“Chuyện của Che” là tác phẩm viết về Che Guevara, một người Argentina, một trong những nhà cách mạng đã vẽ lại bản đồ chính trị ở Mỹ Latinh và đem lại hi vọng cho những chiến sĩ chống lại thực dân khắp nơi nơi. Phong trào phản văn hóa thập niên 60 ở phương Tây ghi khắc biểu tượng của Che Guevara. Nhiều người còn gọi Che Guevara là “chiếc áo phông” của những sinh viên cấp tiến.
Trong câu chuyện của Che, tác giả Lucía Álvarez de Toledo đã họa lại cuộc đời của Che từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi Che đạt được những thành tựu của cuộc đời mình. Và cuộc đời Che là minh chứng cho một sự “thăng tiến” chính trị ở Mỹ Latinh trong thế kỉ XXI này. Chính khi anh chết đi, thành quả của những việc làm nơi anh đã nên như một lời trần tình với thế giới về một con người bình thường nhưng có hào khí phi thường. Không cần quyền lực, không cần tài chính. Có lẽ vì xuất phát từ một sự thật phũ phàng về sinh mạng mong manh của phận người nên Che cống hiến hết mình cho người khác.
… và Đức Benêđictô XVI
Ngày 31 tháng 12 năm 2022 vừa qua, ngày cuối cùng của năm, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bỏ lại tất cả để bước về nhà Cha. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc tại sao người viết lại đưa “chuyện của Che” vào bài viết này? Với người viết, Che Guevara và Đức Bênêđictô XVI có nhiều điểm chung: Về tư tưởng, về khí phách… Tuy nhiên, những gì mà lý tưởng của Che Guevara muốn đạt tới đơn thuần chỉ là sự giải phóng cho những người đang phải sống trong cảnh nô lệ tại châu Mỹ Latinh, hầu họ có thể có một tương lai sáng hơn. Còn Đức Bênêđictô XVI, những gì Ngài cống hiến cũng là xây dựng một nền văn minh sự sống nơi nhân loại, nhưng cùng đích nơi những gì Ngài cống hiến ngang qua Giáo hội có lẽ nhiều hơn thế.
Ngày 16 tháng 4 năm 1927 Joseph Aloisius Ratzinger mở mắt chào đời tại Đức. Sau thời gian phục vụ trong quân đội, ngài đi tu và được thụ phong linh mục năm 1951. Sau đó ngài dạy học, lúc 35 tuổi ngài đã rất nổi tiếng trên thế giới về thần học và trở thành cố vấn Thần Học cho Tòa Thánh tại Công Đồng Vatican II. Cha Ratzinger được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Munich và Freising năm 1977. Cũng trong năm này, ngài được phong chức hồng y. Bốn năm sau, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin. Ngày thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mất, người ta đồn đoán ngài sẽ là vị giáo hoàng tiếp theo. Tin ấy đã thành hiện thực ngày 19 tháng 4 năm 2005. Giây phút đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng, ngài nói với dân Chúa: “Tôi chỉ là người thợ tầm thường trong vườn nho của Thiên Chúa. Quan trọng là Thiên Chúa bù đắp cho những thiếu sót của tôi. Tôi tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em. Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ bầu cử cho tất cả chúng ta.”[1]
Hôm nay, nhìn dòng người tiến vào kính chào Ngài lần cuối, chúng ta mới thấy những gì Ngài cống hiến cho con người, cho đời và trên hết là cho Chúa ngang quan Giáo Hội đã trổ sinh hoa trái. Qua thật, mặc dù Ngài đã mãi mãi đi vào chốn ngàn thu nhưng vẫn đang hiện diện rất sống động và tràn trề trong trái tim của rất nhiều người. Ngài là một người ở nơi rất xa nhưng lại thật gần. Xa vì khoảng cách địa lý, gần vì những gì Ngài đã cống hiến thực sự đã chạm tới con tim của rất nhiều người.
