Đối thoại là trung tâm của sự giao tiếp hay chia sẻ cảm xúc. Mục đích của đối thoại là để chúng ta gặp gỡ, chia sẻ, hiểu và chấp nhận nhau hơn trong cuộc sống. Do đó, đối thoại không phải là để giải quyết vấn đề, trao đổi ý tưởng, đưa ra những lựa chọn, lên kế hoạch hay là để lý luận. Đối thoại là tất cả cảm xúc, là những phản ứng rất tự nhiên trong đời sống con người. Trong một cuộc đối thoại thực sự, chúng ta không cần một lý do, sự biện hộ hay lời giải thích cho cách chúng ta cảm nhận. Cái nguy hiểm nhất chính là sự khước từ bày tỏ cảm xúc. Sự kìm nén cảm xúc có thể dẫn đến sự thay đổi nhân cách và gây ra các triệu chứng phiền muộn.
Đối thoại hoàn toàn không có chỗ cho sự tranh luận. Đối thoại chỉ đơn giản là trao đổi cảm xúc, là sự tương tác, chứ không phải là cuộc một cạnh tranh (thắng-thua). Đối thoại cũng hoàn toàn khác với một cuộc thảo luận. Trong cuộc thảo luận, chúng ta phải biết người này nghĩ gì, người kia thích gì, để cùng nhau đưa ra kế hoạch và quyết định. Trong thực tế, đôi lúc chúng ta đã hòa trộn giữa đối thoại và thảo luận vào chung với nhau. Do đó, chúng ta không cảm nhận được thế nào là một cuộc đối thoại thực sự. Trong cuộc đối thoại, nếu mỗi chúng ta đều có cảm giác hiểu và dễ chấp nhận nhau hơn, thì chúng ta đang thành công trong nghệ thuật đối thoại.
TRONG ĐỐI THOẠI – TIN TƯỞNG LÀ MỘT LỰA CHỌN
Bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng tự hỏi: Tôi có thể tin bạn không? Bạn có tôn trọng và giữ bí mật của tôi không? Bạn có thực sự hiểu và cảm thông với tôi không? Những câu hỏi này như một thói quen thông thường hay là một phản xạ rất tự nhiên trong chúng ta. Cũng giống như người đi bơi, trước khi xuống nước người ta luôn có thói quen kiểm tra nhiệt độ của nước. Trong đối thoại, hầu hết chúng ta đều quyết định chờ đợi cho đến khi chúng ta chắc chắn; và vì vậy không bao giờ chúng ta dám bước vào dòng nước đối thoại. Chúng ta luôn chờ đợi cho đến khi có một sự bảo đảm tuyệt đối về niềm tin. Cách duy nhất để chúng ta “học cách tin tưởng là tin tưởng.”
TRONG ĐỐI THOẠI – KHÔNG NÊN XÉT ĐOÁN
Để có một cuộc đối thoại thành công, điều chúng ta cần tránh đó là các phán đoán về chính mình hay về người khác trong khi đối thoại. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta có thể mắc phải sai lầm trong sự “suy diễn,” mà quên đi mục đích của đối thoại là gì. Chúng ta nên nhớ, không ai là nguyên nhân gây ra cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc vốn đã luôn có sẵn trong chúng ta, và chúng chỉ chờ cơ hội để bùng phát mà thôi. Chẳng hạn, tôi và bạn hẹn gặp nhau vào một thời điểm và ở một nơi nhất định. Bạn đến không đúng hẹn. Một cái gì đó trong tôi bắt đầu phản ứng bực bội trong khi tôi chờ đợi. Khi bạn xuất hiện những lời buộc tội, phán xét có thể biểu hiện qua ngôn từ, giọng nói hay nét mặt của tôi: Bạn luôn luôn trễ; bạn không nghĩ đến cảm giác của tôi; bạn rất ích kỷ; và có thể còn có nhiều câu khác nữa. Nhưng chúng ta lại quên không hỏi tại sao bạn đến trễ, có chuyện gì xảy ra với bạn không, v.v. Cảm giác bực bội đã lấn át chúng ta hiểu và cảm thông người khác. Chúng ta mong muốn giải quyết vấn đề cảm xúc của mình, bởi chúng ta cho rằng mình đang trong “lợi thế được cho là.” Nhưng chúng ta nên nhớ điều này sẽ không có chỗ đứng trong một cuộc đối thoại thực sự.
Xét đoán được ví như “sự chết” của một cuộc đối thoại. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường bị cám dỗ bởi sự chỉ trích gián tiếp, hoặc không chấp nhận bản thân, tự đánh giá cao và tôn vinh chính mình. Nếu chúng ta thực sự chấp nhận những giới hạn của bản thân, thì chúng ta sẽ đủ can đảm bước khỏi con người mình, giải thoát khỏi sự xét đoán.
Đối thoại chính là chìa khóa giúp chúng ta hiểu và mở lòng hơn với người khác.
Catarina Phan Thoa
Tài Liệu Tham Khảo:
Bí Quyết Duy Trì Tình Yêu của tác giả John Powell