Hôm nay, thứ sáu ngày 22 tháng 10 – ngày mà Giáo hội Công giáo Việt Nam chọn để cầu nguyện cách đặc biệt cho đại dịch Covid 19. Cá nhân tôi, tôi cảm thấy như có nguồn động lực thôi thúc và giữ chân tôi ở lại nhà nguyện lâu giờ hơn thường nhật. Tôi thấy nghẹn ngào khi nghĩ về cơn đại dịch Covid 19 và những gì nó gây ra cho toàn nhân loại. Giờ phút này, từ thinh lặng nội tâm, tôi lắng đọng lòng mình và nhìn lại từng biến cố đã xảy ra trong suốt những tháng ngày qua với tư cách là một người còn “ở lại”.
“Covid 19”, cái tên nghe khá đơn giản nhưng nó lại là nguyên nhân làm đau nhói biết bao tâm hồn đã chịu nhiều tổn thương tmà chưa biết khi nào mới có thể hàn gắn được do mãi vắng bóng một ai đó quan trọng trong đời vì nạn dịch này. Covid 19, nó dường như phá tan trật tự xã hội một cách vô thức. Tôi tự hỏi: Tại sao từ một con virus với kích thước vô cùng nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy, đôi bàn tay không thể sờ lại có một sức tàn phá kinh khủng đến như vậy? Nó hiên ngang tồn tại dù không một ai mong muốn. Không những thế, người ta còn rất căm ghé nó và khi nói tới nó, không ít những giọt nước mắt lại trực trào ra dù người ta chưa kịp nghĩ suy. Nó là lưỡi hái tử thần đã cướp đi hang triệu triệu sinh mạng và để lai một nỗi đau khó có ngòi bút nào có thể diễn tả được trong lòng những người “ở lại”.
Lặng nhìn lại hành trình của cơn đại dịch trong suốt hơn hai năm qua, tôi chợt có nhiều tâm sự về nó. Covid 19 đã đến làm đóng băng bao cõi lòng, làm tan vỡ biết bao con tim, làm bao gia đình đang phải sống trong cảnh sinh ly tử biệt, v.v. Nếu theo cái nhìn nhân loại thì Covid đã lấy đi thân xác sẽ có ngày hư nát của rất nhiều người và gieo niềm đau vô hạn nơi nhưng người còn “ở lại”.
Riêng bản thân tôi, ngoài những cảm nhận về những thương tích trong linh hồn và thể xác mà Covid đã gây ra, tôi còn có một vài cảm nhận rất đỗi riêng tư sau đây. Tôi hy vọng nó là chút ánh sáng lóe dọi giữa đêm đen mùa dịch này.
Trước hết, trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ai trong chúng ta cũng đang mải mê tìm kiếm tiền tài, danh vọng mà quên mất mục đích và lý tưởng sống của mình. Hẳn ai cũng đã hơn một lần quên đi sự sống nơi thế gian này chỉ là những giây phút chuẩn bị những hành trang chắc chắn cho cuộc “hành hương về nhà Cha”. Biết bao gia đình có đầy đủ vật chất, cơm dư gạo thừa, nhưng những bữa cơm thân mât có mặt hết những thành viên lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều gia đình, con cái từ lâu đã dần quên với cảnh sống xa bố mẹ chỉ vì lý do mưu sinh. Phải chăng chúng ta đang dần lãng quên những điều quan trọng trong cuộc đời để cố kiếm tìm những thứ hạnh phúc từ những chân trời xa lại nào đó?
Covid đến, bất chợt làm nhịp sống của chúng ta chậm lại. Sau bao tháng ngày miệt mài đèn sách, ra sức bán sức khỏe, trí tuệ để đổi lấy tiền bạc, danh vọng thì hôm nay, những thứ ấy được đổi lại bằng khoảng thời gian quý giá bên cạnh gia đình, người thân. Có lẽ, giờ đây ai trong chúng ta cũng sẽ cảm nhận được rằng: Bến bờ hạnh phúc không phải là một khoảng cách địa lý ở đâu đó xa xôi mà nhưng từ những điều giản đơn trong cuộc sống. Con thuyền mang tên Hạnh phúc không chở theo tiền tài, danh vọng nhưng thứ duy nhất nó chở là Tình yêu. Hạnh phúc giờ này đơn giản chỉ là nhìn thấy nhau mỗi ngày, cùng nhau chia sẻ những bữa ăn gia đình, cùng nhau cười, cùng nhau nói, cùng nhau đọc những giờ kinh gia đình hay cùng nhau hát chung một bài thánh ca để chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh Chúa.
