Tại một bệnh viện nhỏ, có hai người phụ nữ, một người có mái tóc hung, còn người kia thì tóc sẫm một màu, cùng hạ sinh hai bé trai. Cả hai người mẹ đều ngập tràn hạnh phúc. Họ cùng mơ về tương lai của hai cậu bé.
Người mẹ tóc hung trình bày một cách sôi nổi mơ ước của mình như sau: “Tôi muốn con tôi trở thành người nổi tiếng và xuất chúng, cho dù cháu hoạt động ở lĩnh vực nào”. Người mẹ tóc nâu chỉ mỉm cười: “Còn tôi, tôi muốn con trai tôi có lòng tốt, sao cho nó không bao giờ quên mẹ của mình và ngôi nhà mà ở đó nó lớn lên”.
Ba mươi năm sau, cũng cái bệnh viện nhỏ ấy, hai người phụ nữ ngày nào gặp lại nhau trong một lần đi chữa bệnh. Họ hỏi thăm nhau về mơ ước của mình đã được thực hiện như thế nào với hai người con trai. Với vẻ kiêu hãnh, người mẹ tóc hung đáp: “Con trai tôi bây giờ là một nhạc sĩ chỉ huy một dàn nhạc nổi tiếng tại nhà hát lớn của thành phố chúng ta. Còn con trai chị thế nào?”.
Người phụ nữ tóc nâu bình thản trả lời: “Nó chỉ là một nông dân trồng lúa bình thường thôi”. Người phụ nữ tóc hung tỏ vẻ ngạc nhiên trước vẻ mặt rất mãn nguyện của người phụ nữ tóc nâu khi bà nói về nghề nghiệp rất đỗi bình thường của con trai mình. Nhưng bà mẹ tóc nâu không giải thích gì thêm, trên môi bà vẫn nở nụ cười bình an.
Trong những ngày tháng hai bà mẹ nằm dưỡng bệnh. Người con trai nông dân ngày nào cũng đến chăm sóc, an ủi và động viên mẹ mau hết bệnh. Trong khi đó, không một ai đến thăm người phụ nữ tóc hung. Một tháng trôi qua, người mẹ tóc nâu được xuất viện vì niềm vui đã khiến sức khỏe của bà nhanh chóng hồi phục. Người mẹ tóc hung vẫn phải nằm lại để điều trị.
Khi ôm hôn từ biệt nhau, bà mẹ tóc hung rưng rưng nước mắt hỏi nhỏ: “Chị hãy nói vì sao chị có một đứa con như vậy, chị thật là hạnh phúc, còn tôi …” bà bỏ dở câu nói với nét mặt vô cùng buồn bã.
Người mẹ tóc nâu dịu dàng trả lời: “Tôi mong muốn con trai tôi trở thành một người tốt và biết yêu thương, chứ ko cần nó phải là người xuất chúng. Từ bài học yêu thương của tôi, nó luôn biết rằng, sự hờ hững vô tâm đối với cha mẹ là điều không thể tha thứ được”.
Quý vị và các bạn thân mến!
Bi kịch của bà mẹ tóc hung cũng là bi kịch của đa số các bậc phụ huynh đang sống trong thời đại 4.0 hiện nay. Một thời đại khiến con người chỉ chú trọng giáo dục con cái về chỉ số IQ (Intelligence Quotient) – Chỉ số thông minh: học kiến thức thật nhiều, học những kỹ năng thành đạt thật thành thạo, học biết lãnh đạo, học làm giàu, làm sao được nổi tiếng, có chỗ đứng cao trong xã hội… Tuy nhiên, chúng ta lại dễ tạo nên những con người sống vô hồn, dửng dưng, vô cảm và như những con robot.
Cần thiết, chúng ta phải nhấn mạnh đến chỉ số EQ (Emotional Quotient) – Trí thông minh cảm xúc: nghĩa là giáo dục con cái về mặt tình cảm, giáo dục bằng con tim, biết sống cởi mở, yêu thương, quan tâm, hoà đồng, biết làm việc chung, lắng nghe, sống có tình, biết kính trên, nhường dưới, sống thảo hiếu… Tiên vàn, hãy giáo dục con cái thành nhân, rồi mới thành danh.
Hơn thế nữa, con người hiện nay đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá, kỹ thuật số, là những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục chúng ta còn phải quan tâm giáo dục con cái và thế hệ trẻ về chỉ số SQ (Social Quotient) – Thông minh xã hội: nghĩa là giáo dục một con người biết sống tương quan, có xã hội tính, không sống theo chủ thuyết cá nhân chủ nghĩa, không sống ích kỉ, biết sống vì, sống cho và sống cùng người khác, biết quan tâm đến tình hình xã hội, con người đang diễn ra xung quanh và dấn thân xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ và hoà bình.
Ngoài ra, là những bậc cha mẹ, nhà giáo dục chúng ta cũng phải quan tâm giáo dục con cái về chỉ số PQ (Passion Quotient) – Chỉ số say mê: nghĩa là giáo dục lòng đam mê công việc, dấn thân và hết mình vì trách nhiệm và công việc của mình, không ngại khó, ngại khổ, để đạt đến thành công. Không có thành công nào mà thiếu lòng đam mê.
Cuối cùng, là người kitô hữu chúng ta phải giáo dục con cái thành Thánh, nghĩa là quan tâm đến chỉ số MQ (Moral Quotient) – Chỉ số đạo đức: Người Việt chúng ta thường đặt nặng cái đức hơn cái tài, nếu như người có tài lẫn có đức thì thật hoàn hảo. Là cha mẹ và nhà giáo dục chúng ta phải chú trọng giáo dục đạo đức cho con cái, biết sống trung thực, hiền lành, công bằng, chính trực, tìm và sống những giá trị chân, thiện, mỹ, sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống và trong công việc.
Nói tóm lại, việc giáo dục con cái không chỉ nhắm đến thành danh mà thành nhân và thành Thánh, và hạnh phúc của cha mẹ chính là có được những người con như thế.
Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng con biết nhận ra việc phải hoàn thiện cuộc sống mình theo gương Chúa Giêsu mới là mục đích cao nhất mà chúng con phải hướng dẫn con cái của mình vươn tới, để chúng thực sự trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người và cho chính chúng con nữa, vì hạnh phúc thật của con người là ở nơi Thiên Chúa vậy. Amen.
(Sưu tầm)