Khoa học đã chứng minh cảm xúc có thể cải thiện hoặc làm suy giảm sức khoẻ thể chất và tinh thần của chúng ta. Vậy cảm xúc của bạn thế nào? Chúng làm bạn khỏe mạnh hơn hay ốm yếu hơn? Thiết nghĩ, việc xem xét và đánh giá những cảm xúc quen thuộc có thể cung cấp cho bạn một vài thông tin về sức khỏe của mình.
Suy nghĩ tích cực và sở hữu những gam màu cảm xúc tươi sáng giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Ngược lại theo nhiều nghiên cứu, nếu chìm đắm trong sự buồn chán sẽ dễ dàng làm cho cơ thể suy nhược, khiến bạn tăng nguy cơ mắc các bệnh như: cảm lạnh, ung thư, và những bệnh về tim mạch.
Nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ tâm lý học, Carsten Wrosch, tại đại học Concordia Montreal, Canada cho thấy, cảm xúc cay đắng và tức giận dường như tàn phá cơ thể chúng ta, ảnh hưởng một cách tiêu cực tới sự trao đổi chất, khả năng miễn dịch, sự phản ứng của các cơ quan và dẫn đến bệnh tật. Bác sĩ y khoa, Isaac Eliaz tin rằng những suy nghĩ bi quan và tình trạng căng thẳng đi kèm với chúng, góp phần không nhỏ vào việc gây ra một loạt các bệnh ung thư. Một liên hệ rõ ràng đó là nguy cơ ung thư ngực tăng gấp đôi đối với những phụ nữ u sầu, buồn bã sau cái chết hoặc sau khi ly hôn, hay ly thân với người chồng của mình.
Khi các nhà khoa học liên kết bệnh tật với chứng viêm trong cơ thể chúng ta, họ cũng khám phá ra rằng cảm xúc tiêu cực kích động tình trạng viêm có hại trong cơ thể, cho thấy mối liên hệ giữa thái độ bi quan và chứng viêm khiến cho quá trình lành vết thương chậm hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng, lão hóa sớm, tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư, viêm khớp, bệnh tiểu đường loại 2, bệnh Alzheimer và thậm chí là bệnh nha chu. Một nghiên cứu của Johns Hopkins được công bố năm 2012 chỉ ra rằng những người mắc bệnh trầm cảm và rối loạn suy nghĩ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 2,6 lần, có thể bị chấn thương cần nhập viện cao gấp đôi, và có nguy cơ tử vong vì vết thương của họ cao gấp 4,5 lần.
Thực vậy, sự có mặt của những cảm xúc tiêu cực có thể gây ra cho ta sự đau đớn. Ước tính có khoảng 100 triệu người Mỹ bị đau mãn tính, tốn khoảng 600 triệu đô la mỗi năm cho việc chăm sóc sức khỏe và hiệu suất làm việc bị giảm sút. Trong cuốn sách với tựa đề, Cuộc Sống Không Còn Những Cơn Đau, bác sĩ nội khoa, Scott Brady của bệnh Bệnh viện Florida đã viết về kinh nghiệm vượt qua những cơn đau mãn tính của mình rằng: “Tôi đã hiểu ra rằng những cảm xúc bị kìm nén, nặng nề, và tiêu cực chính là nguyên nhân gây ra đau đớn cho tôi – và tôi có thể điều trị cơn đau bằng cách giải phóng và trung hòa những cảm xúc tiêu cực đó”.
Brady đã sử dụng cách thức tiếp cận toàn diện, tâm trí-cơ thể-tinh thần để xóa tan cảm xúc tiêu cực của mình. Cuối cùng, Brady nói: “Tôi đã có lại cuộc sống của mình – không đau đớn, cũng không cần đến thuốc. Tôi có thể đánh bóng golf mà không bị đau lưng, và tôi có thể đối phó với nhiều tình huống đầy áp lực khi ở nhà hoặc tại nơi làm việc mà không bị đau đầu hay bị chứng rối loạn tiêu hóa.”