Lúc này, trên khắp các mặt báo, tạp chí, mạng xã hội, Bênêđictô XVI có lẽ đang là chủ đề “hot” nhất. Với Kitô giáo, Bênêđictô XVI đang là tên được nhắc đến nhiều nhất trong lời cầu nguyện. Giờ đây, trong những ngày tang lễ của Ngài, xin được viết lên một thoáng suy tư lại cuộc đời của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI, một nhà “cách mạng” của Kitô giáo. Cuộc đời của ngài là một minh chứng sống động cho cuộc lữ hành tìm kiếm và trải nghiệm vẻ đẹp của đức tin, của Đấng Tạo Hóa. Ngài là ánh sáng đã chiếu soi vào bóng tối nghiệt ngã của chế độ Đức Quốc Xã. Khi trở thành Giáo Hoàng, ngài là một người can trường trong vai trò là thầy dẫn dắt đức tin. Từ độ thanh xuân cho đến lúc già nua tóc bạc, từ khi còn là sinh viên đến khi làm giáo sư Thần học, cho tới lúc trở thành Giáo hoàng và Giáo hoàng danh dự (Pope Emeritus), sự bình yên nơi tâm hồn ngài dường như được “chưng cất” từ những đau khổ, thử thách. Khi nhìn lại cuộc đời ngài qua trang mạng này website kia, chúng ta có thể nói rằng: “Timeline của tài khoản mang tên Bênêđictô XVI có một personal profile quá “khủng khiếp””. Có lẽ, không gì khác, nguồn sức mạnh nội tâm phát xuất từ một cuộc đời thinh lặng suy tư để tìm kiếm Thiên Chúa là nền tảng để ngài xây cho mình một cuộc đời mà theo cái nhìn của con người không còn từ gì khác để diễn tả ngoài hai từ “vĩ đại”.
Còn nhớ, ngày 19 tháng 4 năm 2005, giây phút đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng, ngài nói với dân Chúa: “Tôi chỉ là người thợ tầm thường trong vườn nho của Thiên Chúa. Quan trọng là Thiên Chúa bù đắp cho những thiếu sót của tôi. Tôi tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em. Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ bầu cử cho tất cả chúng ta.”. Và với sự khiêm nhường ấy, biết bao hoa trái đã trổ sinh nơi hạt giống tâm hồn của Ngài. Từ mục vụ đến nghiên cứu thánh khoa, rồi giảng dạy, giúp đời sống tâm linh… tất cả đã hòa quyện lại nơi con người của Đức Bênêđictô XVI để giờ đây, thành quả của những gì Ngài đã cống hiến sẽ tự có lời đối thoại với thế giới này.
Có thể nói, chiều sâu của dòng tư tưởng Ratzinger và cung giọng ngôn ngữ thần học linh đạo của ngài vút cao và trổi vượt đến nỗi ngài được kể vào danh sách những nhà thần học lỗi lạc của thế kỷ XX và XXI. Chính cốt tủy của nguồn tri thức thánh nơi con người ngài đã cho phép ngài vững vàng hướng dẫn Giáo hội đương đầu với những khủng hoảng và bão tố. Cho nên, người ta không ngần ngại gọi ngài với danh xưng: “Servitore di Dio e dell’umanità” (Tôi tớ của Thiên Chúa và của nhân loại). Ảnh hưởng của người tôi tớ này thật lớn lao đối với những tín dân của thời hiện đại, nền tảng đức tin của biết bao người đã mang “thuần chất Ratzinger”, từ các em trong độ tuổi giáo lý phổ thông đến các học viên thần học, các học giả tiếng tăm. Thật không uổng công cho một cuộc đời suy tư và nghiên cứu, hướng trọn ánh mắt và trái tim về Đấng Toàn Thiện. Như thế mới thấy được sức lôi cuốn của Thiên Chúa mạnh mẽ đến nhường nào![2]
Đức Bênêđictô qua đời trong ngày cuối cùng của năm cũ 2022, ngày mà Giáo hội vẫn hay có thói quen hát kinh Te Deum để dâng lời tạ ơn. Ngày đó cũng là ngày ngài đã để lại cho hậu thế tất cả: Bao tư tưởng, sách vở, kinh nghiệm, gương sáng…khép lại cuốn sách cuộc đời với 95 trường ca Te Deum đã được hát lên. Giờ đây Ngài hết phải khắc khoải, hết phải chờ mong! Khi sinh thời, ngài đã đau đáu với những vấn đề Cánh Chung hầu khai sáng cho mình con đường đến với Thượng Trí. Giờ đây, cuộc lên đường của Ngài về với Vị Thẩm Phán sẽ cho Ngài bước qua cánh cửa tối tăm nơi màn đêm sự chết để diện kiến đối tượng duy nhất mà trọn cuộc đời Ngài hằng tìm kiếm. Đức Bênêđictô đã khép lại cuộc đời trong thời khắc Giáo hội khai mạc lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa – Nữ vương hòa bình, ngày mà Giáo Hội tôn vinh Đấng là chủ thời gian bây giờ nằm trong lòng Mẹ Maria để con người hữu hạn nhìn lên mà sống sao cho được về cõi vô hạn. Đức Bênêđictô, con người hữu hạn nay đi vào cõi thiên thu để diện kiến Đấng Tuyệt Đối. Ước gì linh hồn của vị cha chung trong giờ phút này được đích thân Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa dẫn dắt đến trước thiên nhan Đấng Tối Cao để ca ngợi quyền năng và lòng thương xót của Chúa cho đến muôn đời.