Màn đêm đang dần buông, sự tĩnh mịch của không gian đang bao trùm xung quanh tôi và tu viện nơi tôi đang sống. Ánh trăng vàng chiếu rọi xuống những tia sáng mờ ảo càng làm cho bức tranh miền quê thêm yên bình, trầm mặc. Giờ này, một mình tôi trong căn phòng nhỏ tĩnh lặng với làn gió nhẹ thổi, khiến tôi bỗng muốn cầm bút để viết lên một chút suy tư về con đường mà tôi đang đi, tôi tạm gọi đó là “Con đường Thánh giá”.
Chắc hẳn khi được sinh ra, Thượng Đế đã gửi đến cho mỗi người một sứ mạng, một con đường riêng không ai giống ai. Với tôi, có lẽ đó là con đường của Thánh giá. Phải chăng Chúa muốn tôi trải qua Thánh giá để đến vinh quang giống như Ngài?
Khi còn nhỏ, tôi đã nhiều lần được nghe nói: “Trên đường dẫn tới thành công, không có con đường nào trải toàn thảm đỏ và hoa hồng, nhưng sẽ là những sỏi đá và gai nhọn”. Lúc ấy, tôi chưa hiểu lắm về câu nói này, nhưng khi lớn hơn, tôi đã cảm nghiệm điều ấy thật chí lí và chắc chắn nó được rút ra từ kinh nghiệm xương máu của những người đã nhiều lần vượt qua thử thách cũng như thất bại trong cuộc đời. Và tôi thấy câu nói ấy cũng đang rất đúng với tôi trong thời điểm hiện tại. Tôi ở giai đoạn này giống như một mầm non tương lai của Hội dòng, một nụ hoa mỏng manh đang rất cần những bàn tay chăm sóc để một ngày mai đem hương sắc tỏa cho đời. Nhưng không phải thế mà đời tôi chỉ toàn những “hoa hồng”.
Bước vào đời tu, tôi háo hức, vui tươi và tràn đầy năng lượng của một người trẻ muốn lan tỏa sức sống cho mọi người. Nhưng mọi thứ diễn ra thật không hề đơn giản như tôi đã nghĩ và ở một khía cạnh nào đó thì quả đúng như người ta vẫn thường nói: “Đời không như là mơ” và cũng bởi vì “đời tu không đẹp như chiếc áo dòng” nên khó khăn, thách đố và cạm bẫy luôn có đó, chúng đòi tôi phải bước qua, mà với sức lực có hạn, tôi sẽ rất nhọc công nếu không bám vào Thiên Chúa – cùng đích của đời tôi.
Đứng trước những khó khăn thử thách đang vây bám, tôi liên tưởng đến Chúa Giê-su trong cuộc thương khó của Ngài. Ngài đã đau đớn và khó nhọc thế nào khi phải vấc thập giá từ dinh Phi-la-tô đến đồi Sọ và rồi chịu chết sau bao cực hình làm thân xác Ngài không còn hình tượng.
Con đường thánh giá mà Ngài đã đi cách đây hơn hai nghìn năm, có lẽ nó không quá xa, không quá khó nhưng do sức nặng của thập giá đè lên đôi vai và thân xác đã mệt rã rời nên con đường đó mới trở nên xa xôi hơn, khó đi hơn và cô đơn hơn. Tôi tưởng tượng bối cảnh lúc ấy, một mình Thầy Giê-su bước đi cô độc giữa một đoàn người đông đảo và hỗn loạn với quân lính theo sau không ngừng quất lên mình Người những làn mưa roi sắt xé nát xương thịt, rồi cả những kẻ không ngừng sỉ nhục, lăng mạ Người, những đoàn người đến xem do tính hiếu kì, những kẻ Người quen biết,… nhưng nào có ai dám bước ra để bảo vệ Người và vác đỡ thập giá nặng kia giúp Người trước những chế giễu, cười nhạo ấy. Con đường thánh giá mà Ngài đi không quá dài nhưng sao càng bước càng thấy xa vời, cô đơn và muốn gục ngã! Trên con đường chẳng mấy ai đi đó, biết đâu chỉ có những bộ xương, đầu lâu của những tội đồ khác đã vì quá kiệt sức mà phải bỏ mạng giữa đường. Con đường mà Chúa đi ngày hôm đó có khi cũng toàn là những bụi rậm, cỏ cây um tùm, vì đó là con đường chỉ có dấu chân người qua khi giải phạm nhân đi xử tử. Con đường vắng lặng ấy, con đường mà có lẽ ai bước qua cũng thấy lành lạnh, rờn rợn sống lưng, thấy phảng phất mùi gây của xác chết, v.v.
Một con đường rùng mình khiếp sợ ấy chẳng ai muốn bước tới nhưng tại sao Chúa Giê-su lại hy sinh thân mình và tự nguyện bước vào? Đó có phải vì một chữ “yêu”? Thật vậy, chỉ vì yêu thế gian mà Ngài chấp nhận chịu khổ hình và chịu chết, một cái chết trần trụi trên thập giá, một cái chết đau thương và oan ức nhất trong lịch sử nhân loại.
Đó là con đường thánh giá của Thầy Giê-su, còn tôi, thánh giá là những khó khăn trong đời sống cộng đoàn, là những đối lập và khác biệt với chị em muốn tôi phải từ bỏ cái tôi riêng để sống dung hòa trong cái ta chung là hướng về một Hội dòng hiệp nhất, yêu thương và nơi ấy tình huynh đệ được đề cao, như Thánh vịnh 132,1 đã nói: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay/ Anh em được sống vui vầy bên nhau”. Nhưng đôi khi con đường thánh giá của tôi như dài thêm và gian nan hơn gấp nhiều lần, do chính tôi với cái nhìn thiển cận, thiếu chiều sâu, nhiều lúc tôi đã không nhìn thấy ánh sáng của Chúa mà chỉ thấy xung quanh là một màn đêm khó tìm thấy lối ra. Đôi khi thánh giá làm tôi muốn kiệt sức và ngã nhào. Lúc ấy, tôi nhớ lại là Chúa đã luôn im lặng trong suốt hành trình thánh giá bi thương kia. Tại sao Chúa không cầu mong sự giúp đỡ của người khác? Tại sao Chúa không dùng quyền năng của mình để khỏi phải chết? Ngài có thể thay đổi mọi sự nếu Ngài muốn nhưng Ngài đã không làm theo ý riêng mình mà một lòng vâng theo thánh ý của Chúa Cha, để đem vinh quang và bình an cho loài người và cho cả tôi, một con người tội lỗi nhưng luôn được sống trong tình yêu ngọt ngào với Đức Ki tô.
Vẫn biết “trăm năm là hữu hạn”, vẫn biết “sinh hữu hạn tử bất kì” và vẫn biết đời tu là một cuộc hành trình hy sinh, từ bỏ, nhưng tại sao mỗi khi gặp thử thách ta lại thấy bấp bênh, chới với, mất điểm tựa?! Một triết gia người Pháp đã từng nói: “Trên cuộc đời này nếu ngã lần thứ nhất là cơ hội, nếu ngã lần thứ hai mà dậy được là nỗ lực và nếu ngã lần thứ ba mà dậy được là thánh nhân”. Câu nói ấy rất ý nghĩa để áp dụng vào con đường thánh giá mà tôi và bạn đang bước đi. Hãy can đảm, mạnh mẽ và vững tin dù cho có gặp những cám dỗ của thời đại, hãy vượt qua với một sức mạnh phi thường bởi ở phía bên kia đồi Sọ là phần thưởng và vinh quang dành cho người chiến thắng.
Maria Thu Huyền