Trong thông điệp Fratelli tutti Về Tình Huynh Đệ Và Tình Thân Hữu Xã Hội, số 87, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: “không ai có thể cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống nếu không có những khuôn mặt cụ thể để yêu thương”. Vì “Sự sống tồn tại ở nơi có sự gắn kết, hiệp thông, và tình huynh đệ”[1]. Người Samari nhân hậu trong Tin mừng thánh Luca (Lc 10, 29-37) là một tấm gương cho chúng ta trong việc sống hiệp thông và nối kết tình huynh đệ, bằng chứng là, anh đã can đảm bước qua mọi rào cản của xã hội để đến với và chăm sóc cho người bị nạn giữa đường.
Chúa Giêsu kể cho chúng ta câu chuyện về một người bị bọn cướp tấn công trên đường. Người ấy bị cướp đi mọi thứ, bị đánh nhừ tử và bị bỏ mặc nửa sống nửa chết bên vệ đường (Lc 10,30). Rồi có thầy tư tế và thầy Lê vi đi ngang qua trên con đường ấy (x. Lc 10,31-32); hai người này có thể đang trên đường đến đền thờ để thi hành công việc phụng tự. Cả hai đều trông thấy người bị nạn nằm bên vệ đường, nhưng cả hai đều tránh sang đường bên kia để khỏi phải tiếp xúc với người bị nạn. Họ không dám bớt chút thời gian, bỏ vài phút để xem người đó có cần giúp đỡ gì không.
Có lẽ không thiếu những lần chúng ta đã từng gặp tình cảnh như thế này trong xã hội ngày hôm nay. Bị ảnh hưởng bởi “văn hóa vô cảm,” nhiều người dễ dàng bỏ qua, hoặc cố tình làm ngơ trước những người bị nạn đang cần sự giúp đỡ, vì họ sợ bị liên lụy, sợ “mang họa vào thân”. Đáng buồn hơn nữa, là có thể đã có những lần chúng ta dễ dàng “bơ đi” trước những nhu cầu của chính anh chị em mình bằng cách viện lý do này nọ, chẳng hạn như: tôi không có thời gian, hoặc việc đó không liên quan đến tôi. Cũng có thể, do bận bịu với nhu cầu và công việc của cá nhân mình, việc nhìn thấy người đang cần sự giúp đỡ làm chúng ta cảm thấy bị quấy rầy và khó chịu.
Khác với thầy tư tế và thầy Lê vi, người Samari “đã thấy” người bị nạn và anh đã dừng lại (x. Lc 10,33). Chắc hẳn, trong anh đã xảy ra một cuộc chiến đấu vì người bị nạn là người Do thái: “Mình là người Samari, còn người bị nạn là người Do thái. Mà giữa người Do thái và người Samari có một khoảng cách không tài nào có thể nối kết. Người Do thái coi người Samari là đồ con hoang, một kẻ bỏ đạo, một kẻ lạc giáo, bỏ các truyền thống của tiền nhân. Vậy làm sao mình có thể giúp anh ta được?” Theo lẽ thường tình, thì người Samari này dễ dàng để nạn nhân người Do thái nằm đó. Thế nhưng, anh ta đã không làm như thế. Bằng trái tim thương cảm, anh đã can đảm bỏ qua những rào cản của văn hóa, của cái “sĩ diện dân tộc”, bỏ qua mối thù giữa hai bên, để rồi tận tình tìm cách chăm sóc cho người anh em đang bị nạn. Hành động ấy của anh đã nối lại tình huynh đệ mà bao năm nay họ bị cấm cản.
Còn chúng ta, chúng ta đã làm gì để nối kết tình huynh đệ trong cộng đoàn, trong xã hội mà chúng ta đang sống? Ngày nay, chúng ta không thiếu những cơ hội để thực hiện cảm thức tự nhiên của mình về tình huynh đệ, để trở nên những người Samari nhân hậu biết mang lấy nỗi đau và quan tâm chăm sóc tới những nhu cầu cần thiết của anh chị em xung quanh mình. Ngày hôm nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi biết bao sinh mạng và gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhiều người, vậy chúng ta đã làm được gì cho anh chị em đang đau khổ vì nạn dịch này? Nhìn ra xung quanh, chúng ta có thể thấy bao con người với tấm lòng quảng đại đã sẵn sàng gác lại công việc, những kế hoạch của bản thân, để chung tay cùng với xã hội cứu giúp các bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Đã có bao bác sĩ, nhân viên y tế, thiện nguyện viên sẵn sàng đến các vùng dịch chăm sóc, để đem lại từng hơi thở cho các bệnh nhân. Không những thế, chính sự hiện diện của họ cũng góp phần an ủi các bệnh nhân rất nhiều.
Sau khi chăm sóc cho người bị nạn, người Samari đã ra đi mà không kỳ vọng bất cứ một sự đền trả nào (x. Lc 10,35). Nỗ lực của anh là để hỗ trợ người khác, và đem lại cho họ niềm vui, sự bình an. Với những hành động của mình, người Samari nhân hậu cho thấy rằng, sự hiện hữu của mỗi người và mọi cá nhân được gắn chặt với sự hiện hữu của người khác. Chúng ta luôn được mời gọi hãy ra khỏi chính mình, ra khỏi cái tôi ích kỷ của bản thân, bỏ qua những rào cản để đến với tha nhân, đặc biệt là với những ai cần đến sự trợ giúp của chúng ta. Chỉ sống như thế, chúng ta mới có thể trở thành những người nối kết tình huynh đệ.
Phó Thác
[1] Kinh Truyền Tin (10/11/2019): L’Osservatore Romano, 11-12 tháng Mười Một 2019, 8.