Khi suy tư về ơn gọi của mình, chúng ta nên tự vấn bản thân. Chúng ta đang thi hành điều gì và chúng ta thi hành điều đó tốt như thế nào?
Việc mục vụ cụ thể của tôi liên quan như thế nào đến sứ mạng chung? Tôi phải rao giảng Phúc âm như thế nào? Phúc âm có phải là trọng tâm đối với đời sống cầu nguyện, suy nghĩ và cuộc sống của tôi không?
Với tư cách là một nhà giảng thuyết, tôi đã cố gắng nâng cao tính hiệu quả (sức tác động) của mình như thế nào? Giả sử việc rao giảng của tôi có thể tốt hơn nữa, vậy tôi có trách nhiệm như thế nào trong việc tiếp tục đào tạo bản thân với vai trò là người giảng thuyết? Yếu tố nào trong việc rao giảng của tôi cần được hoàn thiện hơn?
Việc rao giảng của tôi về khía cạnh nội dung và về giáo lý có yếu kém không? Liệu việc học tập, nghiên cứu nhiều hơn có giúp ích cho việc rao giảng của tôi không? Những gì tôi rao giảng hôm nay phải chăng là những điều mà tôi đã nói cách đây 5 năm? Phải chăng tôi mãi lặp đi lặp lại những tư tưởng vốn chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc?
Hoặc, phải chăng việc rao giảng của tôi có nội dung và mang tính học thuyết nhưng lại thiếu sức sống tâm linh? Quyền năng của Chúa Thánh Thần có biểu lộ trong lời của tôi không? Lời rao giảng của tôi có căn cứ vào lời cầu nguyện không? Lời rao giảng của tôi có bắt nguồn từ lời cầu nguyện không? Tôi đang rao giảng những ý tưởng của riêng tôi, hay của Chúa Giêsu Kitô?
Hay, phải chăng tôi chỉ dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Thần mà không chú ý tới việc trau dồi những kỹ năng cơ bản? Phải chăng tôi đã từng giao phó mọi trách nhiệm cho Thiên Chúa và bỏ qua những gì mà tôi có thể học được từ những ý kiến phản hồi của người khác hoặc từ một cuộc hội thảo về việc giảng thuyết?
Tôi có nhận định về những gì tôi làm không? Tôi có chấp nhận những góp ý thẳng thắn từ người khác không? Sự rao giảng của tôi có dựa trên sự khiêm nhường, tinh thần nghèo khó và sự tự nhận thức đúng đắn của bản thân không?
Đâu là những kinh nghiệm hình thành nên tôi và lời nói của tôi? Tôi đã có kinh nghiệm về sự nghèo đói vật chất, bị lệ thuộc, và tình liên đới với người nghèo trên thế giới này chưa? Tôi đã để cho tiếng khóc than của người nghèo, những người không có địa vị xã hội, học vấn hay quyền lực, tác động tới sự hiểu biết và cách diễn đạt của tôi về Phúc âm như thế nào?
Đối với Thánh Đa Minh, việc rao giảng được thiết lập dựa trên đời sống khó nghèo, cầu nguyện và học hành. Điều này có đúng với tôi và việc rao giảng của tôi không?
Tác giả: Fr. Donald J. Goergen, O.P
(Cha Donald J. Goergen, O.P., là một nhà giảng thuyết, thầy giáo, giảng viên, tác giả và nhà thần học đã giảng dạy Kitô học và linh đạo trong nhiều năm. Ngài từng là giám tỉnh của các anh em Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Miền Trung tại Hoa Kỳ, và hiện đang cư trú tại Friends of God, Dominican Ashram, Kenosha, WI 53140-1934.)
Nguồn: “Self-Examination Questions for Dominican Preachers.” Dominican Life – USA, http://domlife.org/resources/preaching-resources/self-examination-questions-for-dominican-preachers/