Mỗi mùa Phục Sinh về, có lẽ câu chuyện của anh em chúng tôi lại được nhắc nhớ nhiều nhất sau câu chuyện của chị Ma-ri-a Ma-da-le-na. Bởi lẽ chị ấy là người có diễm phúc được gặp Đấng Phục Sinh trước nhất, còn chúng tôi thì được gặp Ngài trong hoàn cảnh đặc biệt với tình trạng khăn gói thất vọng trở về quê hương… Sau mọi sự đã xảy ra, thiết tưởng, đây không phải là câu chuyện tình cờ nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, để Ngài dùng chúng tôi như là những khí cụ sống động minh chứng cho việc sống lại của Đức Giê-su là sự thật vì Ngài đã hiện ra với chúng tôi và nhiều người trong những hoàn cảnh khác nhau.
Vào thời điểm Đức Giê-su bắt đầu hoạt động công khai, rao giảng về Nước Trời, có nhiều người đã đến Giê-ru-sa-lem vì nghe biết thầy Giê-su là Đấng Mê-si-a, là vua mà người Do-thái đang mong chờ trong đó có chúng tôi. Thầy đã đến, chúng tôi đã gặp và mong muốn được kết thân với Thầy với hy vọng Thầy sẽ đem lại cho dân sự ơn giải thoát, v.v. Và đúng như lòng mong ước, chúng tôi được chọn là thành viên của nhóm Mười Hai. Chính khái niệm “Nước” mà Ngài rao giảng là cơ hội cho những người lãnh đạo Do Thái quy chụp tội danh chính trị rồi mượn tay quân Ro-ma mà giết. Thật vậy, Nước Thiên Chúa giống như vương quốc trần gian là lối hiểu sai lầm “chết người” của anh em chúng tôi cũng như của rất nhiều người thời bấy giờ. Có lẽ cũng vì lối hiểu lầm ấy cộng thêm tham vọng muốn được thấy quyền năng của Thầy mà anh Giu-đa đã bán Thầy… Với sự cộng tác đắc lực của Giu-da mà chỉ sau một đêm, nơi Vườn Dầu, sau một phiên tòa bất công cho Thầy, nhiều người đã mất hết niềm hy vọng, giấc mộng tan mây, trong đó có cả tôi. Thật thế, chính mắt tôi đã thấy Thầy chết trên thập giá, được ông Giô-xếp thành A-ri-ma-thê chôn cất trong một ngôi mộ còn mới (x. Mc 15, 42-46). Thế là, tất cả những ước mơ, hoài bão chúng tôi đặt nơi Thầy đều bị chôn vùi tựa thân xác Thầy trong mồ đá vậy. Mặc dù trân trọng tình Thầy trò nhưng Thầy đâu còn để chúng tôi có định hướng mà sống? Do đó, Giê-ru-sa-lem cũng chẳng còn gì để níu giữ chúng tôi ở lại. Vì thế, khăn gói về quê là phương thế tối ưu nhất để tiếp tục cuộc sống của chúng tôi lúc này. Mặc dầu, sáng nay chúng tôi cũng kinh ngạc khi được mấy chị phụ nữ trong nhóm sau khi ra mồ về nói đã thấy Thiên Thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống và vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ và cũng thấy y như các chị ấy nói… (x. Mt 28, 1-8).
Trên suốt con đường Em-mau, nội dung câu chuyện của anh em chúng tôi chỉ xoay quanh đề tài Thầy Giê-su bị bắt, bị kết án, bị chết và việc Ngài sống lại đó thực hay hư. Đang lúc trò chuyện bàn tán thì có người thứ ba tiến lại gần và cùng đồng hành với chúng tôi. Mặc dù chỉ là khách qua đường nhưng sao trong tôi có cảm giác người này gần gũi, thân thiện… Chính ngài ấy cũng khiến anh Cơ-lê-ô-pát tin tưởng như tìm được người trút nỗi lòng. Hơn nữa, người đồng hành có vẻ quan tâm đến đề tài này nên câu chuyện của ba người chúng tôi càng trở nên sôi nổi. Vì còn bị ngăn cản nên mắt chúng tôi chưa nhận ra người đang cùng đồng hành với chúng tôi chính là Thầy. Dĩ nhiên là người trong cuộc, nên Thầy biết hết. Là Đấng Phục Sinh, Thầy có thể làm mọi sự, phán một lời để mọi người tin vào Thầy. Nhưng Thầy đã chọn cách hành xử là đồng hành, khơi gợi và lắng nghe chia sẻ, rồi giải thích để giúp chúng tôi từ từ nhận ra Thầy. Con đường về làng Em-mau còn dài phía trước, Thầy cùng chúng tôi bước đi, đồng thời chia sẻ với chúng tôi về tất cả những lời các sách Cựu Ước đã giải thích liên quan đến Thầy Giê-su. Khi Thầy nói chuyện và giải thích Kinh Thánh thì lòng chúng tôi bừng cháy, nhưng mắt chúng tôi vẫn chưa nhận ra Người. Chúng tôi cần thời gian và Thầy đã cho chúng tôi cơ hội để từ kinh nghiệm cá nhân, tự sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi có thể nhận ra Thầy. Phải chăng, đây cũng là điều mà Thầy muốn tôi cũng như tất cả những ai được trao sứ vụ loan báo Tin Mừng học theo? Muốn cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nói trên môi miệng nhưng cần đến với họ, đi cùng họ, đi vào cuộc sống, văn hóa, tâm tư tình cảm của họ, từ đó mới giúp họ nhận ra Thiên Chúa.
