Có câu chuyện kể rằng:
Một hôm, Chúa Giêsu dẫn hai người trong số các môn đệ đến đầu đường, trao cho mỗi người một cây thánh giá giống nhau và bảo:
– Mỗi người chúng con hãy vác thập giá của mình đi đến cuối đường trước mặt kia. Thầy đợi các con ở đó.
Hai môn đệ vâng lời, vác thập giá của mình đi. Người thứ nhất vác cách dễ dàng, nhanh chân bước, dường như thập giá không cản trở hay gây phiền hà gì cho anh. Chẳng bao lâu anh đã đến cuối đường, gặp Chúa đang đợi ở đó. Và Thầy trò vui mừng hớn hở.
Còn người thứ hai vác đi nặng nề, dường như anh vác không nổi, kéo lê thập giá đến chỗ Chúa Giêsu chỉ định, và anh đã kiệt sức. Vừa thấy Chúa, anh phàn nàn:
– Chúa bất công quá! Chúa trao cho con cây thánh giá quá nặng; còn trao cho anh kia cây thánh giá nhẹ hơn, nên anh đã đi đến trước con.
Chúa buồn đáp:
– Con ơi! Thầy không đối xử bất công với con đâu. Cả hai thập giá đều giống nhau và nặng bằng nhau, không cây nào nhẹ hơn cây nào. Sở dĩ con cảm thấy nó quá nặng đối với con, vì con không sẵn sàng chấp nhận. Suốt trên đường đi, con luôn than phiền trách móc nó nặng, càng than trách thì thập giá càng trở nên nặng hơn. Bạn con đã vác đến trước vì tâm hồn tràn đầy yêu thương. Tình yêu làm cho thập giá trở nên nhẹ nhàng.
Câu chuyện cho thấy, khi nhìn vào đời sống của mỗi người, đôi khi chúng ta cũng hay “đứng núi này trông núi nọ”, rằng sao thập giá của mình nặng quá trong khi thập giá của người khác lại nhẹ hơn. Người nghèo thì nhìn thập giá của mình trong sự thiếu thốn so với của cải của người giàu. Người yếu kém thì mơ ước cho được cái khéo léo của người giỏi giang. Tuy nhiên, dù là ai, thập giá vẫn luôn có đó. Người giàu, có thập giá của người giàu; người giỏi, có thập giá của người giỏi, v.v. Điều quan trọng là thái độ cần có để mang lấy thập giá ấy trong niềm vui.
Và nếu như thập giá đã gắn liền với phận người, thì hoặc ta vác nó trên vai như một phần của mình, hoặc ta phải kéo lê nó như một cái đuôi bất hạnh. Chúa Giêsu đã mời gọi những ai muốn theo Ngài, đừng kéo lê thập giá trong sự bất hạnh, trong những nghi kị và hờn giận, nhưng hãy vác nó như một phần phúc và ân ban Chúa dành cho mình. Bởi vì chính Đức Giêsu cũng đã vác thập giá, không những thế, Ngài còn bị treo trên cây thập giá đó, nhưng Ngài đã đón nhận nó như dấu chỉ của tình yêu – một tình yêu tinh tuyền với Chúa Cha và với nhân loại. Nhờ sự đón nhận ấy mà thập giá trở thành tiếng nói hùng hồn nhất của sự thiện chiến thắng sự ác, của vinh quang chiến thắng đau khổ, của yêu thương chiến thắng hận thù. Thập giá đó đã diễn tả tột đỉnh một tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, Đấng đã “vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” ( Pl 2, 8). Phần chúng ta, khi đón nhận thập giá, chúng ta cũng được trở nên người môn đệ thân thiết bước theo Thầy Chí Thánh trong một tâm thế sẵn sàng để đón nhận niềm vui của mình. Đồng thời, ta cũng thấy mình là một phần thật sự trong kiếp sống nhân sinh cùng với bao người khác.
Tuy nhiên, để chấp nhận thập giá thật không dễ. Nếu như chúng ta cứ loay hoay với thập giá của riêng mình, thì chính mình cũng không thể vươn xa hơn chỗ đứng u ám, sầu đau hiện tại của nó. Vì thế, điều kiện trước tiên giúp chúng ta có thể nhìn thấy sự tích cực và niềm vui nơi thập giá là “từ bỏ chính mình”. Điều này không có nghĩa bắt chúng ta phải gét bỏ hay coi bản thân mình không ra gì; ngược lại, nó nhắc nhớ chúng ta hãy chọn cho mình những gì xứng đáng với phẩm giá của con người và biết bỏ đi những gì cản trở chúng ta hướng đến một tình yêu sâu thẳm là chính Chúa.
Lạy Chúa,
có những điều cao cả ngay trước mắt mà con không thấy,
có những điều tốt đẹp chung quanh mà con không hay,
có những điều thiện hảo hằng ngày mà con không không biết,
có những biến cố đầy ý nghĩa mà con không hiểu,
có một tình yêu đầy sinh động đang tuôn tràn mà con không cảm,
có những bước chân Chúa đi qua mà con không ngờ.
Bởi dường như lúc nào con cũng nặng lòng về những toan tính cho bản thân,
bị cố định trong những định kiến,
bị ngập chìm trong công việc,
bị phong tỏa bởi lối suy nghĩ thiển cận và những lý lẽ chủ quan,
bị giam hãm trong các thói quen máy móc và bảo thủ,
bị bế tắc trong những đam mê không chính đáng của mình…
Xin Chúa giải thoát con khỏi những thứ mà con tự ràng buộc mình, để con có thể đón nhận một luồng sinh khí mới, một sự sống mới từ thập giá Chúa tuôn trào.
Maria Kim Liên