Tôi là một loài hoa ven đường. Từ lúc sinh ra, tôi đã không được tự do lựa chọn cho mình hộ khẩu thường trú ở những nơi cao sang, hoặc những chỗ nhiều người biết đến. Nhìn những người bạn của tôi: đứa thì vinh dự được đặt trên bàn của những buổi tiệc sang trọng nơi nhà hàng hoặc khách sạn, đứa thì được tạo dáng trên tay của cô dâu xinh đẹp trong ngày thành hôn, đứa thì được tham dự đại hội triển lãm tầm cỡ giữa các loài hoa, đứa thì được làm nền cho người ta chụp hình vì sự quá dễ thương của mình… Còn tôi? Tôi thèm một lần có được một chỗ đứng như đám bạn tôi. Tôi ước ao dù chỉ một lần được người ta ngắt về đặt dưới chân bàn thờ trong ngày lễ thường mà cũng không được, vì bản tính mong manh, yếu đuối, và chóng tàn của tôi. Một chút chạnh lòng, tôi xót thương cho thân phận nhỏ bé của chính mình.
Không thiếu những lúc tôi tự hỏi: Tại sao ông Trời lại bất công như thế? Sao lại có những loài hoa luôn được dành cho nơi cao sang, còn tôi dù chỉ một lần được trưng dụng cũng chưa từng có? Đang loay hoay với hàng loạt câu hỏi trong đầu thì tiếng cười nói của đám trẻ con đi thả diều cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Bọn trẻ có vẻ rất thích thú với tiếng nhạc vi vu quyện theo làn gió đưa cánh diều nhẹ bay lên cao. Tiếng cười giòn tan của chúng như xua đi phần nào những day dứt đang chiến đấu trong con người của tôi. Vì mải miết để mắt theo con diều và niềm vui đang dâng trào nên vô tình bọn trẻ đạp lên toàn thân tôi làm tôi đau điếng. Tôi muốn la lên, nhưng nghĩ lại nên tôi âm thầm cắn răng chịu đau vì nếu tôi la lên sẽ phá vỡ bầu không khí vui chơi của bọn trẻ.
Vào một buổi sáng đẹp trời nọ, khi mà cây cỏ còn khoác trên mình tấm áo phủ sương, thì có một ông họa sĩ đến gẫn chỗ tôi. Ông ngắm nghía phong cảnh xung quanh rồi lấy đồ nghề ra chuẩn bị vẽ. Ông đưa nét bút đến đâu là bức họa đồng quê có hồn đến đó. Xa xa là dòng sông oằn mình ôm lấy những ngôi nhà tranh nằm thấp thoáng giữa một cánh đồng mênh mông còn vương mùi lúa mới. Tiến lại gần hơn là một cây đại thụ đứng sừng sững bên vệ đường nơi có đông người qua lại. Từng nhành cây và tán lá rủ xuống lòng đường như để chuyển tải một thông điệp: sự hiện diện của cây đại thụ đã có một bề dày lịch sử và gắn bó với biết bao thế hệ người với những sinh hoạt văn hóa khác nhau tại nơi đây. Do đó, cây đại thụ được đặt trong ý định của người họa sĩ như một nét chính yếu ủ ấp toàn bộ bức tranh. Đối với người họa sĩ, dường như bức tranh sẽ thiếu hồn nếu không thổi vào đó hoạt động của con người. Một lần nữa, những nét cong cong phác thảo bóng dáng chịu thương chịu khó của các bà, các chị đang nghiêng mình gánh những hàng rong ra chợ bán. Bóng dáng tần tảo của các bà, các chị cứ như phản ánh được phần nào những lam lũ của con người trước những khó khăn của cuộc sống. Điểm tô trên nền trời xanh thẳm là những cánh cò trắng đang đi kiếm ăn từng đàn, từng đàn. Thêm vào đó, một vài con trâu đang bước những bước đi chậm rãi để tìm đến lùm cỏ non xanh tươi. Tất cả sự vật và con người đang thể hiện sức sống mãnh liệt của một ngày mới.