Tích Cực: Sự Chuyển Đổi Mô Hình Nghiên Cứu
Nghiên cứu gần đây đã tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa sức khỏe tốt và việc tránh những cảm xúc tiêu cực, cũng như việc phát triển cảm xúc tích cực. Nhà lãnh đạo theo sự chuyển đổi mô hình nghiên cứu này là Julia K. Boehm, tiến sĩ và nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Harvard. Boemhn cho rằng: “Sức khỏe không đơn thuần là sự vắng mặt của bệnh tật. Người không ốm đau không có nghĩa là cơ thể của họ vẫn đang hoạt động tốt. Trong nghiên cứu của mình, tôi cố gắng tập trung phân tích những điều mà con người có thể làm tốt, hoặc những gì giúp họ khỏe mạnh và phát triển”.
Boehm và bạn đồng nghiệp cùng trường Harvard của cô là tiến sĩ Laura Kubzansky, đã nghiên cứu mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và trạng thái tích cực ví dụ như lạc quan, hạnh phúc và sự hài lòng. Boehm nói: “Về cơ bản, chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu những người hạnh phúc hơn, lạc quan hơn có ít bị đau tim hoặc đột quỵ hơn hay không. Nhiều nghiên cứu trước đó cho thấy tình trạng hạnh phúc giúp tim mạch khỏe mạnh hơn. Chúng tôi cũng thu được kết quả chứng minh rằng tâm lý khỏe mạnh và sức khỏe tim mạch có liên kết với nhau vì những người tích cực có xu hướng thực hành nhiều thói quen lành mạnh hơn, chẳng hạn như chế độ ăn giàu rau củ và trái cây, thường xuyên tập thể dục, chức năng sinh lí của những người này khỏe mạnh hơn, họ có chỉ số cholesterol thấp hơn”.
Nhiều chuyên gia đang nghiên cứu về kế hoạch nuôi dưỡng sự tích cực. Sonja Lyubomirs, tiến sĩ tâm lý học, nhà nghiên cứu những cảm xúc vui vẻ, và là tác giả của cuốn sách Bí Quyết Của Hạnh Phúc đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng cho dù hoàn cảnh của bạn ra sao thì ít nhất 40% mức độ hạnh phúc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Điều này có nghĩa là, bạn có thể nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực và hạnh phúc của mình.
Brady đã khuyên chúng ta hãy trân quý những cảm xúc tích cực, “hãy trở thành nhà sưu tập sự tích cực, tìm kiếm điều tốt đẹp của cuộc sống, và khi tinh thần phấn chấn hãy để niềm vui lấn át những lề thói thường ngày của bạn”.
David B. Biebel- tiến sĩ mục vụ, tác giả, và biên tập viên quản lý cho việc xuất bản của Bệnh viện Florida, tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida đã kết luận rằng: “Tóm lại, sức khỏe cảm xúc ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn vì đó là cách mà Đấng tạo hóa đã tạo dựng chúng ta”. Sau khi con trai của ông qua đời vì một căn bệnh không được chẩn đoán, Beibel đã nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng chữa lành duy nhất và những hành động tích cực thực sự quan trọng.
Thể Hiện Lòng Biết Ơn
Theo Lyubomirsky, một trong những bí quyết để hạnh phúc và khỏe mạnh hơn đó là bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác, trân quý những phúc lành bạn nhận được, và thực hành yêu thương và lan tỏa lòng nhân ái.
Một nghiên cứu được thực hiện trong bốn năm tại Đại học Tiểu bang California, theo dõi 700 sinh viên độ tuổi từ 10 đến 14; kết quả nghiên cứu này đã cho thấy những bạn trẻ thể hiện sự biết ơn nhiều nhất đã hài lòng hơn với cuộc sống của họ, ít lạm dụng ma túy và những chất có cồn hơn, đồng thời giảm 13% cảm xúc tiêu cực và 15% các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Không những thế, trong nghiên cứu này, những người thể hiện và viết nhật ký về sự biết ơn đã đạt được những kết quả tích cực về sức khỏe mình chẳng hạn như, trạng thái hạnh phúc của họ cao hơn, cân nặng được kiểm soát tốt hơn, khả năng miễn dịch cao hơn, họ ít bị trầm cảm và ngủ ngon giấc hơn.
