“Đau khổ lớn nhất là đau khổ xuất phát từ những tương quan giữa con người với nhau. Sống cận kề bên nhau không phải lúc nào cũng dễ dàng: cũng những con người ấy, những gương mặt ấy, suốt cả cuộc đời…”[1] Quả thật, những thói hư, tật xấu, tính ghen ghét, đố kỵ con người thường gây cho nhau là di chứng của tội Tổ tông truyền lại. Tội lỗi đã đi vào thế gian làm mất đi mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, con người với vũ trụ vạn vật và với chính mình. Điều dễ nhận thấy trong cuộc sống là con người dễ tức giận, thường “đá thúng đụng nia” hay “giận cá chém thớt”…
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?
Như đã nói, bản tính con người đã bị hư hoại do nguyên tổ. Chính vì thế, đã là người, ai mà chẳng có lúc sai lỗi. Lầm lỗi với chính mình và với người khác, dù vô tình, hoặc cố những lầm lỗi ấy đều để lại những “vết thương lòng”. Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho điều này. “Có một cậu bé hay phạm lỗi và gây gổ với người khác. Người cha của cậu bé thấy thế liền nghĩ ra một cách và nói với cậu: Mỗi lần con phạm lỗi và làm cho người khác tức giận, con hãy đóng vào bảng rào ngoài kia một cái đinh. Thời gian cứ thế trôi qua, người cha quan sát thấy hàng rào đã chi chít những chiếc đinh mà cậu con trai đóng vào. Ông liền nói với cậu bé : con hãy nhổ hết những chiếc đinh con đã đóng vào hàng rào ngoài kia đi. Cậu bé thấy thật khó hiểu nhưng cũng làm theo. Khi cậu bé đã lần lượt nhổ hết những chiếc đinh khỏi hàng rào, người cha tiến lại và nói với cậu: con xem thấy không, trước khi con đóng những chiếc đinh, hàng rào thật đẹp đẽ. Còn bây giờ, nó thật xấu xí vì những lỗ đinh còn lại trên đó. Cũng vậy, khi con phạm lỗi với người khác, con cũng sẽ để lại cho họ những vết thương còn mãi trong lòng”.
Mỗi người chúng ta có thể đã nhiều lần xúc phạm đến người khác, dù đã làm hòa, ta vẫn còn để lại nơi họ những vết thương. Qua thời gian, vết thương rồi cũng sẽ lành, nhưng vết sẹo thì vẫn còn như một lời nhắc nhở về quá khứ lỗi lầm ta đã gây ra. Chính sự nhức nhối ấy khiến ta thật khó mà tha thứ và cho qua những xúc phạm người khác gây cho mình. Người đời có câu : “Anh hùng trả thù mười năm chưa muộn”, là có ý nói về điều đó. Có người cứ giữ mãi trong lòng hận thù của quá khứ, nên chẳng có gì là lạ khi có cơ hội thuận tiện là sự tức giận sẽ trực trào và tung hoành.
Là con người, ai cũng có những sĩ diện riêng của mình; hoặc cũng có thể vì ghen tương, vì cầu toàn mà họ luôn tỏ ra mình phải hơn người khác, mặc dù thực tế chưa chắc đã phải là như vậy. Đến đây, người viết chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn: “Hai con dê qua cầu”. Vì con nào cũng muốn qua cầu trước, nên không con nào chịu nhường con nào, kết cục là hai con đều rơi xuống vực thẳm. Thực tế cuộc sống cho ta thấy, những người có tính cầu toàn thường đòi hỏi người khác luôn phải làm tốt công việc được giao theo ý họ, mọi sự phải “xuôi chèo mát mái”. Nếu không được như vậy thì tỏ ra bực dọc, khó chịu, nhất là những người “bề dưới” của mình không hoàn thành, hay hoàn thành chưa tốt việc được giao. Và thế là, sự xung đột hình thành, gây ra cãi vã, lớn tiếng, thậm chí nguyền rủa lẫn nhau… Vết thương trong những trường hợp này thường lớn và khó có thể được chữa lành.
Ngoài ra, còn một loại vết thương nữa do tính ghen tương đố kỵ gây ra. Nguyên nhân là do sự khó chịu khi thấy người khác thành công trong học tập và công việc họ được giao. Thậm chí, có khi chỉ vì thấy người khác được giao công việc mà ta có thể làm được, nhưng lại không có cơ hội, hoặc đơn giản vì người kia có khả năng hơn mình. Họ không chịu nhìn nhận khả năng thực sự của mình cũng như của người khác. Sự đố kỵ khiến người này không biết phát huy thế mạnh mà Chúa ban cho mình, vì chỉ chăm chú soi xét, bới móc người khác.
