Gấp những trang sách cuối cùng của tác phẩm mắt biếc[1], một cảm giác tiếc nuối, chơi vơi; nhưng cũng rất tròn đầy. Những kỉ niệm trên đường làng được trải đầy nắng gió nhuốn thắm vị của cỏ hoa với chiếc xe ngựa như ùa về nhờ mắt biếc. Qua ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh[2], ta thấy cần phải trân trọng những phút giây bên người mình yêu qua những nụ hôn say đắm, những cái nắm tay không muốn rời và cái ôm ấm áp tình thân. Tuy nhiên, dù nhìn, hay cảm đến đâu, dù thấu, hay hiểu thế nào, có lẽ mắt biếc vẫn rơi vào vòng xoay của cái phận bạc nơi cõi hồng trần.
Mặc cho dòng đời có bao đổi thay, mắt biếc vẫn giữ cho mình vẻ đẹp nguyên tuyền làm say đắm bao con tim si tình. Một thiên đường diệu kỳ được mắt biếc mở ta qua những tia nắng ban mai, anh huy hoàng khi vầng kim ô lững lờ qua rặng núi, cứ như vậy… từ khi xuân sang cho đến tận tiết giá lạnh cuối trời đông. Nó đưa hồn ta vào một không gian mĩ miều nơi vẻ đẹp đáng kiêu hãnh: Thật mê hồn, lôi cuốn, lạ lùng đến kinh ngạc, như tiếng hạc vọng ngân, như âm thanh dịu mát, như tiếng hát vẳng xa, như đời ta muôn thuở. Đẹp, tình khôi ấy nhưng cái khổ, cái đau, cái bạc vẫn còn y nguyên…
Có thể ví tuổi thơ hồn nhiên bên cánh diều lung linh trước gió; những buổi chiều vui chơi bên gốc đa, giếng nước, sân đình với sự trong sáng của mắt biếc. Nó làm bừng tỉnh lòng cảm mến thiết tha nơi những tâm hồn yêu cái đẹp mến cái hay. Đôi mắt ấy khiến lòng ta cồn cào như sóng trào biển lớn khiến miệng chẳng thể cất lên âm thanh, chân bị níu lại bằng sự đùa vui, tinh nghịch, rồi chợt quay lại, bất ngờ chạm đến sâu thẳm nơi cõi lòng. Kẻ thư sinh vương chút si tình bấy lâu nay chẳng cất lên một tiếng, chỉ muốn quanh quẩn bên những những thứ gì đó gần gũi, mon men bên những kỉ niệm cứ cố mãi níu giữ nơi thôn quê ngày nào.
tim hụt hẫng như mất một thứ gì…
Giờ đây, mắt biếc đã tìm được niềm vui riêng nơi mình. Chẳng còn những buổi chiều thanh bình nơi hồn quê, những sự hồn nhiên của một em thơ măng sữa, sự yên bình bên gốc đa túp lều, nét vui tươi của rừng sim ngày ấy. Mọi thứ đổi thay mà lòng nào có hay. Giờ đây, mắt biếc đã thấy được niềm vui nơi phố thị, đã an vị trong những thứ sang chảnh… Chiếc xe đạp chẳng còn đủ sức để níu lòng; tà áo trắng, cái kẹp tóc nào còn đâu sức hút. Lòng người giờ đã thay đổi khiến mọi thứ cũng qua đó mà đổi thay. Điều gì đã khiến mắt biếc đổi thay?