Tôi cố gắng nín thở và theo dõi từng nét bút. Tôi tự nhủ: “Nhỏ bé như mình làm sao có chỗ đứng trong một bức tranh thiên nhiên hài hòa và đồng điệu giữa con người và sự vật như vậy được? Đang rảo mắt nhìn bức tranh một lần nữa thì ông họa sĩ dừng tay vẽ. Tôi càng hết hy vọng. Rút trong túi ra một điếu thuốc lá, người họa sĩ phì phèo châm lửa hút rồi phóng ánh nhìn xa xăm quyện theo làn khói thuốc. Tôi cũng rụt đầu xuống và hồi tưởng lại cái lần bị chà đạp đau điếng của đám trẻ thả diều. Có lẽ thân phận nhỏ bé mong manh của mình chỉ đến thế mà thôi. Đang miên man xuôi theo dòng suy nghĩ, tôi bỗng cảm nhận được một cái chạm rất nhẹ của một bàn tay nhỏ như thiên thần. Một cậu bé đang dạo chơi với mẹ. Tình cờ cậu bé cúi xuống ngắt tôi ra khỏi thân cây và đem đến tặng cho ông họa sĩ. Ông họa sĩ nở nụ cười thân thiện khi đón nhận bông hoa dại nhỏ bé từ bàn tay cậu bé trong sự trìu mến. Ông cầm tôi trên tay nâng niu rồi lấy cây cọ vẽ đặt tôi vào góc dưới cùng của bức tranh sắp hoàn thiện. Tôi hãnh diện vì được đứng chung với đám cỏ ven đường. Hơn nữa, vì hoa của tôi màu hồng phấn nên tôi không bị chìm giữa màu xanh của cỏ. Tôi thầm cám ơn đứa trẻ. Việc làm của ông họa sĩ đã đánh tan những cảm xúc tiêu cực đang thống trị tâm trí tôi. Tôi nghĩ rằng, có thể tôi không có giá trị với đám trẻ nhưng trong con mắt ông họa sĩ, ít nhiều tôi cũng có chút tỏa sáng. Tôi vui vì mình có giá trị sử dụng dù rất nhỏ nhoi.
Bạn thân mến! Khi Thiên Chúa đã có ý định tạo thành nên bạn, chắc chắn Ngài đã mặc cho bạn một sứ mệnh riêng. Có thể bạn là cây cao bóng cả tỏa xuống làm bến đỗ cho khách dừng chân. Lúc đó bạn hãy sống tâm tình tạ ơn vì bạn có khả năng sống tự lập. Nếu chẳng may số phận của bạn giống thân phận cây tầm gửi thì ngoài việc phải sống hết mình cho sứ mạng, bạn còn phải biết ơn loài cây đã dùng dinh dưỡng của chính mình mà cho bạn nhựa sống nữa. Tôi cũng vậy, tôi sinh ra và lớn lên trong phận hoa dại ven đường, mong manh, bé nhỏ, nhưng tôi không phải “đời thừa.” Tôi có giá trị hơn khi đứng chung với những loài khác để trở thành một tổng thể hài hòa. Dù tôi không được trọng dụng như các loài hoa khác, nhưng tôi vẫn cố gắng dùng hết khả năng của mình mà phát triển cách tốt nhất. Tạo Hóa khi sinh ra tôi đã biết tôi, ít có giá trị khai thác nhưng Ngài đã không tiêu diệt tôi thì cớ sao tôi lại phải đau khổ và hủy hoại chính mình? Điều quan trọng là tôi sống vui và cháy hết mình với ý định thuở ban đầu mà Tạo Hóa đã dựng nên mình. Thật hạnh phúc vì cuối cùng tôi đã nhận ra được mình ở vị trí nào trong tổng thể hài hòa để làm tốt chức vụ đó. Hãy sống yên vui trong địa vị của mình bạn nhé!
Tâm Vũ