“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).
Chúng ta đang sống trong tháng 9 – tháng mà Giáo hội hoàn vũ dành riêng để suy tôn Thánh giá. Hẳn chúng ta đều biết, Thánh giá là cây mang lại quả phúc trường sinh và đường thập giá là con tàu dẫn đưa chúng ta tới quê nhà Thiên quốc. Vậy hãy cùng nhau chiêm ngắm lại đường thập giá mà Chúa Giê-su đã đi và từ đó mỗi người hãy liên tưởng đến chính cuộc đời mình.
Ngược dòng lịch sử về hai ngàn năm trước, thử tưởng tượng và đặt mình là những người sống thời bấy giờ, chúng ta nhìn về dinh tổng trấn Phi-la-tô ngày Chúa Giê-su bị kết án, ngày mà Thánh giá được khai sinh, ngày mà ơn cứu độ trào tuôn cho toàn nhân loại. Hình ảnh Chúa Giê-su vác Thánh giá lên đồi Can-vê để chịu chết có lẽ sẽ mãi in dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người, mọi nơi và mọi thời. Dù thời gian có thay đổi, dù nhân loại có những bước nhảy vọt về tri thức, dù giá trị đời sống của con người có được nâng cao và dù cho những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật thì đường thập giá cũng vẫn mãi là con đường mà tất cả người ki-tô hữu luôn hướng lòng về. Ngày Thứ Sáu hôm ấy, Ngôi Hai đã hiến mình gánh lấy tội nhân loại, đã tự mình lê từng bước chân đang yếu dần đi vì phải hứng chịu biết bao trận đòn vọt; Chúa đã chấp nhận đi đến tận cùng của đêm đen tội lỗi nhân loại là sự chết. Và chính Chúa đã lặng lẽ đón nhận bản án bất công mà loài người dành cho Thiên Chúa của họ.
Chắc chắn, Chúa nhìn thấu những việc sẽ xảy đến với mình và hơn ai hết, Chúa thấu cảm những vết thương hằn sâu trên da thịt của mình. Những đau khổ ấy, Chúa âm thầm đón nhận cả vào mình mà chẳng có lấy một lời trách móc, kêu than. Qủa thật, Ngôi Hai đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha cho tới hơi thở cùng kiệt trên Thánh giá với tình yêu tự hủy mình ra không.
Cùng nhìn lại con đường thập giá Chúa đã đi hai ngàn năm trước, ta thấy sự có mặt của nhiều thành phần và nhiều tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ: có những kinh sư và biệt phái đang vui mừng hả hê vì đã loại trừ được Chúa – Người bị họ cho là chống đối mình; có những người lính cai đi cận kề chà đạp Chúa với lòng vô cảm; có những người vì mang trong mình tính tò mò mà cũng dõi bước nhìn theo, và có cả Mẹ cùng những người thân đang quặn đau bước đi theo Chúa từng bước, từng bước một. Ta cũng mường tượng đó là con đường hoang vắng, cô liêu và lạnh lẽo đến rợn người, như Kinh Thánh mô tả: “ở đó chứa đầy những sọ người đã chết”. Bởi thế, chúng ta cũng không lấy làm khó giải thích với cái tên được đặt cho ngọn núi nơi Chúa chịu đóng đinh là Núi Sọ. Ngày hôm ấy, Chúa chúng ta như cây cao đương sức, kiên cường đưa mình ra hứng lấy tất cả bão giông cuộc đời cho nhân thế. Chúa chấp nhận Triều thiên là 72 mũi gai nhọn đâm thấu da thịt, Chúa chấp nhận cơn mưa đòn vọt như những dao sắc làm nát hết cả thịt xương và Chúa đón nhận cây thập giá để minh chứng tình yêu, một tình yêu đến cùng kiệt khi chịu treo trên thánh giá với thân thể chẳng còn nơi đâu lành. Hướng lòng về hành trình lên tới đỉnh đồi, có những lúc ta tưởng như Chúa Giê-su không thể gượng dậy đi tới cuối con đường, có lúc quân lính tưởng như Ngài yếu nhọc đến gần tắt hơi, nhưng tình yêu Chúa như làn sóng trào dâng đã vượt thắng tất cả, đã cuốn trôi những yếu đuối phận người để Ngài cố gượng dậy bước tiếp. Đường lên đỉnh đồi gần kề, cũng đồng nghĩa với việc bóng dáng những người theo chân Chúa đang mờ dần, khuất dần. Họ ngoảnh mặt đi để lại cho Chúa nỗi lòng sầu thương cho một thế giới đọa đày lao mình sống trong vòng tội lỗi.