Hẳn là sự sang trọng nơi phố thị đã lấp vùi kí ức bình yên, trong sáng. Phải chăng đó là định mệnh? Phải chăng sự phồn hoa nơi phố thị đã khiến mắt biếc bị lỡ hẹn với bao hạnh phúc cao hơn, đẹp hơn, sáng hơn? Một chuỗi sự chọn lựa giờ được bày ra: Chiếc xe đạp mang bao kỉ niệm trên đường làng hay chiếc xe honda bon bon trên những con đường rộng lớn; một anh chàng giản dị, tầm thương, thương trọn yêu vẹn câu thề hay một chàng trai lãng tử, hào hoa, lịch lãm với đủ thứ ăn chơi. Một cuộc sống thanh bình, âm thầm nơi thôn quê, hay chốn thị thành huy hoàng, diễm lệ…Mắt biếc đã chạy theo ảo vọng của tuổi thanh xuân để rồi tự dẫn mình đắm chìm trong tiếc nuối, khổ đau. Mắt biếc tiếc nuối quá khứ, hối hận bản thân, chôn chân nơi thành thị, gượng cười chốn điêu linh…Cuối cùng, lúc bừng tỉnh để níu kéo mọi thứ thì đã quá ư muộn màng, ề hề giữa hai hàng lệ, lê bước nhìn đoàn tàu của hy vọng, của tình yêu cứ mãi xa…
“Thầy đây mà, đừng sợ” (Ga 6,20)
Cuộc đời này không khó để bắt gặp những phận đời bạc bẽo như mắt biếc với đôi lần lần lạc lối, một khoảnh khắc lầm đường. Có thể bạn cũng tiếc nuối cho mắt biếc khi để lỡ chuyến tàu cuối cùng, khi không thể níu kéo người thương yêu như tôi, bởi ta cũng đã có những cơ hội, cũng đã không biết trân quý những kỉ niệm một thời, không biết quý trọng một người, để một lần lỡ, lỡ cả đời. Giá như mắt biếc biết quý trọng những kỉ niệm đẹp của quá khứ, biết trân quý những khoảnh khắc, những con người đã gắn bó với mình nơi tuổi thơ bình yên thì hẳn kết cục sẽ khác. Nếu mắt biếc biết giục lòng mình trước những lời mời của đời, lời thưa của người thì lòng có lẽ chẳng phải viết ra chữ tiếc nuối bên dòng lệ. Giá như…Phận người vẫn tiếc nuối với bao cơ hội đến rồi lại đi như những cơn gió thoảng, chỉ cần một giây tận hưởng, một phút dừng chân, một giờ suy ngẫm thôi thì một ngày sẽ an vui. Đời ta đâu phải cuộc thi nên cớ chi phải vội vàng?
Âm vang Phục sinh vẫn còn đâu đây, Câu tung hô “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỉ” được mọi môi miệng người Kitô hữu xướng lên với trọn niềm tin tưởng hi vọng. Xác tín mọi ngày đều là của Chúa, ta tin mọi biến cố đều có Chúa ở bên được tạo nên bởi cấu trúc quá khứ – hiện tại – tương lai. Quá khứ không phải thứ gì đó đáng bị lãng quên, hắt hủi, nhưng nó là cả một lịch sử, là cả con người hiện tại của ta, đối diện là cách giải thoát ta khỏi những ràng buộc tệ hại, nắm giữ là cách ta có sức mạnh sâu xa, trân trọng là cách ta âm thầm thêu dệt tương tai.
Nói thế không phải là người Kitô hữu nghiễm nhiên được đặc ân thoát khỏi những nỗi sợ tựa như nỗi sơ không còn là chính mình như mắt biếc. Những hồn ma bóng quế chập chờn khắp trong bóng đêm biển cả cuộc sống. Sợ! Sợ lắm! Qua đại nạn Covid 19 vừa rồi, mới cảm thấy sự hãi sợ hoảng hốt thế nào! Bây giờ, mọi sự có lẽ tạm yên ổn, nhớ về quá khứ, nhìn về tương lai, theo con mắt con người, lại hoảng sợ tiếp! Đó là cái sợ khi nhìn lại, cái sợ nơi sự chông chênh cuộc sống! Đã biển đêm, lại còn sóng gió bão tố nữa. Nhưng điều quan trọng là tin rằng Đức Giêsu Phục sinh hiện diện. Ngài tựa nguồn thần lực bao phủ thẩm thấu. Ở trong ân sủng, tình yêu và Lòng thương xót của Ngài, ta như vượt trên tất cả. Bệnh tật, không gian, thời gian, sống chết. Một khi suối nguồn tình yêu là chính Chúa, chạm đến ai, ai được chạm đến, đều lành mạnh, lành khỏi những chông chênh hãi sợ .
