Tôi từng nghĩ tình yêu vốn là một ngọn lửa nhưng vô hình, vô dạng, lang thang trong không gian. Bỗng một ngày gặp bình dầu, chiếc bấc, với sự giúp đỡ của khí ga, tình yêu đã bừng cháy và mặc lên mình một lung linh hình dạng cùng một hơi thở ấm áp. Tình yêu khi ấy được biểu hiện rõ ràng cho mắt người thấy, tim người cảm. Hành trình thiện nguyện của lớp Tiền Tập I- nhã vào sáng Chúa nhật của Tình yêu (Chúa nhật IV Mùa Vọng) đã là khí ga, chiếc bấc, bình dầu để tình yêu của chúng tôi được nên hữu hình, lan tỏa. Chúng tôi tạm đặt tên cho chuyến đi ấy là: Nơi Tình Yêu Bén Lửa.
Ngày hôm đó bầu trời hôm không phủ sắc hồng màu của tình yêu nhưng vàng một màu nhẹ nhàng, ấm áp – màu của sự biết ơn. Màu của đất trời hòa điệu với màu tâm hồn chúng tôi: mười trái tim chung một nhịp biết ơn vì cơ hội được đến với tha nhân nơi vùng đất luôn âm vang sóng biển – giáo xứ Long Châu thuộc giáo hạt Kiên Chính, Bùi Chu.
Chúng tôi men theo bờ sông Ninh Cơ để tìm đến biển lớn Thịnh Long. Mặt trời buổi sáng đặt gọn thân mình soi chiếu nơi mặt sông tĩnh lặng, tựa như tình yêu Thiên Chúa vốn phủ đầy phản chiếu và đặt trọn vẹn nơi đáy hồn mỗi người. Chỉ cần lòng người đủ an, đủ lắng, đủ trong, tình yêu Chúa sẽ lấp lánh và lan rộng trong từng con sóng, nơi từng khúc sông.
Sau một chặng đường dài, đoàn dừng lại nơi tu xá Martinô Long Châu, ở đó chúng tôi được gặp gỡ quý Dì trong tu xá cùng hai bác trưởng xóm – những người sẽ hướng dẫn chúng tôi đi trao gửi yêu thương. Sau phút nhận đoàn và chỉ dẫn, những chiếc xe máy lại lên ga, liên tục đặt vết chân vào những con đường đất nhỏ hẹp, ngoằn nghèo tiến đến14 căn nhà. Có chị em bảo: “Đó là những con đường nhỏ dẫn đến bầu trời lớn của yêu thương.” Văn thơ thì lung linh chứ trên thực tế, những con đường ấy rất nhỏ, đầy đất và cát do chưa được đổ bê tông. Chiều rộng có lẽ chỉ vừa đủ cho 2 xe máy nhường nhịn nhau hết tình mà cùng đi. Những căn nhà được dẫn tới cũng nhỏ nhưng lòng người ở đó lại rộng, rộng lắm, cũng không bay cát bụi làm rát mặt người đi mà đầy ấm áp bởi hương vị của yêu thương.Đa phần các gia đình chúng tôi thăm là những cụ ông, cụ bà sống một mình, đơn côi, khó khăn, hoặc đang mang trong mình những căn bệnh dai dẳng. Nhà cửa của họ đơn sơ, chẳng có vật chất gì đáng giá. Có cụ bà không lập gia đình, ở một mình nơi căn nhà cấp 4 lụp xụp, lọt thỏm giữa mênh mông đất đai, chẳng có hàng xóm nào ở gần. Cô đơn nhân cô đơn theo cấp lũy thừa. Có người cô trí thông minh không được minh mẫn, phải ở nhờ nhà thờ tổ của dòng họ, làm ăn vốn đã khó khăn, mấy năm nay lại mắc nhiều bệnh. Khó khăn chồng chất khó khăn. Có người ông bị liệt toàn thân vì tai biến gần 10 năm, đôi mắt rướm lệ khi nghe người vợ kể cho chúng tôi nghe về một thời huy hoàng của chàng nghệ sĩ đàn bầu, chuyên lo phục vụ Thánh nhạc trong giáo xứ, nay đôi tay chẳng thể cử động. Chàng nghệ sĩ ấy chỉ còn có thể nghe và thấy, chứ nói hay hát những bài thánh ca du dương đã trở thành một quá khứ không thể lặp lại, chỉ dành để tiếc nhớ. Bà bảo: “Ông chẳng làm mất lòng ai bao giờ. Đến giờ bị thế, lâu như vậy, ông vẫn là nơi mọi người cảm thấy bình an.” Lòng chúng tôi nghẹn ngào khi nghe những câu chuyện, khi được hiểu hơn về cái nghèo, cái khó, cái đau của những người ngày ấy chúng tôi gặp gỡ. Đoàn chúng tôi đến với các gia đình cả lương, cả giáo vì tự bản chất, bác ái đâu thể nằm gọn im lìm trong biên giới của một tôn giáo; bác ái năng động vươn mình vượt khỏi mọi tường rào, thành lũy. Đức Bê-nê-đíc-tô 16 đã từng viết: “Trái tim con người luôn luôn giống nhau.” Những trái tim luôn khao khát yêu thương.
