Tôi vẫn nhớ câu hỏi Giáo lý được học thuở thiếu thời rằng: “Hỏi ta sống ở đời này để làm gì?” Bấy giờ, dù chẳng ý thức đủ nhưng như một cỗ máy vận hành bởi nguồn nhiên liệu được thâu nạp từ những dòng chữ học thuộc lòng, tôi đã dõng dạc thưa rằng: “Ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, mà hạnh phúc thật ở nơi Thiên Chúa.” Phải, tất cả chúng ta đang được hiện hữu trên trái đất hình cầu này đều mang trong mình một mẫu số chung đó là “khát vọng hạnh phúc.” Nhưng như thế nào là hạnh phúc? Thưa, hạnh phúc sẽ mãi là khát vọng cho đến khi con người biết ơn và mãn nguyện với những gì mình có trong hiện tại.
Trong suốt cuộc hành trình dương thế, chúng ta vẫn thường cố gắng, nỗ lực kiếm tìm và có khi là ra sức chạy đua, ngõ hầu được chạm tới cột mốc hạnh phúc. Thiết tưởng rằng, không ít người đã nghĩ và mặc định khái niệm của hạnh phúc là điều gì đó vô cùng trìu tượng hoặc gắn mác hạnh phúc đi kèm với thế giá của gia đình. Nhiều người nghĩ rằng mình sẽ thật hạnh phúc nếu gia đình giàu sang, con cái giỏi giang, và có một vị thế danh giá trong xã hội… Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một sự thật phũ phàng, đó là, biết bao người giầu sang và có địa vị cao trong xã hội nhưng lại không có được hạnh phúc. Quả thật, nếu của cải và chức vị là thước đo của hạnh phúc thì chắc chắn hạnh phúc sẽ luôn nằm ngoài tầm với của số đông người trên thế giới.
Hẳn bản chất cuả hạnh phúc không tùy thuộc vào sự phát triển tột bậc của nền kinh tế hay nền văn minh tri thức nhân loại nhưng nó được đo lường bởi những giá trị thực tế cận kề chúng ta mỗi ngày, mà xuất phát điểm từ những điều giản dị nhất, nhỏ nhặt nhất, tầm thường nhất. Chỉ cần ta biết ơn và mãn nguyện về những gì mình đang có trong hiện tại, thế là đã đủ để làm cho ta cảm thấy mình thật hạnh phúc rồi. Hãy dành ít phút nhìn vào cuộc đời mình, chúng ta sẽ thấy thực ra mình đang rất hạnh phúc vì nhiều ân ban trong cuộc đời được lãnh nhận một cách nhưng không.
Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chính chúng ta đã thật hạnh phúc vì được Thiên Chúa ban cho hồng ân hiện hữu. Và rồi, chúng ta được trở nên thành viên của Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa tội trong niềm vui chào đón của gia đình và cả Giáo hội. Từ giây phút đó, xuôi theo dòng chảy của vũ trụ tuần hoàn, ta lớn dần theo năm tháng với mầm sống đức tin cũng được triển nở mỗi ngày. Thiên Chúa đã âm thầm chuẩn bị và định liệu cho ta những ơn gọi xứng hợp cho riêng mình, như: ơn gọi thánh hiến, ơn gọi sống bậc gia đình, hoặc ơn gọi độc thân giữa đời. Không ai là một bản sao của người khác, nhưng tất cả đều là những bản thể độc nhất, duy nhất. Dầu vậy, dù ở ơn gọi nào, chúng ta cũng có chung một điểm quy chiếu, một đích điểm đó là hướng tới việc nên thánh trong bậc sống của mình. Và ắt hẳn, sự tự do lựa chọn ơn gọi cũng được khơi nguồn đi từ lòng khao khát sống đời hạnh phúc của mỗi người chúng ta.
“Hạnh phúc” điểm xuất phát và cũng là đích điểm đến của con người đang ngày đêm miệt mài gieo bước nơi dương thế, và niềm hạnh phúc đích thực, hạnh phúc viên mãn là ngày mà chúng ta được hợp hoan, sum vầy nơi quê trời vinh thắng. Nhưng để được như thế, chính chúng ta phải không ngừng cố gắng đắp xây hạnh phúc ngay từ chính giây phút hiện tại này.
