Những ngày đầu mùa hạ với những tia nắng vàng len lỏi qua từng đám mây trắng trên nền trời xanh biếc, chúng xuyên qua những tán lá chiếu xuống nền đất từng vệt đốm lớn nhỏ làm cho cảnh sắc đất trời thêm vui mắt và sinh động. Những ngày vào hạ tươi đẹp đó cũng là thời gian mà tôi bắt đầu được sống trong nội vi của Tập viện, với những cảm xúc mới lạ của một tập sinh.
Để một ngôi nhà có thể đương đầu với phong ba bão táp, ngôi nhà ấy cần phải được xây trên nền móng thật kiên cố. Để một cái cây có thể phát triển tươi tốt và đứng kiên cường trước bão tố, nó cần được lớn lên trong điều kiện đầy đủ dưỡng chất và ánh sáng, nó cũng cần có một bộ rễ thật chắc khỏe để có thể đâm sâu vào lòng đất – nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho nó.
Đời sống tu trì cũng thế. Một nữ tu đủ trưởng thành và có đủ khả năng đương đầu trước những thách đố của cuộc sống cũng cần trải qua quá trình vun đắp, đào tạo lâu dài. Và có thể nói, tập viện là giai đoạn tối quan trọng cho sự trưởng thành của một tu sĩ, vì đây chính là “nơi khởi đầu đời sống tu trì, là nơi để tập sinh thử nghiệm nếp sống đời tu, thấm nhuần tinh thần của dòng và chứng minh ý định, khả năng của mình”1 qua từng ngày sống.
Khi được khoác lên mình tấm áo dòng trắng tinh khiết, tôi vui mừng vì được bước vào một giai đoạn thánh thiêng, giai đoạn mà tôi được sống tách biệt với thế giới bên ngoài, không bận tâm lo lắng những chuyện thế gian để được chìm sâu trong cô tịch hầu có thể gặp gỡ Thiên Chúa, để sống như một người bạn và nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Tôi cũng hạnh phúc vì được là một phần trong việc trở nên trái tim, hơi thở của Hội dòng, bởi khi có tập sinh nghĩa là Hội dòng vẫn còn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.
Và với tôi, tập sinh cũng chính là nguồn động lực không thể thiếu trong sứ vụ truyền giáo của Dòng. Giống như thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su, suốt đời ngài chỉ sống trong nội vi của dòng kín nhưng lại được tôn nhận làm bổn mạng các xứ truyền giáo vì đời sống cầu nguyện liên lỉ, cùng với những hy sinh bé nhỏ nhưng luôn hướng đến việc truyền giáo. Cũng thế, tập sinh tuy không trực tiếp ra ngoài để thi hành sứ vụ tông đồ, nhưng bằng lời cầu nguyện âm thầm, tập sinh có thể giúp cho các chị em khác trong sứ vụ tông đồ có thêm can đảm và nhiệt thành hơn với đoàn chiên đang khát Lời Hằng Sống.
Những gì được đào luyện trong giai đoạn tập viện chính là bước đệm cho mọi công việc và sứ vụ của người tu sĩ sau này, không chỉ bằng việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, nhưng còn là việc trở nên chứng tá sống động giữa thế giới hôm nay để loan truyền tình yêu Chúa đến khắp mọi nẻo đường u tối, những nơi chưa biết Chúa và những nơi danh Chúa còn bị lu mờ.
Nếu một mầm xanh vươn mình đón lấy những giọt sương mai để có sức sống trong ngày mới khỏe khoắn và lớn lên dưới ánh mặt trời mới, thì tôi – một tập sinh cũng mở toang cánh cửa lòng mình để cho Lời Chúa thấm nhuần trong mảnh đất tâm hồn khô cằn cần được tưới đẫm dưới những cơn mưa rào của ân sủng, để tôi có thể nghe được tiếng Chúa nói trong thế giới nội tâm bất ổn và trong cô tịch của một cõi riêng tư.
Chìm sâu trong thinh lặng để tôi thấy mình nhỏ bé giữa thế giới rộng lớn này. Có khờ dại không khi tôi chọn Giê-su là đối tượng duy nhất của đời mình? Có dại không khi tôi bước vào cõi lặng để tìm và lắng nghe tiếng Chúa? Có dại không khi tôi từ bỏ và rời xa thế gian; và có dại không khi tôi chọn cho mình một lối đi riêng biệt? Những câu hỏi vu vơ ấy tôi chẳng thể trả lời một cách rõ ràng, nhưng như nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Có lẽ vì “dại” nên tôi có Giê-su là tất cả. Vì dại nên tôi luôn thấy bình an trong Giê-su. Vì dại nên tôi luôn vui tươi và hân hoan tiến bước. Vì dại nên tôi thấy cuộc đời tôi được dệt nên bằng chuỗi ngày hồng ân.
Lặng ngắm Thầy Giê-su nơi nhà tạm bé nhỏ, tim tôi luôn rộn lên một niềm vui vì tôi biết Ngài đang âu yếm nhìn tôi, sẵn sàng chờ đợi và lắng nghe tôi thì thầm như một người bạn tâm giao về những câu chuyện buồn vui của kiếp người.
Tôi đã từng ước giá như mình là một ngọn đèn chầu luôn bên cạnh nhà tạm của Chúa, một ngọn đèn nhỏ bé nhưng luôn cháy sáng và Ngài yêu thương không để nó tắt đi. Và giờ tôi biết mình có thể là một ngọn đèn chầu nếu tâm hồn tôi luôn nồng nàn ngọn lửa yêu mến. Nhưng trên tất cả, tôi ước ao Chúa nhận lấy đời tôi lúc nắng khi mưa, chỉ bấy nhiêu thôi là đã đủ cho tôi.
Maria Thu Huyền
1 Giáo luật, điều 646. “Tập viện và việc đào tạo tập sinh”