Những Tương Quan Tốt Đẹp
Những tương quan lành mạnh và cảm xúc tích cực mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Có lẽ không có mối tương quan nào sâu sắc và quan trọng như tình cảm gia đình chúng ta. Một nghiên cứu được công bố năm trước đã cho thấy, các bậc cha mẹ có nguy cơ bị cảm lạnh thấp hơn khoảng 50 % so với những người không phải cha mẹ và những ai có từ ba người con trở lên thậm chí còn khỏe mạnh hơn so với những người khác, ở mức 61%.
Trong nhiều tương quan, những người hay khó chịu, bực bội có xu hướng khó tha thứ cho người khác. Wrosch đã nói trong một bài báo của Đại học Concordia rằng, phương pháp cần thiết giúp đối phó với sự cay đắng chính là sự tha thứ. Michael Barry, tiến sĩ mục vụ, tác giả cuốn sách Dự Án Của Sự Tha Thứ đã viết rằng nuôi dưỡng hận thù sẽ tạo ra tình trạng lo lắng mãn tính, sản sinh những tế bào khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Barry đã tìm ra 61% bệnh nhân ung thư mà ông nghiên cứu đều đang sống trong hận thù.
Cứ Để Mọi Thứ Tự Nhiên! Hãy Sống Tốt
Lạc quan là một mục tiêu đáng được coi trọng, tuy nhiên lắm khi những vấn đề tiêu cực cũng cần sự chú ý của ta. Hãy học cách biến nỗi buồn thành điều gì đó “không quá tệ” và đừng quá bận tâm vào những khía cạnh cuộc sống vốn làm bạn sợ hãi hoặc hoài nghi.
Nếu cứ mãi bận tâm lo lắng, bạn sẽ làm mất đi sự bình an và niềm vui trong bạn. Lo lắng là một cảm xúc độc hại chẳng bao giờ giúp ích cho ai. Vì thế, thay vì phiền muộn, lo lắng hãy cầu nguyện về những vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Vậy bạn nên làm gì khi sự lo lắng lặp đi lặp lại? Theo bác sĩ y khoa, Monica Reed: “Một cách đơn giản là hãy nghĩ về điều gì đó khác. Hãy nhớ lại những kỷ niệm đẹp mà bạn đã có được trong nhiều năm qua, những địa điểm cho kỳ nghỉ mà bạn yêu thích, và hãy nghĩ về một người luôn khích lệ và mang đến cho bạn nhiều niềm vui. Bạn sẽ nhận ra rằng khi bạn hình dung về những trải nghiệm tích cực, bạn không còn bị những suy nghĩ tiêu cực tấn công bạn như trước nữa. Hơn nữa, bạn sẽ có thể lập kế hoạch cho những việc làm tiếp theo với nhận thức tốt hơn và với lợi ích của một tâm trạng phấn chấn”.
Reed khuyên rằng nếu bạn cần suy nghĩ về điều gì đó thì hãy làm nó khi bạn đã sẵn sàng và sau khi bạn đã nghỉ ngơi. “Thông thường, khi tâm trạng bạn vui thì mọi thứ dường như trở nên tốt đẹp hơn và bạn sẽ phản ứng một cách khôn ngoan hơn”.
Một cách khác giúp bạn giải quyết tình huống tiêu cực đó là hãy viết lại nó trên giấy. Theo Reed: “Viết ra những suy nghĩ tiêu cực giúp bạn kiểm soát cảm xúc và không để chúng nắm giữ bạn”. Bạn không nên hướng cảm xúc tiêu cực vào tâm trí khi bạn đang đối mặt với những thử thách. Reed nhắn nhủ rằng: “Cách bạn trò chuyện với chính mình đóng một vai trò quan trọng, giúp bạn nhận định liệu cách nhìn vấn đề của mình có tích cực hay không. Nếu bạn đang nói với bản thân mình rằng, bạn là người có giá trị và thành công thì rất có thể bạn sẽ trở thành những gì mà bạn nghe được từ chính mình”.
Tác giả: Michele Deppe
Người Dịch: Terexa Vong Nguyen, O.P
Nguyên Văn: Deppe, M. (March/April, 2013). How Your Emotions Impact Your Health. CINAHL Complete. Retrieved from: