Có một loại cây nhỏ bé, tinh xảo mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên đa màu và tinh tế mang tên Bonsai. Không chỉ đẹp bề ngoài, Bonsai còn mang trong mình hào quang và ý nghĩa sâu sắc của văn hóa và tâm linh. Tại sao Bonsai lại có được vẻ đẹp lạ lùng ấy?
Có thể nói, Bonsai không mang vẻ đẹp của một cây với dáng vóc to lớn đồ sộ, tán cây không đủ rộng để che nắng, che mưa, tỏa bóng mát cho con người như những cây cổ thụ khác. Vẻ đẹp của Bonsai chính là ở sự nhỏ bé, lặng lẽ và âm thầm nhưng lại mạnh mẽ, bền bỉ và tràn đầy sức sống. Vẻ đẹp của Bonsai còn được tạo nên nhờ sự hài hòa với chậu. Không giống với những loại cây khác khoe vẻ đẹp nhờ hoa, nhờ lá,… Bonsai đẹp còn là nhờ được đặt vào một vật chứa phù hợp với thế và dáng của nó. Chính sự tương đồng giữa cây và chậu làm nên một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa.
Nhưng trên tất cả, để là một tác phẩm nghệ thuật và mang nhiều giá trị, Bonsai đã chứa đựng tâm hồn và triết lí của nghệ nhân. Từ khi còn là một cây tự nhiên cho đến lúc trở thành một tác phẩm nghệ thuật, Bonsai phải từng ngày chịu đau đớn vì bị cắt tỉa và uốn nắn từng chút một. Dù biết, sẽ có đau đớn, sẽ có mất mát, thậm chí là những hy sinh, nhưng Bonsai chấp nhận đau đớn để được đẹp hơn, mất để có nhiều hơn và hy sinh để hoàn thiện hơn. Dẫu biết rằng, chính nghệ nhân đã chọn và tạo nên Bonsai, tuy nhiên, bàn tay khéo léo của nghệ nhân cũng cần đến sự cộng tác của cây để trở thành một Bonsai đẹp, có giá trị và ý nghĩa, họa lại cách hoàn hảo nhất chính tâm hồn và triết lí của người nghệ nhân đã tạo nên nó. Khi đã trở thành một cây Bonsai theo đúng ý của nghệ nhân, thì ở bất cứ vị trí nào, trong bất kì hoàn cảnh nào, cây đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc về cuộc sống, sự thăng trầm và đổi thay của một phận người. Nhưng không vì thế mà Bonsai vênh vang, tự đắc và coi mình là nhất, là hoàn hảo trong vườn cây của chủ; Bonsai vẫn đứng đó lặng lẽ, chịu cắt tỉa từng ngày để trở nên hoàn hảo bởi nó biết rằng nó sẽ trở về “vạch xuất phát” nếu nó bị người chủ lãng quên. Nhờ đó, Bonsai ngoài việc luôn mang nơi mình vẻ đẹp của sự tinh tế và sâu sắc, Bonsai còn giá trị bởi việc dám bỏ mình đi và chấp nhận tất cả.
Mỗi tu sĩ chúng ta cũng được ví như một cây Bonsai trong vườn cây của Giáo hội, và Thiên Chúa chính là nghệ nhân tài ba trong vườn cây đó. Ngài đã tự tay chọn lựa, uốn nắn, cắt tỉa và chăm sóc từng ngày một cách kiên trì và tỉ mỉ để mỗi chúng ta trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc nhất và duy nhất của Ngài.
Ước mong mỗi chúng ta luôn vui vì được là và được làm một cây Bonsai đẹp trong vườn của Giáo Hội dù phải chịu đau đớn, chịu hy sinh mỗi ngày cho việc “cắt tỉa” đi những yếu đuối, những tội lỗi, bất xứng nơi mỗi người. Và Mùa Chay thánh chính là dịp giúp ta tiếp tục biến đổi đời mình từng ngày dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập giá để nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48).
Yến – HV