Lời mời gọi ở lại như một căn cước dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Lời mời gọi ấy mở ra cho hết mọi người không riêng gì cho các môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Tại sao Thiên Chúa lại mở lời với con người, sở dĩ Thiên Chúa nói với chúng ta vì người muốn chúng ta được yêu thương, hạnh phúc. Thiên Chúa biết rằng mọi tìm kiếm nơi con người sẽ trở nên hư vô. Chỉ khi gắn bó với Chúa cuộc đời chúng ta mới tìm thấy sự bình an. Chúa Giêsu đã không ngần ngại năn nỉ chúng ta ở lại với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể ngang qua cuộc sống của mình. Vì nếu không ở lại với Chúa cuộc sống chúng ta sẽ trở nên nhạt nhẽo. Vì muối mà nhạt đi thì lấy gì muối nó cho mặn lại. Nó đã thành vô dụng thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. (Mt 5,13)
Người tu sĩ không gắn bó cuộc đời với Chúa chẳng khác gì một thân xác không hồn cũng như thiếu nhân đức trên đường trọn lành vì đời sống của người nữ tu chỉ khác người ở ngoài là chính đời sống cầu nguyện. Căn tính của người tu sĩ trước hết là ở với Chúa rồi mới được Người sai đi. Chẳng vậy mà Đức Giêsu lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn và các ông đến với Người. Người lập nhóm mười hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3, 13 -14)
Ở với Chúa còn để nghe, cảm, nếm, đụng, chạm được chính con người của Ngài, một đời sống gắn liền tháp nhập vào thân mình Chúa Kitô như cành nho gắn liền với thân cây nho vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Bản chất của người tu sĩ là sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, đó phải là ưu tiên hàng đầu và quan trọng. Việc ở lại với Chúa không những để được thấm nhuần tinh thần sống của Ngài nhưng còn là cảm nghiệm về một Thiên Chúa tốt lành, thánh thiện, yêu thương. Khi cảm nhận mình là người yêu và được yêu chúng ta sẽ không mấy phải lo lắng băn khoăn về việc loan báo Tin Mừng …
Trong một xã hội đề cao tham vọng, tiền tài, lạc thú, chức vị có thể làm cho người tu sĩ bị biến chất nhiều ngay trong chính cuộc sống của mình, chúng ta dễ bị cuốn hút và đánh mất chính mình bởi những thế lực bên ngoài cám dỗ nếu không có một đời sống gắn kết bám rễ sâu vào Chúa. Người tu sĩ được mời gọi trở nên những cánh tay nối dài cho Đức Giêsu là trở nên men nồng rượu mới làm cho mọi người nhận biết Đức Giêsu. Bên cạnh đó chúng ta được mời gọi hòa nhập chứ không hòa tan là dung hòa giữa một đời sống giảng thuyết và chiêm niệm. Mẹ Têrêsa Calcutta mẫu gương thời đại, con người của cầu nguyện và chứng nhân của lòng bác ái, yêu thương. Mẹ say mê Chúa Giêsu thánh thể, mỗi ngày Mẹ dành hai tiếng đồng hồ để chầu Chúa cho dù công việc có bận rộn Mẹ cũng trung thành với chúa nhờ vậy Mẹ có được sức mạnh nội tâm để làm những công việc mà chẳng mấy ai muốn làm là yêu thương, cưu mang những con người xấu số, nghèo hèn, cơ cực.
Có lần Đức Thánh Cha tiếp kiến Mẹ nhưng đang trong lúc Mẹ cầu nguyện, Mẹ vẫn bình tâm gặp Chúa hết giờ, sau đó mẹ mới ra gặp. Cũng nhờ đời sống kết hợp sâu xa thân tình với Chúa mà cuộc đời mẹ luôn ánh lên niềm vui rạng ngời có Chúa hiện diện và là động lực giúp Mẹ phục vụ những chi thể của Đức Kitô với tình thương thực sự của một người Mẹ. Người tu sĩ không ở lại với Chúa sẽ chỉ là hữu danh vô thực mãi mãi không chạm được đến với Ngài cũng như không có chất liệu để truyền tải Chúa cho người khác được.
Có thể nói người tu sĩ hôm nay chất chứa chất chứa trong lòng mình nhiều những phàm trần nên không còn chỗ cho Chúa ngự trị, đó là lý do đáng báo động và là dấu chấm hỏi để chúng ta tự cật vấn lòng mình. Hình ảnh của một người tu sĩ, người môn đệ theo sát Đức Kitô có tiềm tàng trong cõi lòng chúng ta hay không? hay đúng hơn thì giờ này đối với tôi Đức Kitô là ai rồi. Công việc đã cuốn hút người tu sĩ theo chỉ tiêu đạt năng suất hơn là việc ngồi bên chân Chúa như một Maria xưa. Đức Hồng Y Phanxico xavie Nguyễn Văn Thuận Ngài nói: Giữa quả tim và bổn phận chúng ta phải chọn thế nào, chọn bổn phận nhưng làm với tất cả quả tim.
Mọi công việc có thành công, tốt đẹp đến mấy mà không phải xuất phát từ chính Chúa thì chỉ là những niềm vui bên ngoài, nhưng trong tâm hồn lại thiếu vắng sự bình an. Vì thiếu nối nguồn với Chúa GiêSu Thánh Thể, dầu trong đèn không còn nữa. Chỉ khi có một đời sống cầu nguyện mới làm cho mọi công việc chúng ta làm sinh hoa kết trái tốt lành và nên hữu ích cho mọi người.
Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy như hai người môn đệ song hành với Chúa trên đường Emmau khi nói Xin Ngài ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều. Một cách nào đó phá tan ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa luôn dành cho mỗi chúng ta một vị trí trí rất riêng, cá vị trong trái tim của Người, còn về phía chúng ta chúng ta có chỗ đứng nào cho Thiên Chúa ngự trị nơi cung lòng mình. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy nơi đây chúng ta sẽ kín múc được suối nguồn của tình yêu bao la Chúa, một tình yêu không giống như bao tình yêu khác, lặng thầm nhưng mãnh liệt với ngôn ngữ tình yêu không lời nhưng đem lại nguồn bình an vô tận. Ở lại trong tình yêu Người chúng ta như được thêm động lực để gia tăng lòng yêu mến, trông cậy, tin yêu. Ở lại với Người để học bài học của sự hy sinh, tha thứ, bao dung, học bài học của sự hiền lành, khiêm nhường và phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu xin giúp con biết ở lại với Người khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như khi thất bại. Xin giúp con trung thành trong đời sống của người nữ tu là biết sống gắn bó giao phó đời mình cho tình yêu của Chúa. Giữa bao thế sự phù hoa xin gìn giữ con để con không đánh mất chính mình, không tiêu hao lòng yêu mến chúa. Giữa những xao động của nhân thế xin cho con được lòng trông cậy vững vàng mà bám chặt vào thánh giá Chúa để đời không xô đẩy cuốn hút con xa rời tình yêu Ngài. Giữa những cạm bẫy thử thách trăm chiều xin cho con đức tin can trường mạnh mẽ lướt thắng những yếu đuối của bản thân để kiên trì theo bước chân Chúa. Trên hết thảy mọi điều xin cho con biết chọn lựa phần tốt nhất là say mê Thánh Thể Chúa và nhận ra rằng chỉ có Chúa là điểm tựa vững chắc là cứu cánh duy nhất trong cuộc đời để con luôn biết vui thích ở lại trong tình yêu của Người. Amen.
Nt. Maria Kim Phượng
Nguồn: https://daminhtamhiep.net