vỡ òa trong sự thống hối. Đáp lại ánh mắt đầy bao dung của Thầy là ánh mắt đầy sự ăn năn và hối hận của Phêrô.
Sau khi bị kết án, Chúa Giêsu đã mang lấy thập giá, chấp nhận đau thương để chuộc tội con người. Trên đường vác thập giá, Người phải chịu bao đau đớn, tủi nhục. Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và cũng là người như chúng ta, nên việc vác thập giá là điều quá sức với một người bình thường. Khi thấy con cái khóc thương mình, Chúa đã dừng lại mà an ủi họ. Tại sao Chúa Giê-su dừng lại để an ủi các người phụ nữ vừa đấm ngực, vừa than khóc bên đường? Ai mới thật sự cần được an ủi vào lúc đó? Và ai an ủi ai? Điều mà Chúa Giê-su nhìn thấy, có lẽ không chỉ là nỗi thống khổ của những người phụ nữ, hay sự đau thương của Ngài, nhưng Chúa đã nhìn đến cuộc sống vất vả, nhiều khổ cực của kiếp con người nói chung, về phận người yếu đuối, mỏng giòn phải đối diện với bao nỗi khốn khổ nơi trần gian: chiến tranh, thiên tai, sự ác độc của lòng người, v.v.
Con đường lên Gol-go-tha mà Chúa Giê-su đi có quá nhiều khó khăn, nhục nhã. Những sự khốn khó mà Chúa chịu ngày một nhiều hơn và đỉnh điểm là cái chết trên cây thập tự. Giờ phút Chúa trút hơi thở, các sự lạ xảy đến: bức màn trong đền thờ xé ra làm hai,… Chứng kiến cái chết của Chúa và sự lạ xảy ra, viên đại đội trưởng đã thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. (Mc 15,39). Thật lạ lùng! Lời tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa không xuất phát từ miệng các tông đồ hay từ dân riêng được tuyển chọn nhưng lại được thốt ra từ một người dân ngoại và lại là một trong những nhân vật chính trong việc thi hành án của Chúa (vì ông là một viên đại đội trưởng của quân đội Rô-ma). Vì thế, hẳn lúc đầu ông đã chứng kiến quá trình tử nạn của Đức Giê-su bằng ánh mắt bình thản nhưng Chúa đã khiến cho ánh mắt của ông được biến đổi, ông đã chứng kiến, đã tin mà thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.
Phêrô, những người phụ nữ hay viên đại đội trưởng kia thật hạnh phúc vì được tận mắt chiêm ngắm Chúa và được Thiên Chúa đoái mắt trông đến. Còn chúng ta? Liệu chúng ta có được diễm phúc ấy? Và có cảm nhận được Chúa đang dõi theo ta trong từng phút giây của cuộc đời? Với tình yêu của Chúa thì thực tế rằng, dù ta có cảm nhận được hay không, Ngài vẫn dõi theo, Ngài vẫn luôn dành ánh mắt quan tâm khi ta cô đơn, ánh mắt xót thương khi ta vấp phạm, ánh mắt ủi an khi ta đau khổ… Vì thế, Tôi – Bạn hãy nhớ và xác tín rằng: có ánh mắt của Thầy Giê-su luôn đõi nhìn từng bước ta đi. Tôi – bạn cũng hãy luôn tìm kiếm cơ hội để thấy được ánh mắt của Thầy Giê-su chạm đến chúng ta qua những anh chị em xung quanh và qua những biến cố trong cuộc sống của mình!
Dưa Sấm