Sự yên ấm của một gia đình có lẽ là khao khát của rất nhiều người, giữa những khủng hoảng về tương quan tình thân, đang diễn ra ngày một trầm trọng trong xã hội ngày hôm nay.
Trong nhiều gia đình, xung đột và khủng hoảng xảy ra vì vợ-chồng-cha mẹ-con cái không thấu hiểu đủ, khó dung hoà những khác biệt, cha mẹ không cân bằng được giữa công việc và thời gian dành cho gia đình, không đủ kiên nhẫn lắng nghe và không bắt kịp với xu thế của con cái mình, rất nhiều khi, cha mẹ cũng khó để hiểu chúng nghĩ gì và cũng không biết nên làm gì để giúp con cái vượt qua những xáo trộn của lứa tuổi, của tâm lý,… Ở chiều ngược lại, con cái cũng cảm thấy cha mẹ như ở trong một thế giới xa lạ, không thể hiểu hiểu tâm tư, nhu cầu và mong muốn của chúng… Vì thế, chúng không thể mở lòng và không thể chia sẻ.
Cứ thế, mọi người dần xa nhau. Cha mẹ có thế giới riêng của người lớn. Con cái có thế giới riêng của người trẻ. Để rồi, gia đình không còn tiếng nói chung. Và, cuối cùng, gia đình không còn là một mái ấm, không còn là nơi để mọi người muốn quay về ngay cả… khi ngoài kia có quá nhiều giông bão.
Vậy làm thế nào để có thể xây dựng một mái ấm đúng nghĩa? Có lẽ gương Gia đình Thánh mà cả Giáo hội mừng kính hôm nay sẽ là một lối mở cho chúng ta.
1. Nói lời “fiat”
Với cái tôi của mình, thật không dễ để chấp nhận những hoàn cảnh không thuận ý mình và nói lời chấp nhận nhau, ngay cả trong cùng một gia đình. Chúng ta tự do để cái tôi của mình lớn lên mà quên rằng, chính điều ấy đang làm cho bầu khí cần có của một gia đình dần mất đi. Nhưng Gia đình Thánh thì khác.
Thánh Giuse đã nói lời “fiat” của mình trong mọi hoàn cảnh: lúc nhận ra vị hôn thê không còn nguyên tuyền nữa, Ngài vẫn dám nói “xin vâng” để đón Đức Maria về nhà khi được sứ thần cho biết lý do; Ngài cũng đã “vâng” khi được báo mộng đem Hài Nhi trốn sang đất Ai Cập rồi đưa Hài Nhi và mẹ Người trở về đất Ít-ra-en (x. Mt 1,18-24; 2,13-15; 19-21).
Mẹ Maria cũng cất lời “fiat” với Sứ Thần để cho kế hoạch của Thiên Chúa được nên hoàn trọn; và Mẹ cũng âm thầm thưa xin vâng trong mọi biến cố xảy đến với mình qua chính người Con Yêu là Chúa Giêsu, nhất là khi chứng kiến con mình bị dân chúng phản đối, bị môn đệ thân tín phản bội, bị bắt, bị nhục hình và bị chết treo trên Thánh giá (x. Ga 19).
Người con Giêsu cũng cất lời “fiat” trong cuộc sống thường ngày (x. Lc 2, 51); nhất là trong Vườn Cây Dầu (x. Lc 24. 42) và Ngài cũng đã trở nên “vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá” (Pl 2,8).
Từ mẫu gương của ba Đấng Thánh, có thể nói, để xây nên một gia đình an bình và yên vui, cần lắm một tiếng “vâng”, bởi khi ta cất tiếng “vâng”, chính là lúc biết dẹp bỏ đi cái tôi, là lúc diễn tả thái độ chấp nhận sự khác biệt nơi mỗi người, cũng như việc làm của người ấy trong sự tin tưởng hoàn toàn. Và hoa trái của lời thưa “vâng” trong sự tín thác ấy chính là làm mọi kế hoạch của Thiên Chúa được nên trọn và cuộc sống trở nên viên mãn.
2. Diễn tả tình yêu và sự quảng đại
Một tương quan đúng nghĩa luôn đòi sự quảng đại và tình yêu cho đi. Điều này cần thực hành trước hết giữa các thành viên trong một gia đình với nhau.
Thánh cả Giuse là người cha, người chồng đầy tinh tế và biết tôn trọng. Thật thế, khi biết vị hôn thê có thai mà không phải do mình, Ngài đã định từ bỏ Đức Maria cách kín đáo vì muốn bảo vệ danh tiếng, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ. Nhưng khi được sứ thần mạc khải, Ngài đã quảng đại chấp nhận và đón Đức Maria về nhà mình.
