(Trích từ: Hạt Giống Mới của Chiêm Niệm, tác giả Thomas Merton)
Chuyển ngữ: Catherine Thoa Phan
Chiêm niệm là một biểu hiệu cao nhất của đời sống trí tuệ và tâm linh con người. Đó chính là sự sống tròn đầy, sự sống ý thức được cách trọn vẹn đầy đủ rằng mình đang sống. Chiêm niệm là đời sống tâm linh tuyệt vời, là sự tự phát của đời sống thiêng liêng và sự hiện hữu. Chiêm niệm là nhận thức về sự sống và sự hiện hữu trong chúng ta bắt nguồn từ Đấng vô hình, siêu việt và vô tận. Trên hết, chiêm niệm là nhận thức về thực tại của Đấng vô hình, Đấng Nguồn Cội, và không thể lý giải được, nhưng vượt lên trên lý trí và cả đức tin giản đơn. Chiêm niệm là một sự cao quý thiêng liêng mà cả lý trí và đức tin đều khao khát, bởi tự bản chất lý trí và đức tin luôn không hoàn thiện. Tuy nhiên, chiêm niệm không phải là một thị kiến, bởi vì trong chiêm niệm thấy “mà không thấy,” biết “mà không biết.” Chiêm niệm là một chiều sâu đức tin, là một nhận thức quá đỗi thâm sâu vượt lên trên những gì là hình ảnh, ngôn từ và khái niệm có thể diễn tả. Chiêm niệm có thể được gợi mở bằng ngôn từ, biểu tượng, nhưng trong chính khoảnh khắc cố gắng diễn tả những gì mình biết, tâm hồn chiêm niệm lại bỏ qua những gì đã nói hoặc từ chối những điều đã khẳng định. Vì thế, khi chiêm niệm, chúng ta nhận biết qua “điều không biết.” Hay đúng hơn, chúng ta nhận biết vượt lên trên tất cả những gì đã biết hoặc “không biết.”
Thơ ca, âm nhạc và nghệ thuật có điểm chung với kinh nghiệm chiêm niệm. Nhưng chiêm niệm nằm ngoài trực giác thẩm mỹ, nghệ thuật và thơ ca. Chiêm niệm cũng nằm ngoài triết học và thần học suy luận. Chiêm niệm nằm ngoài sự hiểu biết và sự kiểm soát của chúng ta, vượt lên trên sự giải thích, diễn ngôn, đối thoại và cả bản thể chúng ta. Để bước vào đời sống chiêm niệm, người đó phải chết đi: nhưng chết đi ở đây chính là bước vào đời sống siêu nhiên. “Chết đi” chính là để lại tất cả những gì chúng ta có thể biết hoặc trân quý như cuộc sống, suy nghĩ, kinh nghiệm, niềm vui, hay bản thể.
Và vì vậy, chiêm niệm dường như thay thế và loại bỏ mọi hình thức trực giác và kinh nghiệm khác, dù là trong nghệ thuật, triết học, thần học, phụng vụ hay trong các mức độ bình thường của tình yêu và đức tin. Sự từ chối này tất nhiên là rõ ràng. Chiêm niệm là và phải tương thích với tất cả những điều này, vì đó là sự hoàn thiện cao nhất của chúng. Nhưng thực tế, trong kinh nghiệm chiêm niệm, thì tất cả những kinh nghiệm khác đều bị mất đi trong giây lát. Chúng phải “chết đi” để được tái sinh ở một cấp độ cao hơn trong đời sống.
Chiêm niệm đạt tới sự hiểu biết và thậm chí cả kinh nghiệm về Thiên Chúa. Chiêm niệm cảm nếm được sự đụng chạm vào Thiên Chúa: Được chạm bởi Đấng vô hình, Đấng là Thực tại thuần khiết và là nguồn gốc của mọi thực tại! Do đó, chiêm niệm là món quà của nhận thức, sự thức tỉnh đối với Thực tại bên trong tất cả những gì là thực. Một nhận thức sống động về Bản thể vô hạn là cội nguồn của bản thể hữu hạn là chính chúng ta. Nhận thức về thực tại của chúng ta và món quà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa: một tình yêu nhưng không. Và chúng ta có thể cảm nghiệm được chiêm niệm chính là: “được Thiên Chúa chạm vào.”