Con đường phía trước dần ngắn lại bởi cuộc trò chuyện của Thầy. Thầy muốn đi xa hơn khi đã đến làng Em-mau, nhưng chúng tôi đã nài ép và mời Thầy ở lại vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Lời mời ấy tôi vẫn được thôi thúc để nói với Thầy trong cuộc sống hằng ngày: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì ngày sắp tàn và đêm dần buông. Thầy là bình an, là hoan lạc và là sức sống của con”. Thế là chúng tôi vào nhà nghỉ ngơi và dùng bữa sau một ngày mệt mỏi trên đường. Khi đồng bàn với chúng tôi, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho chúng tôi. Cả tôi và anh Cơ-lê-ô-pát đều nhận ra cử chỉ quen thuộc đầy yêu thương mà Thầy đã làm trong bữa tiệc ly hôm ấy. Lúc ấy không ai nói ai, mắt chúng tôi sáng ra và nhận ra Người nhưng Người lại biến mất. Sức sống như bừng dậy, ngay lập tức anh em tôi đứng dậy, trở lại Giê-ru-sa-lem để gặp nhóm Mười Một đang tụ họp ở đó. Thấy hai chúng tôi trở lại, các anh em rất đỗi vui mừng, cả nhóm thi nhau kể lại việc Thầy đã Phục Sinh và hiện ra với các ông như thế nào. Còn chúng tôi thì thuật lại việc Thầy đã hiện ra đồng hành trên suốt chặng đường với chúng tôi và khi Ngài bẻ bánh lúc ấy, chúng tôi mới nhận ra Người (x. Lc 24, 13-35). Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thế là câu chuyện phục sinh mỗi lúc một lan nhanh, nhanh như lúc Thầy bị dân dẫn vào thành chịu chết vậy. Niềm vui vì thấy Thầy sống lại là như thế nhưng niềm vui mà chúng tôi nhận được lớn lao hơn cả đó là chúng tôi nhận ra thần tính của Thầy, Thầy là Chúa và là Thiên Chúa của chúng tôi. Thật vậy, trước đây niềm tin vào nhân tính Thầy là một điều hiển nhiên. Thầy như một Người đã sống giữa chúng tôi vì thế mà khi nói về Ngài chúng tôi thường nói “Giê-su Na-za-ret” (Lc 4,19). Nhưng sau khi Ngài Phục Sinh, chúng tôi còn nhận biết Ngài là Chúa, là Con Thiên Chúa. Vậy là từ nay tất cả anh em chúng tôi đều sống trong niềm vui và hy vọng, vui vì Thầy đã sống lại, hy vọng vì nếu cùng chịu chết với Người, chúng tôi cũng sẽ được cùng sống lại với Ngài.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã không bỏ mặc chúng con, ngay những lúc đen tối nhất, khủng hoảng nhất thì Chúa vẫn luôn hiện diện, đồng hành với chúng con. Sự hiện diện của Ngài thật nhẹ nhàng, gần gũi nên chỉ có những tâm hồn nhạy cảm luôn khao khát Chúa mới có thể nhận ra được. Giữa cuộc sống bon chen đầy gian khổ này, xin cho mỗi chúng con biết luôn nhìn lên Thánh giá Chúa là nguồn hy vọng duy nhất của cuộc đời mà kiên tâm giữ vững đức tin, hầu hy vọng có ngày được phục sinh với Ngài. Amen
Tâm An
Bài viết có sử dụng nguồn: http://donggioanthienchua.net