Hạnh phúc có dễ kiếm tìm không? Khó hay dễ, tất cả đều phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Người khác có thể giúp chúng ta nhận ra giá trị và con đường của hạnh phúc, nhưng để có được hạnh phúc là do chúng ta chọn. Không ai có thể do lường được niềm hạnh phúc tồn tại nơi người khác ngoài chính bản thân họ. Với cá nhân một số người, hạnh phúc là những điều vô cùng dung dị trong cuộc sống thường nhật. Hạnh phúc là khi họ được nhìn thấy mọi người trong gia đình xum họp cùng nhau chung vui bên mâm cơm đầm ấm của gia đình. Hạnh phúc là khi họ còn có người để quan tâm, v.v.. Nhìn vào thực tế, ta có thể thấy rõ, nhiều gia đình không quá khá giả, con cái không quá giỏi giang nhưng họ vẫn chia sẻ rằng họ đang rất hạnh phúc vì bởi lẽ, họ thấy như thế là đủ và “đủ là hạnh phúc.” Nhưng, một số người thì lại không nhìn hạnh phúc ở một cuộc sống giản dị như vậy, và vì thế, họ luôn bận rộn kiếm tìm hạnh phúc trong sự thành công của công việc và thành đạt của chức vị.
Làm sao chúng ta có thể đạt được hạnh phúc nếu mỗi ngày ta cứ mải mê với những tham vọng cuộc đời và ôm ấp những tham vọng ngày một lớn dần? Thực tế đã chứng minh rõ nét rằng, tham vọng và hạnh phúc luôn tỉ lệ nghịch với nhau. Tham vọng càng nhiều, càng ít hạnh phúc. Giữa vòng xoáy của một xã hội phát triển, nhu cầu hưởng thụ dần được đẩy lên cao, song song với đó là đời sống vật chất cùng ở một tầng mức mới. Tuy nhiên, để có thể hòa mình vào vòng xoáy ấy, con người phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ, như: thời gian, sức khỏe, thậm chí là cả sự quan tâm dành cho những người thân yêu trong gia đình của mình… Vậy, phải chăng có một đời sống sung túc là hạnh phúc? Tới đây, tôi chợt nhớ lời phát ngôn của ông Nguyên Vũ – chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên, rằng: “tiền nhiều để làm gì?” Có tiền cũng đâu mua được hạnh phúc. Có lẽ, lời phát biểu hùng hồn nhưng đau xót ấy là lời khẳng định rõ nét nhất và cũng là câu trả lời xác đáng nhất. Người doanh nhân thành đạt ấy đã không trưng dẫn nguồn thông tin cho câu nói của mình, nhưng chính ông đau lòng đến tột độ khi phải thốt ra lời nhận định đó sau những năm tháng dài cuộc đời cảm nghiệm. Ông đã có tất cả những thứ ông muốn, công danh rạng rỡ, sự nghiệp vẻ vang, nhưng thứ duy nhất ông cần, ông tìm, ông khao khát lại vụt trôi mất trong đời ông, đó là hạnh phúc.
Là những người đang cùng nhịp chân bước nơi dương thế này, không ít lần chúng ta phải gồng mình lên cố gắng, đôi khi chỉ vì những “phương tiện” tầm thường mà chúng ta vội quên đi những giá trị tối hậu mà ngay từ lúc khởi đầu ta đã nhắm tới. Có lẽ, hơn một lần, chúng ta ước mong con thuyền cuộc đời mình được xuôi mái chèo, nhẹ nhàng, êm ả cập bến bờ hạnh phúc. Nhưng nếu hạnh phúc dễ nắm bắt như thế thì liệu chúng ta có trân quý? Hạnh phúc là những điều được góp nhặt từ ngày tháng khó nhọc, hy sinh, là những năm tháng dài cùng vươn mình cố gắng. Cho dẫu rằng, hạnh phúc không tọa lạc chung một vị trí với điểm thành công, nhưng nó lại có chung một con đường là cố gắng. Có thể bạn cảm thấy khoảng cách từ bước chân bạn tới hạnh phúc thật gần nếu từng phút giây trong đời chúng ta biết thánh hóa và thấu cảm mọi ân ban được gửi đến cho mình. Nhưng cũng có thể bạn đang đặt nó ở một vị trí xa xăm nào đó để rồi ngày đêm cứ mòn mỏi kiếm tìm.
Vậy khoảng cách xa hay gần, thời gian dài hay ngắn, là do chính chúng ta quyết định. Ước mong sao tất cả chúng ta đều được mỉm cười thật viên mãn trên đỉnh đồi hạnh phúc với tất cả giá trị được gọi tên là “biết ơn và mãn nguyện với những gì mình có.”
Thầm Lặng