Mỗi mùa Chay Thánh về, chúng ta sẽ được nghe bài Thương Khó ít là 2 lần: đó là trong ngày Lễ Lá và trong ngày thứ Sáu của Tam Nhật Thánh. Bài Thương Khó đã kể lại rất nhiều chi tiết từ sự kiện Giu-đa gặp các thượng tế thương lượng để nộp Đức Giê-su cho đến khi Đức Giê-su trút hơi thở và viên sĩ quan thừa nhận Ngài là Con Thiên Chúa (x. Mt 26,14 – 27,66). Tất cả đều được kể lại rất chi tiết, tỉ mỉ và rõ ràng.
Quả thật, trong bài Thương Khó, có rất nhiều sự kiện đáng chúng ta suy gẫm cả đời; ngược lại, cũng có những chi tiết tưởng chừng như vô nghĩa nhưng thực sự lại có ý nghĩa rất sâu sa. Thật vậy, sự thường chúng ta thường hay để ý đến những hành động hay câu nói của Chúa và các môn đệ hơn là của thế lực dữ. Nhưng có một chi tiết của quân lính mang ý nghĩa văn chương và thần học rất sâu sắc mà không phải ai cũng lưu ý dù rất quen thuộc với người công giáo chúng ta. Đó là chi tiết quân lính chia nhau áo Chúa Giê-su.
Khi lược qua bốn sách Tin Mừng ta thấy: cả bốn Tin Mừng đều thuật lại chi tiết quân lính chia nhau áo Chúa Giê-su. Điều này chứng tỏ đây là một chi tiết quan trọng không thể bỏ qua trong cuộc tưởng niệm biến cố Vượt Qua của Ngài. Tuy cách tường thuật có khác nhau nhưng cả bốn thánh sử đều thuật lại dữ kiện quan trọng này để nói lên ý nghĩa sâu sắc ẩn trong hành động chia áo của quân lính. Thật vậy, luật Do Thái thời xưa, sau khi thi hành án, quân lính được phép chia những y phục còn lại của tội nhân để thừa hưởng. Thường thì họ sẽ chia thành 4 phần: mũ trùm đầu, thắt lưng, áo choàng, dép1. Nếu xét về phương diện hữu hình thì đây có vẻ là một hành động bình thường vì cũng như mọi vụ án khác, những người thi hành án có quyền đem chia y phục. Nhưng nếu xét về ý nghĩa văn chương và thần học thì hành động quân lính chia nhau áo Chúa mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Vì tấm áo không chỉ là phương tiện để trang trí, để mặc để che thân nhưng nó còn là yếu tố diễn tả phẩm chất và tư cách của người mang áo đó2 cho nên ai cũng có y phục, Kinh Thánh thuật lại nghèo như anh mù Ba–ti-mê con ông Ti-mê, anh cũng có tấm áo choàng để khi được Đức Giê-su gọi, anh ta lập tức đã vứt áo choàng đến với Người (x. Mc 10,46-52). Thật vậy, tấm áo trong Kinh Thánh nói chung chính là tư cách, phẩm chất Thiên Chúa đặt để trong mỗi người khi tạo dựng nên họ và Thiên Chúa không cho phép ai lấy đi hay xúc phạm và chà đạp họ vì Thiên Chúa chính là chủ sở hữu của họ, chỉ có Ngài mới có quyền trên con người và chính Thiên Chúa đã ra lệnh truyền đó (x. Xh 22,25-26). Cho nên hành vi quân lính lột áo Chúa Giê-su không đơn giản là hành vi lấy đồ để thừa hưởng mà là hành vi mang tính chất nhục mạ nhân phẩm. Đức Giê-su đã bị lột bỏ hết y phục đồng nghĩa với việc Ngài bị lột bỏ những gì là phẩm giá, là giá trị, là tư cách của một con người3.