Chúng tôi mang theo những phần quà nhỏ hơi ấm trước thềm Giáng Sinh, nhưng các ông bà đã vui lắm, cười thật tươi rồi sau lại rưng rưng, đưa tay vội quệt giọt nước mắt nóng hổi. Có lẽ trong hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh những vật chất cần để trang trải cuộc sống, thứ họ cần hơn cả là có ai đó bên cạnh, lắng nghe, thấu hiểu. Có lẽ tình yêu và sự chân thành là điều cần hơn cả với bản chất của mỗi tâm hồn. Biết đâu có ai đó vì phải cố gắng bớt nghèo, bớt lo nên quên mất cảm nghiệm những yêu thương chung quanh. Tình yêu nơi cõi lòng chúng tôi cũng thế; biết đâu vì sống giữa nhiều thoải mái, may mắn nên dẫu bấc bị tụt, dầu bị vơi mà chẳng hay biết nên ngọn lửa yêu thương nhỏ dần, hơi ấm cũng tan và loãng theo. Cơ hội gặp gỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt giúp chúng tôi nhận ra bản thân may mắn thế nào, dễ dàng chạm tới hạnh phúc biết bao. Lòng biết ơn của chúng tôi dày thêm nhờ lớp áo mới.
Cảm xúc của chuyến thiện nguyện có lẽ một ngày nào đó sẽ phai nhạt, nhưng chúng tôi tin khi ấy nó có tan ra, không nguyên vẹn cũng là để thấm vào mạch máu yêu thương, không mất nhưng chuyển hóa thành một dạng năng lượng phi thường cùng dòng máu tuần hoàn, thúc đẩy chúng tôi yêu nhiều hơn. Có chia sẻ sau chuyến đi: “Sau này nếu được đi giúp xứ, em sẽ dành thật nhiều thời gian để đến với người nghèo trong xứ. Em muốn họ bớt cô đơn.”
Chuyến thiện nguyện ngắn ngủi nhưng đủ mạnh để nới rộng bầu trời yêu thương trong lòng chúng tôi. Mong ước bầu trời ấy sẽ không ngừng rộng lớn để có thể ôm trọn tất cả những người chúng tôi gặp gỡ, đặc biệt là những mảnh đời khó khăn. Mong bầu trời ấy không gắt gỏng nhưng hiền hòa; không eo hẹp nhưng bao dung; không ầm ầm sấm dữ nhưng nhẹ nhàng, dịu dàng. Mong bầu trời ấy luôn có Mặt trời là tình Chúa chiếu tỏa. Bước đi trong đời tu, chúng tôi có lẽ sẽ không thể mang nhiều vật chất đến trao gửi nên chúng tôi chọn mang thật nhiều yêu thương- thứ tài sản mà khi cho đi, không những không mất mà còn được tích lũy thêm nhiều. Mong Chúa sẽ dẫn tình yêu của chúng tôi đến với nhiều chiếc bấc, bình dầu, khí ga, để yêu thương được hiện hữu và lan rộng.
Ngày Chúa nhật khép lại, vẽ thêm một nét vàng dịu dàng lên bức tranh cuộc đời chúng tôi. Nét màu của tình yêu và lòng biết ơn.
Tiền tập I-nhã