Trong lúc thư nhàn lần giở lại quyển sách cũ tôi bắt gặp tựa đề một bài viết “Ông gàn”. Thấy tựa đề ngộ ngộ bèn ngồi đọc, gấp sách lại rồi mà câu chuyện còn vương vất trong đầu. Bạn có muốn biết câu chuyện đó hay dở thế nào hãy cùng đọc cho biết nhé.
“Mắc tiếng gàn mà tự nghĩ không có điều gì gàn, thì ông gàn cho là đời nói càn, không để ý đến. Nhưng sau thấy vợ rầy – rựt, vì ông chồng gàn mà bà vợ cũng bị giễu là “bà gàn”, nên muốn tìm người hỏi xem mình gàn về nỗi gì. Một hôm dạo sơn thủy, gặp một ông cụ ở trên một ngọn núi cao, bèn đem câu chuyện ra hỏi.
Ông cụ hỏi : “Thế anh có hay nói chuyện đạo đức không ?”
Ông gàn đáp : Thưa cụ, có.
Thế là một tội gàn rồi ! vì người ta đều nói chuyện lợi danh, sao anh lại nói chuyện đạo đức.
Ông cụ lại hỏi : “Thế anh có tròn không ?”
Thưa cụ, không, cháu tất phải bánh chưng ra góc mới được.
Thế là hai tội gàn rồi ! sao người ta tròn như cây gỗ, lăn đâu cũng được, mà anh lại bánh chưng ra góc cho chướng đời.
Ông cụ lại hỏi : “Thế anh có hay ngâm thơ không ?”
Thưa cụ, có.
Thế là ba tội gàn rồi ! đời bây giờ người ta tranh nhau vì miếng ăn, giết nhau vì đồng tiền, nghĩ nát óc vì cách cướp ăn, vét tiền mà anh ngồi ngâm thơ thì sao hợp với thời được. Cái gàn của anh ở đấy chứ đâu. Anh phải biết : phàm trái với đời là gàn, dẫu mình phải mười mươi cũng mặc. Nhưng thôi ! sẵn tiền đây. Anh có bán cái gàn ấy, lão mua.
Thưa cụ, nếu thế là gàn, thì cái gàn ấy bao nhiêu tiền cháu cũng không bán. Muốn tạ cụ có lòng chỉ giáo, cháu lại xin ôm cái gàn này về nhà.
Thực là : Gàn cũng năm bảy đường gàn
Bàn tay bưng miệng thế gian được nào !
Đời này còn muốn thanh cao
Khen chê thôi có để vào chi tai.
“Ông gàn” tác giả Ngô Bằng Giực
Bạn thân mến ! Bạn vừa đọc đầy đủ câu chuyện mà tôi đã tỉ mỉ viết lại nguyên mẫu không sót một chấm một phết nào. Khi đã tường tận câu chuyện, bạn thấy ông gàn này đáng ghét hay đáng yêu ? Nếu câu trả lời là đáng yêu thì coi chừng bạn cũng sắp thành gàn đấy nhé !
Nhưng thực lòng mà nói, nếu trên đời này có ai bán thứ gàn ấy tôi cũng muốn mua. Thiết nghĩ trong thời đại này có tìm đỏ con mắt cũng khó thấy bóng dáng ông gàn như thế nữa. Mà nếu có cũng thành động vậy quý hiếm, phải ẩn mình đi chứ ít dám bộc lộ mười mươi. Có phải vì thế mà chúng ta ít gặp được những ông bà gàn như vậy thời nay chăng ? Từ lúc đọc câu chuyện ấy, tôi cũng cố để tâm, để ý xem quanh mình có người nào có được những nết gàn ấy để đến mà mua. Gẫm chuyện người xưa tôi lại liên tưởng đến Thầy Giê-su. Nhớ lại lời Người dạy các môn đệ trong thánh lễ sáng nay (x. Mc 6, 7-13), so sánh với câu chuyện trên đây thì một ý nghĩ hiện lên trong tâm trí. Tôi tự nhủ!
Nếu Chúa Giê-su xuất hiện trong thời đại này có lẽ người ta sẽ chẳng ngại mà gán cho Ngài cái mác gàn vậy. Bạn không tin ư ! Hãy xem những gì Tông đồ Mác-cô thuật lại sau đây : “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng…” (Mc 6, 7-8). Với lối sống rất đời hiện nay : “Có tiền là có tất cả hoặc Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Thế mà Chúa Giêsu lại chỉ thị ‘không được mang gì đi đường’ đó chẳng là đi ngược lại xu thế thời đại, là gàn rồi còn gì. Nhưng kể cũng lạ, ở đời xưa và nay cũng còn lắm người thích cái học thuyết gàn ấy, bằng chứng là Chúa Giê-su đã cuốn hút được rất nhiều người đi theo. Và những ai sống và hành động triệt để lý thuyết gàn của Thầy Giê-su thì tên của họ đã được ghi vào sổ bộ các thánh trên trời.
Đó là chuyện các thánh, thế hệ đã xa chúng ta, tôi tự hỏi không biết ngày nay liệu còn có những ông gàn như các Tông đồ nữa không ? Với hiểu biết hạn hẹp chẳng dám tám xa bàn rộng, chỉ xét trong phạm vi của người sống thánh hiến tôi dám cá là trong cộng đoàn tu trì giờ ít có người gàn. Các tu sĩ khôn hơn nhiều, nên ít nói chuyện đạo đức. Ngồi với nhau thì rôm rả lắm chuyện trên trời dưới đất, chuyện đông chuyện tây, chuyện kín chuyện hở… đẩu đâu cũng có, quan tâm nhau lắm lắm, han hỏi kỹ lưỡng nhau tận chân răng kẽ tóc : Ô này tóc chị có sợi bạc đấy ! Răng chị có vẻ thưa hơn, lại rụng một cái nữa à ? Dạo này trông chị eo thon dáng chuẩn hơn, xuống được mấy lạng…??? Thế mới biết tu sĩ cũng biết lựa thời, lựa cơ để không thành gàn trong mắt người chung quanh.
Nghĩ đến đây tôi lại ước giá được gặp lại ông gàn trong câu chuyện thì hay biết mấy. Dẫu cho ông không bán nhưng ít ra cũng có thể hỏi ông về bí quyết sống ấy cho thỏa dạ. Nhưng biết đó chỉ là điều hão huyền và mình cũng đâu dễ học được tâm thế sống của ông : “Đời này còn muốn thanh cao. Khen chê thôi có để vào chi tai”.
Dù tiếng đời cho là gàn nhưng nếu xã hội, cộng đoàn tu trì hiện nay mà có được nhiều tu sĩ gàn như thế kể cũng phúc lắm thay. Nhưng đó là chuyện xưa, để xây dựng cộng đoàn các thánh chúng ta bây giờ có chỉ cần chị em ít bon chen hơn một chút, suy nghĩ, hành động giản đơn một tẹo, nhìn nhau bằng ánh mắt bao dung hơn một xíu thì đời tu sẽ đẹp biết bao. Nếu cộng đoàn có nhiều thánh gàn như vậy, thiết nghĩ Hội dòng ta không những chỉ có mác tu sĩ mà còn có nhiều thi sĩ nữa, vì có thêm nhiều người thích ngâm thơ khi thấy cuộc đời vẫn đẹp như trái mơ.
Đôi dòng góp nhặt vụn vặt hy vọng quý Chị em bỏ quá đi cho nếu có chỗ nào gàn quá!
Scholastica Vũ Hiền (KT)