Đang khi đó, Kinh Thánh cũng cho biết áo Chúa Giê-su đã nhiều lần được diễn tả như là một cách được tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa4. Chính câu chuyện người phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm mà thánh sử Mác-cô ghi lại (x.Mc 5, 25-35) là một ví dụ điển hình. Bà đã bao phen vất vả, tán gia bại sản vì căn bệnh. Khi được nghe biết về Đức Giê-su, bà đã cố gắng để được chạm vào tua áo của Ngài và nhờ việc chạm vào tua áo mà bà đã được chữa lành. Như thế, tấm áo của Đức Giê-su không chỉ mang phẩm giá, tư cách của một con người nhưng còn là yếu tố của quyền năng, của sức mạnh Thần Linh. Tấm áo của Chúa Giê-su quyền năng và cao trọng như thế, ấy vậy mà bây giờ quân lính lột và chia nhau. Điều này nói lên Thiên Chúa đã bị xúc phạm nặng nề từ chính loài thụ tạo, chúng đã không thừa nhận Ngài là Thiên Chúa mà còn tước mất quyền năng và còn nhục mạ Ngài.
Trong biến cố biến hình trên núi Ta-bo (x. Mt 17, 1-9), áo Chúa Giê-su trở nên trắng tinh như tuyết, điều đó biểu thị vinh quang Thiên Chúa và diễn tả ý nghĩa Thần Linh nơi con người Đức Giê-su5. Như vậy, việc lột bỏ và chia nhau áo Chúa cũng là một hình thức chối từ và lột bỏ bản chất Thần Linh của Ngài. Trên Thánh Giá, Ngài đã bị lột trần tức là lột bỏ danh dự, phẩm giá, quyền năng và bản tính của một vì Thiên Chúa. Việc quân lính chia nhau áo Chúa Giê-su thành bốn mảnh là danh dự, phẩm giá, quyền năng của Ngài đã bị lấy đi và sẽ không tái tạo nữa vì chính Ngài đã đích thân đến thế gian rồi6. Dẫu bị chối từ và bị xúc phạm nặng nề đến vậy, Chúa Giê-su vẫn lặng thinh. Ngài đợi chờ sự hoán cải và biến đổi của con người qua sự tự hiến của chính mình.
Đến đây tôi đặt ra cho mình câu hỏi: tôi đã sống thế nào với tư cách là một ki-tô hữu, là một tu sĩ? Tôi có tôn thờ và yêu mến tấm áo Thần Linh của Thiên Chúa cách xứng hợp hay tôi cũng như quân lính xưa, chối từ và lột bỏ bản chất Thần Linh của Ngài? Và khi nhận ra lối sống bất xứng của mình, tôi có thành tâm hoán cải để đáp lại tình Chúa?
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một mẫu gương tuyệt vời là Đức Giê-su – Con Một yêu dấu của Ngài. Đức Giê-su vốn là Thiên Chúa (x. Pl 2,6) hằng sống nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã làm rỗng Mình, đón nhận sự chà đạp, sỉ nhục của tên tử tội để nêu gương tuyệt vời cho chúng con trong sự vâng phục và khiêm nhu. Xin chúng con cũng biết khiêm tốn đón nhận và quảng đại tha thứ như Chúa đã thứ tha mỗi khi phải đối diện với sự xúc phạm, sỉ nhục. Trên tất cả, xin cho chúng con biết làm mọi sự vì lòng yêu mến và kính thờ tấm áo Thần Linh là chính Chúa. Amen
Tâm An
1 X. https://www.youtube.com/watch?v=mVp7yauyxwc&t=509s
2 X. Giáo trình Tin mừng Gio-an, Lm Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R
3 X. Giáo trình Tin mừng Gio-an, Lm Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R
4 X. Chú giải Kinh Thánh của Lm Nguyễn Thế Thuấn
5 X. Chú giải Kinh Thánh của Lm Nguyễn Thế Thuấn
6 X. https://www.youtube.com/watch?v=mVp7yauyxwc&t=509s