Giông bão nổi lên trong cuộc đời, Đức Giê-su luôn bên, và Người luôn trao những cơ hội khác nhau cho bạn và tôi. Sẽ không còn giá như, không còn tiếc nuối bởi mọi sự đều không nằm ngoài khung trời của sự quan phòng. Này bạn và tôi, có Chúa ở bên nhé!
Alleluia! Alleluia!Alleluia!
Đức Hữu
[1] Mắt biếc là tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong loạt truyện viết về tình yêu thanh thiếu niên của tác giả này cùng với Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua,… Đây được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Nhật Ánh, từng được dịch giả Kato Sakae dịch để giới thiệu với độc giả Nhật Bản với tựa đề Tsuburana hitomi (つぶらな瞳). Tác phẩm này được chuyển thể thành phim do Victor Vũ làm đạo diễn, khởi chiếu chính thức vào ngày 20 tháng 12 năm 2019.
Mắt biếc kể về cuộc đời của nhân vật chính tên Ngạn. Ngạn sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng tên là làng Đo Đo (thuộc xã Bình Quế – huyện Thăng Bình – tỉnh Quảng Nam – cũng là nguyên quán của tác giả). Lớn lên cùng với Ngạn là cô bạn hàng xóm có đôi mắt tuyệt đẹp tên là Hà Lan. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan gắn bó với bao nhiêu kỉ niệm cùng đồi sim, đánh trống trường… Tình bạn trẻ thơ dần dần biến thành tình yêu thầm lặng của Ngạn dành cho Hà Lan. Đến khi lớn hơn một chút, cả hai phải rời làng ra thành phố để tiếp tục học. Khi tấm lòng của Ngạn luôn hướng về Hà Lan và về làng, thì Hà Lan không cưỡng lại được cám dỗ của cuộc sống xa hoa nơi đô thị và ngã vào vòng tay của Dũng. Việc Hà Lan ngã vào vòng tay Dũng, một thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng rất thiếu đứng đắn đã làm cho Ngạn đau khổ rất nhiều vì điều Ngạn cần là hạnh phúc của Hà Lan.
Mỗi khi Dũng làm Hà Lan tổn thương cô lại tìm Ngạn để tâm sự, điều đó lại càng làm cho Ngạn buồn thêm. Có lần Ngạn đã đánh nhau với Dũng vì Hà Lan và kết quả tất nhiên là Ngạn thua nhưng điều đó đã không làm cho Ngạn bớt đi tính anh hùng, sẵn sàng đánh nhau mỗi khi Hà Lan bị bắt nạt. Cũng từ đó những cảm xúc mỗi khi Hà Lan tìm đến Ngạn để giãi bày niềm tâm sự giảm bớt đi.
Hà Lan có thai, nhưng gia đình Dũng không chấp nhận, bị Dũng ruồng bỏ nên làm đám cưới với Bích Hoàng (Người mà Dũng từng nói: Chỉ được cái mẽ ngoài).Cô đành gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên là Trà Long. Tuy hiểu rõ tình yêu của Ngạn dành cho mình, Hà Lan vẫn không đáp lại vì cô hiểu rõ mình muốn sống theo một lối sống hoàn toàn khác với Ngạn. Bằng tình yêu của mình dành cho Hà Lan, Ngạn hết lòng yêu thương và chăm sóc cho Trà Long. Trà Long lớn lên trở thành cô giáo trường làng, và vô cùng yêu quý Ngạn. Trong khi ai cũng nghĩ rằng Trà Long sẽ là sự nối tiếp những gì mà Hà Lan đã bỏ dở trong đời Ngạn, thì Ngạn quyết định ra đi vì anh nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan trong anh mà thôi.
[2] Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 ở Thăng Bình, Quảng Nam)[1] là một nhà văn, nhà thơ, bình luận viên Việt Nam. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi trẻ, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim. Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.