Tôi là Tô-ma , cũng gọi là Ði-đy-mô, là một người Do Thái thuộc miền Ga-li-lê. Tôi được diễm phúc là một trong số mười hai tông đồ đi theo Đức Giê-su. Có lẽ khi nói đến tôi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến kẻ tội lỗi hay sẽ chẳng có mấy thiện cảm với cái tên gọi “kẻ cứng lòng tin”.
Quả thật, tôi cũng là kẻ cứng lòng tin vì tôi đã thẳng thừng từ chối lời chứng của các anh em, bởi theo lý trí tự nhiên ai mà chẳng đòi có lý do để tin? Vậy nên mới chỉ có lời chứng của các anh em thì chưa đủ để thuyết phục tôi tin vào việc thầy Giê-su đã sống lại. Tôi vốn là người ít học nhưng như nhiều người nhận định thì tôi là người có óc tìm tòi, ý chí kiên vững và một tinh thần tận tụy hy sinh. Anh em cho là tôi có tinh thần tận tuỵ bởi trong biến cố thầy Giê-su quyết định lên Giê-ru-sa-lem để cứu anh La-za-rô, trong khi tất cả các anh em khác đều cản: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (Ga11,8), thì chỉ có mình tôi đã cương cương quyết trung thành với Thầy cho đến cùng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16). Hay khi Thầy từ giã anh em chúng tôi để đi chịu chết thì chính tôi đã đặt ra câu hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga.14,1-5) và đã được Thầy hé mở về mầu nhiệm Thiên Chúa.
Như các bạn đã biết, sau biến cố kinh hoàng khi chứng kiến cái chết của Thầy Chí Thánh, tôi và các anh em vẫn còn ở trong hoang mang chới với. Cho nên, nơi chúng tôi ở, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái và đây cũng là lúc câu chuyện của tôi được bắt đầu. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần ấy, trong khi tôi có công chuyện phải vắng nhà, Thầy đã hiện ra ban Thánh Thần cùng bình an cho các anh em… Khi về, anh em đã vui mừng phấn khởi khoe với tôi : “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25). Mặc dù không giễu cợt, châm biếm nhưng tôi rất thận trọng, không sẵn lòng tin ngay. Vì quả thật, mặc dù đã theo Thầy một thời gian nhưng niềm tin về Đấng Phục sinh trong tôi vẫn còn mù tối. Thay vào đó, tôi muốn được thấy những gì anh em đã thấy, muốn được nghe những gì anh em đã nghe nên đã không ngần ngại tuyên bố: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20, 25). Khi thấy tôi phản ứng như thế, các anh em cũng đành bất lực vì họ hiểu rằng, lòng mến thì tôi đã sẵn có nhưng còn lòng tin thì tôi cần phải có thêm ơn Chúa. Hơn nữa, việc nhận ra Đấng Phục Sinh không phải do sức riêng của mình nhưng hoàn hoàn là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa (x. GLHTCG số 153).
Tám ngày sau, cũng trong khung cảnh của tuần trước, anh em chúng tôi lại họp và hôm nay có cả tôi. Thầy hiện ra đứng giữa chúng tôi và phán: “bình an cho các con” (Ga 20, 26). Sau đó, Thầy đã chìa tay và mời tôi đụng chạm vào những vết thương của Thầy: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20, 26). Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi kinh ngạc, sững sờ, và chỉ có thể thốt lên: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28)
Các bạn ạ, đây thật sự là việc ngoài sức tưởng tượng của tôi. Niềm vui như vỡ òa, sự hiện diện của Thầy đánh tan nỗi sợ hãi đã đóng băng nghị lực của anh em chúng tôi trong những ngày qua. Sự Phục Sinh của thầy không chỉ là niềm vui của riêng tôi hay của các anh em tôi, nhưng là niềm vui cho toàn thể nhân loại. Chính Thầy đã tự nguyện chịu chết cho chúng ta và nay Ngài đã chiến thắng sự chết. Từ nay sự chết không còn quyền gì trên chúng ta và chúng ta có niềm hy vọng sẽ được sống lại như Ngài. Qua biến cố này, tôi cũng hiểu ra được nhiều điều mà trước đây Thầy đã nói cho những người đi theo Ngài.
Được diễm phúc chiêm ngắm và đụng chạm vào Đấng Phục Sinh, tôi luôn tự hỏi: “Tại sao tôi lại được Thầy thương như thế?” Trong những lúc ấy, ngồi gẫm lại trong thinh lặng, tôi thấy, đường lối Chúa thật nhiệm màu. Ngài luôn vẽ nét thẳng trên những đường cong. Đôi khi tôi thầm cảm ơn sự cứng lòng của mình, vì nhờ nó mà tôi được tận tay sờ vào các thương tích nơi thân thể của Thầy mình, qua đó, các vết thương cứng lòng ở nơi tôi cũng được chữa lành, tâm trí tôi cũng được giũ bỏ mọi nghi nan, trở nên vững vàng trong đức tin và trở thành nhân chứng sống của sự kiện Phục Sinh.
Qua câu chuyện của chính mình, tôi thiết nghĩ đây là một bài học hữu ích không chỉ cho những ai cứng lòng tin mà còn cho tất cả chúng ta – những người tin đang sống ở thời đại văn minh khoa học kĩ thuật ngày hôm nay – một thời đại mà việc gì, chuyện gì cũng đòi phải được chứng minh, kiểm nghiệm và đưa ra “cân, đo, đong, đếm”. Sự chính xác đã làm cho con người không chỉ thận trọng, dè dặt nhưng còn “cứng lòng” và vô cảm trước những gì quan đến niềm tin, dựa trên đức tin của người khác đã khẳng định, tường thuật, kể lại, v.v.
Đó là câu chuyện của tôi, câu chuyện của một kẻ sống trong đức tin nhưng lại đòi hỏi sự rạch ròi rõ ràng không nhầm lẫn mà quên mất rằng đã là đức tin thì không có sự chứng minh nhưng chỉ có sự yêu mến và tuân phục. Nhưng nếu bạn có lòng yêu mến mà vẫn thấy mình chưa đủ tin thì hãy cầu xin để Thiên Chúa ban thêm cho bạn vì tin là một ân ban nhưng không như tôi đã khẳng định ở trên và nếu bạn đã có lòng tin thì hãy gìn giữ và triển nở đức tin ấy sao cho đẹp lòng Chúa. Tôi xác tín rằng, với tình yêu của Đấng Phục Sinh cộng với lòng mến bạn dành cho Ngài, sẽ giúp bạn vượt qua mọi thách đố trong cuộc sống đòi hỏi sự có mặt của lòng tin.
Tâm An