Thứ đến, tình yêu thương được tô đâm hơn, được thể hiện một cách rõ nét hơn khi nạn dịch xảy ra. Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến hàng ngàn linh mục, tu sĩ, thiện nguyện viên đã can đảm dấn thân sống và phục vụ anh chị em trong vùng dịch. Họ là những con người cao thượng, những bông hoa đang tỏa ngát hương tình mến giữa vườn hoa cuộc đời. Khoác trên mình những bộ áo bảo hộ thay vì áo lễ, áo dòng nhưng tôi dám chắc họ vẫn luôn đẹp – đẹp vì họ khoác lên mình tấm áo yêu thương, tấm áo hy sinh, tấm áo của sự nhiệt thành tận tụy,… Có lẽ, những bông hoa ấy đã hơn một lần mỏi mệt vì phải gồng mình lên chống chọi trong cơn đại dịch kinh hoàng này. Nhưng tôi chắc chắn là những điều ấy không bao giờ có thể làm họ gục ngã, không bao giờ có thể dập tắt ngọn lửa tình yêu thương, phục vụ nơi họ. Họ bước đi nhưng không phải một mình, mà họ đi cùng và đi với Đức Kitô. Những lý thuyết về bài học yêu thương trên từng trang giấy mà họ được học nay đã là những nét bút tuyệt vời nhất, đẹp nhất được viết lên trang sử cuộc đời – trang sử Mùa Covid.
Tiếp nữa, Covid đến, chúng ta mới cảm thấy mình cần Chúa biết là dường nào! Và hơn hết, chúng ta biết mình phải luôn sống phó thác trong tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Có người đã chia sẻ với tôi rằng: Trong suốt những ngày tháng giãn cách, họ thấy trong mình bừng lên một niềm khao khát nồng cháy. Họ khao khác được tới nhà thờ, khao khát được tham dự Thánh lễ, khao khát được rước Mình Thánh Chúa như họ vẫn thường làm. Vậy mà,… giờ đây, mọi điều tưởng chừng như giản đơn ấy lại bỗng trở thành một giấc mơ xa vời. Covid đến như tiếng chuông làm bừng tỉnh những cõi lòng xa Chúa. Tôi cảm nhận được rằng: Có lẽ nhờ Covid, họ mới cảm nhận được từng nhịp tim hơi thở của họ luôn cần tới Chúa. Nếu như trước đây, họ vẫn đứng xếp hàng giữa đoàn người lên rước lễ như một thói quen thì hôm nay chính họ, từ thẳm sâu trong tâm hồn họ cảm thấy “khát” Chúa. Nghe tới đây, lòng tôi như được sưởi ấm lại bởi lẽ thay vì ngồi than trách không thấy hình bóng Chúa trong đời, họ lại cảm thấy cần Chúa hơn bao giờ hết. Tôi thầm ước, chớ gì mỗi người chúng ta luôn biết “khát Chúa” trong từng giây phút cuộc đời chứ không phải chỉ trong cơn đại dịch này mà thôi.
Đó là một vài cảm nhận của tôi khi đại dịch xảy ra. Cám ơn bạn vì đã kiên nhẫn đọc tới những dòng chữ này. Kết thúc ngày thứ 6 vô cùng ý nghĩa – ngày mà cả Giáo hội Công giáo Việt Nam dành để cầu nguyện cho đại dịch, tôi nguyện ước tất cả chúng ta đều biết bám chặt vào lòng thương xót của Chúa. Đặc biệt, luôn biết nhận ra hình bóng Chúa trong cuộc đời của mình như lời Thánh Vịnh 72 đã viết: “Thật con ở với Chúa luôn/ Tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời.”
Thầm Lặng – Thỉnh Sinh