Vào một buổi sáng bình yên khi mặt trời chưa thức dậy, cũng như mọi ngày, tôi đang miên man suy nghĩ về những điều đã diễn ra của ngày hôm qua, thì bỗng căn nhà nguyện tối om vì mất điện. Ánh mắt tôi tập trung vào ánh sáng cây nến tỏa ra. Hằng ngày, cây nến vẫn ở đó mà tôi không hề lưu tâm bởi vì ánh sáng của nó bị lu mờ trước ánh sáng của đèn điện. Nhưng lúc này nó thật là giá trị, và đang bị phập phùng bởi những làn gió đã vô tình lục vào căn phòng nhỏ bé này. Trong thứ ánh sáng lờ mờ đó, tôi đưa mắt nhìn ngay bên có lẵng hoa tươi thắm đang khoe sắc với mọi người và tỏa hương thoang thoảng thấm vào lời kinh dâng lên Thiên Chúa. Tôi mới nghĩ suy và đặt câu hỏi thắc mắc, không biết vô tình hay hữu ý mà người ta lại đặt chúng gần nhau, trong khi cây nến và đóa hoa đều làm đẹp cho bàn thờ, đều tôn vinh Chúa và mỗi thứ đều có ý nghĩa khác nhau, nhưng sức nóng của cây nến sẽ làm cho hoa nhanh úa tàn, sẽ mau chóng mất đi mùi hương thanh khiết của nó. Cây nến ấy biểu tượng cho sự sống may mắn và nhiều ý nghĩa khác nữa nưng sức nóng khủng khiếp của ngọn lửa sẽ làm biến đổi những vật ở gần nó.
Ngọn lửa là biểu tượng cho sự sống mãnh liệt nơi mỗi con người. Con người là một kiệt tác vĩ đại của tạo hóa nhưng không phải là tác phẩm hoàn hảo. Trong con người có bao nhiêu mặt tốt đáng ca ngợi nhưng cũng không ít những tật xấu không thể chối cãi, một số tật xấu đó là: “tính nóng giận”. Thật vậy, xã hội hiện đại đã đặt vào vai chúng ta những áp lực không hề nhỏ từ học hành, kinh tế, gia đình, sự nghiệp…đã tạo cơ hội để con vi rút nóng nảy cáu gắt có môi trường phát triển. Mỗi người là duy nhất nhưng không phải là một hòn đảo, con người có xã hội tính, nghĩa là sống có nhau, sống với nhau, sống cùng với nhau. Vì vây, dù muốn hay không cũng không tránh được những va chạm, những hiểu lầm, những lời nói làm chạnh lòng nhau.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, một người hay nóng giận không phải là người đem lại hạnh phúc cho người khác, còn một người đem lại hạnh phúc cho người khác chưa hẳn không bao giờ nóng giận. Vì đôi khi hạnh phúc được vun đắp bằng chính những lúc nóng giận, bởi sau mỗi lần nóng giận mọi người sẽ hiểu nhau hơn. Dù thế nào đi nữa, mỗi người cần kiềm chế cảm xúc của mình, cho dù ai đó làm cho ta bực bội, vì khi nóng giận miệng lưỡi của chúng ta như khẩu đại bác trút lên người khác sự tàn phá của nó, làm cho người khác khổ đau, làm mất sự bình an trong lòng họ. Sự kiềm chế là sức mạnh của một con người, từ thực tế cuộc sống ta thấy quả táo sẽ nhanh hỏng hơn khi đặt nó trong môi trường 40 độ C. Nhưng nó sẽ tồn tại lâu hơn nếu ta đem nó vào tử lạnh. Chúng ta cũng chẳng khác gì quả táo vô tri vô giác ấy, sự nóng giận làm chúng ta tổn thọ, chẳng có lợi gì cho sức khỏe, làm mất mỹ cảm nơi người khác. Dần dần sự nóng giận sẽ làm cho những người xung quanh xa dần ta, khiến ta cô độc lạc lõng giữa dòng đời, họ không muốn làm ăn và chia sẻ với ta cả trong những lúc vui buồn. Tôi đã từng chứng kiến cơn giận của người chồng trút lên người vợ tần tảo bằng những trận đòn dã man, bằng nhưng cuộc tranh cãi nảy lửa chỉ một lý do duy nhất là vợ không sinh được con trai. Người chồng ấy đã bị mấy ông hàng xóm ác ý chọc vào, khiến người chồng không biết trút cơn bực tức vào ai, và vợ là đối tượng cho những cơn giận đó. Sự bực tức đâu có đáng đã làm mất đi niềm tin nơi người vợ, làm giảm sự kính trọng của người cha nơi những đứa con và làm rạn nứt hạnh phúc gia đình. Thực ra chuyện không sinh được con trai đâu có gì lỗi là của người vợ, có đánh, có chửi nữa cũng chẳng thay đổi được gì. Hay một chuyện đáng tiếc khác phát xuất từ sự nóng giận của người cha với cậu con trai của mình bằng những cuộc chửi rủa thậm tệ, cũng không thiếu những đòn roi nơi thể xác trẻ thơ. Dù rất nhớ mẹ, thương các em và day dứt với quê hương nhưng đã phải rời bỏ đi ở tuổi 13 ôm một nỗi hận trong lòng suốt 30 năm. Cậu chỉ trở về khi người cha ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, người con đó chỉ chịu trở về vì tình phụ tử. Cho dù là lý do gì đi nữa, thì 30 năm đó là cái giá quá đắt và không cần thiết. Sự nóng giận làm cho chúng ta mất đi sáng suốt, là con đường ngắn nhất để hủy hoại uy tín, danh dự của mình, thậm chí khiến người ta cò khinh bỉ nữa. Đôi khi sự khinh bỉ còn đáng sợ hơn cả cái chết, bởi nó khiến ta chết ngay khi còn đang sống, chết trong lòng người xung quanh, bởi nó phủ nhận sự tồn tại của ta trong mắt mọi người. Sự nóng giận được ví như cái kéo tự cắt các mối tương quan trong cuộc đời mình và tạo ra những vết thương lòng cho người khác, để rồi cả đời sống trong sự hối hận, đau khổ với biết bao cái “giá mà…” được đặt ra mà không thể cứu vãn được. Cũng có người cho rằng thời gian sẽ là phương thuốc hữu hiệu để chữa lành các vết thương lòng. Tôi đồng ý nhưng chưa đủ bởi nếu người bị thương không đủ mạnh để kháng lại vết thương đó, thì nó sẽ trở thành vết thương di căn không thể chữa trị.
Lòng tôi như trĩu nặng khi nghĩ đến những chuyện như thế và tự nhủ với chính mình, cần phải biết kiềm chế và ý thức hơn trong từng lời nói và hành vi của mình. Biết đâu một lúc nào đó mình sẽ phải hối hận và day dứt. Chúng ta cần đem văn hóa ứng xử vào cuộc sống, để gìn giữ các mối tương quan thật cẩn thận như những viên ngọc quý của đời mình. Sự hiền hòa nơi mỗi con người là điều cần thiết, bởi nó như chất keo vô hình gắn kết tình bạn bè, tình anh chị em, tình phụ tử… Đừng để cơn sóng thần “nóng giận’’ vồ lấy mình và tàn phá cuộc đời của chúng ta. Hãy đem những lời yêu thương vào cuộc đời mình bởi vì hạnh phúc chỉ có khi tình yêu hiện diện, tình yêu chỉ lớn lên trong trái tim người hạnh phúc. Ở đâu có tình yêu ở đó có hạnh phúc.
Reng, reng, reng…Tiếng chuông báo vang lên, tôi giật mình vì điện đã có từ bao giờ mà tôi không biết vì tôi đang chìm trong suy nghĩ. Có tiếng cât lên “ Lạy Chúa Trời xin mở miệng con…”
Tôi đọc kinh mà hình ảnh cây nến đang cháy trong lòng tôi, cây nến kia không phải là cây nến vô tri, nhưng đã nói với tôi phải làm gì khi giận hờn, khi bực tức.
Chỉ mấy phút sau, tôi nghe tiếng cạch cạch…sau đó là tiếng choang, chiếc cốc chắn gió của cây nến đã vỡ thành nhiều mảnh…khiến tôi càng xác tín hơn về những điều mà tôi đã suy nghĩ.
Dấu Chân