Trong muôn vàn những điều tốt đẹp của cuộc đời mang lại cho con người, thì có lẽ hòa bình chính là một trong những món quà vô giá mà chúng ta được trao tặng. Vậy hòa bình là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến mỗi con người?
Hòa bình là một khái niệm mô tả tình trạng không có sự thù địch và bạo lực.[1] Chỉ khi có được hòa bình, con người mới có thể sống trong điều kiện tốt nhất, không phải chịu nỗi đau mất mát, chia ly như trong chiến tranh, để rồi con người thoải mái theo đuổi đam mê của riêng mình. Đó cũng chính là lý do tại sao trên thế giới hiện nay luôn có những tổ chức, cá nhân đấu tranh không ngừng nghỉ vì một nền hòa bình bền vững cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những điều tốt đẹp mà hòa bình mang lại thật là ý nghĩa. Vậy thì tại sao trên thế giới luôn có những cuộc xung đột vũ trang, phải chăng vì họ muốn bành trướng thế lực? Hoặc vì lợi ích của một nhóm người? Dù là gì thì cuối cùng vẫn sẽ là những người dân vô tội phải gánh chịu những đau đớn và tang thương. Câu hỏi cần đặt ra là mỗi cá nhân cần làm gì để góp sức mình cho một nền hoà bình chung của mỗi quốc gia và dân tộc? Muốn vậy, trước hết chúng ta cần sống yêu thương, thực tế đã chứng minh rằng, tình yêu giúp xã hội đạt được những tiến bộ trong việc tôn trọng con người và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Ở phương diện cá nhân cũng thế, nghệ thuật đắc nhân tâm cho thấy, tình yêu và sự thông hiểu luôn có sức mạnh để chiến thắng và xóa bỏ những nghi kị để cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, Ralph Waldo Emerson từng nói: “hòa bình không thể qua bạo lực, nó chỉ có thể đạt được qua sự thông hiểu”. Quả thật, con người không phân biệt màu da, dân tộc đều cần được sống một cuộc sống hòa bình nhờ sự thấu hiểu lẫn nhau.
Hòa bình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Đối với thế giới, khi nhân loại sống trong hòa bình mới có điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Khi một đất nước được bình yên, không có xung đột vũ trang thì ngoài việc góp phần tạo nền hòa bình chung cho toàn nhân loại, còn là nơi để người dân an tâm sống một đời an yên. Chúng ta đã từng chứng kiến hai cuộc đại chiến thế giới đã gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại, hàng triệu triệu người thiệt mạng, hàng nghìn công trình kiến trúc bị phá hủy, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau chiến tranh, người dân sống trong đói nghèo, khổ cực… Thế mới thấy được, sức hủy diệt và tàn dư khủng khiếp của chiến tranh.
Chính vì thế, Công đồng Vaticano II không những lên án cuộc chiến tranh tàn phá toàn diện nhưng còn kêu gọi tránh chiến tranh bằng cách kiến tạo hòa bình (x. Gaudium et Spes 80). Đó chính là biết sống tình yêu thương, công bằng và tình huynh đệ vì “mọi người đều là anh em của tôi”.[2] Ngày nay, đứng trước chiến tranh, bạo lực, khủng bố, càng đòi hỏi con người phải tái khám phá tình huynh đệ. ĐTC Phanxicô nói: “Tình huynh đệ cần được tái khám phá, yêu mến, cảm nhận, loan báo và làm chứng. Tuy nhiên, duy chỉ tình yêu do Thiên Chúa ban cho mới cho phép chúng ta đón nhận và sống tình huynh đệ”. Ngài còn nói thêm: “Chúng ta đang sống ‘ở thế chiến thứ 3 diễn ra từng hồi’, chúng ta không thể dửng dưng trước những cảnh tàn ác đang xảy ra: chiến tranh, tấn công khủng bố, bắt cóc, bách hại vì lý do chủng tộc hoặc tôn giáo, những sự tàn phá đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Đứng trước những thảm cảnh ấy, chúng ta không được ngoảnh mặt đi, hoặc rơi vào tâm trạng bi quan. Chính vì thế, mà chúng ta không nên mất niềm hy vọng vào khả năng con người có thể, nhờ ơn Chúa chúng ta sẽ vượt thắng sự ác, chứ không chịu buông xuôi hoặc dửng dưng, bằng cách thay lòng đổi dạ, thăng tiến tình liên đới, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với tha nhân. Đó là con đường dẫn tới hòa bình cá nhân, xã hội và quốc tế”
“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 3, 9). Để kiến tạo một thế giới của tình huynh đệ, một thế giới không còn đói khát tình thương, công lý và hòa bình, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy sống trọn vẹn với danh nghĩa là chính mình, cần tạo mối tương quan tốt đẹp với người khác và nối kết mật thiết với Thiên Chúa. Để làm được điều ấy, tiên vàn, chúng ta cần phải loại bỏ xu hướng của chiến tranh và hận thù ngay trong chính con người của mình, hầu trở nên những chiến sĩ xây dựng vương quốc hòa bình của Thiên Chúa nơi trần gian này như trong lời Kinh Hoà Bình của tác giả Kim Long:
Lạy Chúa từ nhân!Xin cho con:
Biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm;
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Ðem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa, xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người, hơn được người ủi an
Tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người, hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân;
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
Ơn an bình.
Kim Liên
[1] X. https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B2a_b%C3%Acnh, ngày 08/3/2022.
[2]. Khẩu hiệu của ĐGH Phaolô VI trong sứ điệp năm 1971.