Chợt dừng lại ở chặng thứ 6, ta thấy sự góp mặt của ông Si-mon người Ky-rê-nê. Có thể nói sự vô tình đã cuốn ông vào nỗi tủi nhục phải vác đỡ thập giá cho một người tử tội. Cả một đời sống phục vụ yêu thương, suốt ba năm trường xuôi ngược ươm mầm và truyền bá Tin mừng cho nhân thế, giờ này, sự giúp đỡ cuối cùng dành cho Chúa nơi dương gian lại bắt đầu từ một người ngoại đạo. Nhìn vào ông Si-mon, dù vô tình bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát như thế nhưng lục lại tất cả các trang sách Tin Mừng, chúng ta vẫn không thể tìm được bút tích nào mô tả ông than trách về đoạn đường mà ông được cùng đi với Chúa. Phải chăng ông đã được cảm nếm mùi hương dịu ngọt của tình yêu Chúa những giây phút còn lại nơi dương thế này? Phải chăng ông cảm nhận được làn gió hồng ân trên cuộc đời mình vào ngày thứ sáu hôm ấy? Và có lẽ đoạn đường ấy sẽ mãi hằn sâu trong tiềm thức của ông trong suốt cả quãng đời còn lại của mình.
Chiêm ngắm đường thập giá Chúa và soi chiếu trên cuộc đời mình, tôi tự hỏi mỗi người chúng ta đã và đang đón nhận thập giá đời mình như thế nào và với thái độ ra sao? Liệu rằng chúng ta đã toàn tâm toàn ý, cố gắng hết mình để vác thập giá bước theo chân Chúa Giê-su? Đã có lần nào đó trong đời, chúng ta nhìn thấy cây thập giá của tha nhân nặng mà đưa vai ra gánh đỡ như ông Si-mon? Là những người sống ở thế kỷ XXI – thế kỷ mà nhân loại đang chuyển mình trong những tiến bộ vượt bậc về khoa học và con người, hẳn thập giá của chúng ta không phải là vác hai cây gỗ có một điểm giao thoa để đi tới đỉnh đồi Can-vê như Chúa xưa kia, nhưng mỗi người chúng ta vẫn có thập giá của riêng mình. Thập giá mà chúng ta vác theo chân Chúa trong thời đại mới này là sự hy sinh, hãm mình, là chấp nhận những thực tại đau thương của cuộc đời như: bất công, đau khổ, bệnh tật, thất bại,.. và thập giá cũng là sống ngay chính trước những cám dỗ vô cùng hấp dẫn của thế tục. Là những con người của thời đại mới, chúng ta cũng có đường thập giá để có thể theo chân Chúa đến đỉnh đồi quang vinh. Nhưng chấp nhận bước vào đường thập giá ấy đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận bước chân đi trên con đường hẹp, “là đi vào một cuộc tử đạo trường kỳ, là chịu mất mát, buông bỏ những gì tạm bợ để đón nhận lấyThần Khí mới và cuộc dống mới ngay trong hiện tại”1,v.v. Con đường ấy không có sự hiện diện của thế sự phù hoa, không có những ánh hào quang của những lời tán dương, ca ngợi và cũng không có bóng hình của những cái tôi vị kỷ ngập tràn. Con đường ấy vẫn mãi là con đường trải dài với nhiều thách đố, chông gai đang đón chờ ta phía trước. Vậy nên, chớ gì chúng ta biết bám chặt vào Chúa để kiên tâm bước theo Người tới cùng.
Dòng chảy thời gian vẫn mãi xoay vần, thước đo thiện-ác vẫn miệt mài làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Tôi thầm ước mong cả tôi và bạn luôn biết sống tin yêu, phó thác và đón nhận thập giá cuộc đời mình. Để rồi một mai, khi nhắm mắt lìa thế, khi xác phàm trở về lòng đất mẹ thì linh hồn ta được chung hưởng niềm vui ngày vinh thắng nơi Thiên quốc.
Thầm Lặng
1 The Passion And The Cross- Ronald Rolheiser