Chiêm niệm cũng là sự đáp lại lời mời gọi từ Thiên Chúa, Đấng nói trong mọi sự, và là Đấng nói trong sâu thẳm con người chúng ta: vì chính chúng ta là lời của Ngài. Nhưng chúng ta là lời được dùng để đáp lại Ngài, để phản chiếu danh Ngài, để đón nhận Ngài và biểu thị danh Ngài. Chiêm niệm là sự cộng hưởng sâu sắc trong tâm hồn chúng ta, nơi mà chính cuộc sống của chúng ta mất đi tiếng nói riêng biệt và vang lên với vẻ uy nghiêm và lòng nhân từ của Đấng Ẩn và Hiện Hữu. Ngài trả lời chính Ngài trong chúng ta và câu trả lời này là đời sống ân sủng và sự đổi mới và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ. Chính chúng ta trở thành hình ảnh phản chiếu danh Ngài và là câu trả lời của Ngài. Như thể khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa đã đặt câu hỏi, và khi đánh thức chúng ta trong chiêm niệm, Ngài đã trả lời câu hỏi đó, và cũng là để người chiêm niệm đồng thời hỏi và trả lời.
Chiêm niệm bao hàm hai cấp độ nhận thức: thứ nhất, nhận thức về câu hỏi; thứ hai, nhận thức về câu trả lời. Mặc dù đây là hai cấp độ hoàn toàn khác nhau, nhưng trên thực tế chúng nhận thức về cùng một điều. Câu hỏi tự nó là câu trả lời. Và bản thân chúng ta vừa là câu hỏi vừa là câu trả lời. Nhưng chúng ta không thể biết điều này cho đến khi chúng ta bước vào cấp độ nhận thức thứ hai. Chúng ta nhận thức, không phải để tìm một câu trả lời hoàn toàn khác biệt với câu hỏi, nhưng để nhận ra rằng câu hỏi là câu trả lời của chính nó. Và tất cả được tóm gọn trong một nhận thức – không phải là một mệnh đề, mà là một kinh nghiệm: “TÔI LÀ.”
Chiêm niệm ở đây không phải là triết học, và cũng không phải là nhận thức tĩnh về các bản chất siêu hình được coi là vật thể tinh thần, bất biến và vĩnh cửu, và cũng không phải là sự suy gẫm của những ý tưởng trừu tượng. Nhưng là sự hiểu biết và đón nhận Thiên Chúa, qua cuộc sống của chính tôi trong Thiên Chúa, hay trong sách Tân Ước đã diễn tả đó chính là “mối tương quan cha-con.” “Vì ai được Thánh Linh hướng dẫn, thì là con cái Thiên Chúa …. Chính Thánh Linh làm chứng cho tâm hồn nội tâm chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa.” Chiêm niệm chính là món quà thiêng liêng và siêu việt. Chiêm niệm không phải là thứ mà chúng ta có thể đạt được một mình, bằng nỗ lực trí tuệ, hay bằng cách hoàn thiện sức mạnh tự nhiên của mình. Chiêm niệm cũng không phải là một loại tự thôi miên, mà là từ sự tập trung vào bản thể tâm linh bên trong chúng ta. Chiêm niệm không phải là thành quả nỗ lực của chính chúng ta. Đó là món quà từ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, chính Ngài hoàn thiện công trình tạo dựng ẩn giấu trong chúng ta bằng cách soi sáng tâm trí và tâm hồn chúng ta, đánh thức chúng ta ý thức rằng chúng ta là lời được nói trong Lời của Ngài, và Thần Khí đang ngự trong chúng ta, và chúng ta trong Ngài. Chúng ta ở “trong Đức Kitô” và Đức Kitô sống trong chúng ta. Đời sống tự nhiên trong chúng ta đã được hoàn tất, biến đổi và hoàn thiện trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Chiêm niệm là nhận thức và hiểu biết, thậm chí là một kinh nghiệm mà mỗi kitô hữu tin: “Bây giờ không còn là tôi sống nữa mà là Đức Kitô sống trong tôi.”
Do đó, chiêm niệm vượt lên trên những ý tưởng trừu tượng về Thiên Chúa, thậm chí còn trên cả những điều chúng ta tin. Đó là sự nhận thức, sự thấm nhuần và sự nắm bắt trực giác tuyệt vời mà nhờ đó tình yêu đạt được xác nhận về sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chiêm niệm không chỉ đơn giản là “tìm thấy” một ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa và giam giữ Ngài trong giới hạn của ý tưởng đó, và giam giữ Ngài ở đó như một tù nhân. Nhưng chiêm niệm được Thiên Chúa dẫn đưa vào cõi riêng của Ngài, vào chính mầu nhiệm và tự do của Ngài. Đó là một sự hiểu biết trong sáng và thuần khiết, cho dù có nghèo nàn về khái niệm và lý luận, nhưng có thể, bằng chính sự nghèo nàn và tinh khiết đó, chiêm niệm sẽ bước theo Lời: “bất cứ nơi nào Ngài có thể đến.”