Đức Maria cũng chấp nhận vô điều kiện kế hoạch của Thiên Chúa dẫu biết sự chấp nhận “liều lĩnh” ấy có thể khiến Mẹ bị ném đá; bị hôn thê và gia đình ruồng bỏ, bị người đời chê cười… Và cũng vì yêu mà Mẹ quảng đại đón nhận lời đáp của con mình dù không hiểu hết về lời ấy: “cha mẹ không biết con còn phải lo việc nhà Cha con sao” (Lc 2, 49-50).
Chúa Giêsu cũng vì yêu mà quảng đại chấp nhận tất cả và tha thứ tất cả cho nhân loại bội bạc; điển hình là lúc bị treo trên thập giá, Người vẫn cất tiếng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).
Trong gia đình, đôi khi, vợ-chồng-con cái làm điều gì mà ta chưa hiểu hết, ta dễ phản ứng cách thái quá, và dễ xúc phạm lẫn nhau… nhưng Gia đình Thánh dạy ta biết phải kiên nhẫn và quảng đại chấp nhận để có thời gian khám phá ra ý nghĩa nằm sau những biến cố đó. Đây không phải là lối ứng xử theo kiểu “đành chịu” mà là cách cư xử “đầy hy vọng và can đảm”. Hơn nữa, “thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ,…”. Vậy thì lý do gì mà ta không đón nhận người vợ, người chồng, người con hay cha mẹ của ta như họ “là”? Bởi chỉ khi biết dùng tâm thế ấy, khi tự do để biết đón nhận nhau thì bầu khí gia đình mới thật sự trở nên thanh thản và nhẹ nhàng.
3. Can đảm đón nhận trong sự sáng tạo
Cuộc sống gia đình với những nghịch cảnh đôi khi khiến ta ở trong thế “bất lực”, nhưng không vì thế mà ta buông xuôi, cần đón nhận nó trong sự can đảm, từ đó có thể nảy sinh những nguồn lực mà “ta không nghĩ rằng mình đang có”. Đó chính là cách mà một người cha, người mẹ trong gia đình như Thánh Giuse và Đức Maria đã làm. Khi không tìm được quán trọ, các ngài tìm đến chuồng bò để gia đình nhỏ của mình có thể trú chân. Khi phải lang thang nơi đất khách quê người (bên Ai Cập), dù Kinh Thánh không nói gì, nhưng ta đều biết, để một gia đình với đứa con thơ có thể tồn tại, các Ngài sẽ phải tìm nơi để ở, tìm việc để làm, tìm cái để ăn… Và gia đình nhỏ ấy đã trụ vững đợi đến ngày sứ thần báo tin để đưa Hài nhi và mẹ Người trở về đất Israel (x. Mt 2,19-20).
Chúng ta cần xác tín rằng: “Nếu có lúc dường như Chúa không giúp chúng ta, thì chắc chắn không có nghĩa là chúng ta bị bỏ rơi, mà là chúng ta đang được Chúa tin tưởng để tự mình lên kế hoạch, sáng tạo và tìm ra giải pháp”. Đây là cách để giúp gia đình vượt qua nếu bão giông bất ngờ ập tới.
4. Có Chúa là trung tâm
Chúng ta đều biết Gia đình Thánh không còn là Thánh nếu thiếu Đấng Chí Thánh là Chúa Giêsu. Ngài là trung tâm của Gia đình này. Vì Chúa Giêsu nên Thánh Giuse và Đức Maria đều vững vàng vượt qua bao khó khăn, vất vả, cực nhọc và oan khiên trong đời để chăm sóc, bảo vệ và dưỡng nuôi con Thiên Chúa, để Ngài có thể thi hành cho trọn ý muốn của Chúa Cha. Và chắc chắn, người cha nuôi nhân hậu là Giuse và người mẹ dịu hiền Maria đều tìm thấy niềm vui và ý nghĩa qua những hy sinh vất vả của mình.
Gia đình chúng ta cũng thế, sẽ mãi là một mái ấm nhiều niềm vui, tiếng cười và sự an bình nếu có Chúa là trung tâm.
Ước mong mỗi gia đình chúng ta đều đủ tĩnh để cảm, và đều đủ mạnh để trở nên dấu chỉ tình yêu trường tồn của Thiên Chúa giữa những xáo trộn và bấp bênh của cuộc đời này.
* Bài viết sử dụng một số suy tư trong Tông thư Patris Corde (trái tim của người Cha) của ĐGH Phanxicô.
Têrêsa Dung Đinh