Nhịp sống trong xã hội hiện đại thay đổi nhanh đến chóng mặt, có những giá trị luân lý, văn hóa, truyền thống đạo đức tốt đẹp bị bỏ qua chính vì vậy nảy sinh những mâu thuẫn và chênh lệch. Nơi bản thân con người thường thấy xuất hiện sự thiếu quân bình…, gia đình, cộng đoàn xuất hiện nhiều rạn nứt”[2]. Từ đó, “phát sinh những ngờ vực và thù địch nhau, xung đột và thống khổ mà chính con người vừa là nguyên nhân, vừa là nạn nhân”[3]. Vì thế, “thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh lại vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất và cả những điều xấu xa nhất (…); là huynh đệ hoặc hận thù”[4]. Con người còn luôn bị giày vò, tra vấn về những vấn đề, những chênh lệch trong thế giới mà mình là thành phần trong đó; và tình trạng ấy gắn liền với tình trạng mất quân bình cơ bản hơn nằm trong tận đáy sâu lòng người[5]. Thật vậy, ngay chính trong con người chất chứa nhiều yếu tố xung khắc nhau, họ vừa cảm thấy mình có nhiều giới hạn, vừa cảm thấy những khát vọng vô biên và được mời gọi vươn tới cuộc sống cao cả hơn. Con người cũng phải đứng trước những chọn lựa và từ bỏ, và chính vì tội lỗi và bản tính đã bị tổn thương, nên nhiều khi con người làm những điều mà không muốn và lại không làm những điều mình muốn làm [6]; điều ấy đã phản ánh rõ thực trạng con người và tâm hồn họ trong thế giới hôm nay. Hơn nữa, họ còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi những ý thức hệ[7], những “ấm ức” của cuộc sống bị dồn nén, hay sự chai lỳ của cảm xúc khi đã bị áp lực quá nhiều.
Như thế, con người không những tự gây ra cho mình những đau khổ, những vết thương lòng, mà còn “nhân” ra cho mọi người như một thứ virus lây lan cách mãnh liệt, nhất là trong thế giới hôm nay, một thế giới tự do và “phóng túng”. Vậy đâu là phương thuốc chữa trị căn bệnh ấy? Chữa lành những vết thương ấy? Đó chính là sự tha thứ.
Tha thứ trước hết là sự cho đi. Quả thật, “cuộc sống con người hạnh phúc hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc họ sống thế nào, tùy thuộc vào việc họ sống cho mình hay cho người khác?[8]. Nếu ai chỉ biết sống cho mình và giữ lại tất cả cho mình, thì cũng như một cái ao tù. Họ giữ lại cho mình những “cặn bã”, những thứ “ ô uế”. Họ không chịu để mình được tươi mới bởi những dòng nước mát lành luôn chuyển và tái sinh. Để rồi, một ngày nào đó, sẽ chẳng có ai dám đến gần và ít có loại sinh vật nào có thể sống ở đó. Còn người biết sống cho đi vì người khác, sẽ như một cái ao nước ra vào liên tục, hay như những dòng sông luôn biết đón nhận nước từ đầu nguồn, và rồi hiến tặng những dòng nước ấy cho biển khơi, và những hạt phù sa cho đất đai được phì nhiêu. Cứ thế, dòng sông được tươi mới và biết bao những “sinh vật lúc nhúc” sống trong nó.
Tha thứ cũng là biết sống và chia sẻ với người khác. Từ đó, ta nhận ra chính mình và những lỗi lầm, thiếu sót của mình. Quả thật, càng gần tha nhân bao nhiêu, ta càng nhận ra và gần mình bấy nhiêu. “Chỉ khi ra khỏi chính mình với cái nhìn chật hẹp của mình, ta mới tìm lại được bản thân ; chỉ qua tha nhân, qua sự hiện diện bên tha nhân mà ta mới tìm lại được chính mình”[9]. Hay nói cách khác, tha nhân chính là tấm gương để ta soi vào và nhận ra chính mình.
Vậy ta phải tha thứ thế nào?
Như đã nói, tha thứ chính là phương dược chữa trị cho những thương tổn mà ta đã gây ra cho người khác và cho chính mình, cũng như những thưởng tổn mà tha nhân đã gây ra cho ta. Chỉ khi tha thứ, ta mới có được sự bình an đích thật, sự bình an của Chúa, chứ không phải là sự bình an giả tạo chóng qua của việc tha thứ nơi “đầu môi chót lưỡi”. Chính Chúa Giê su cũng đã dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác đến “bảy mươi lần bảy”[10], chứ không phải là bảy lần như môn đệ Phêrô từng nghĩ. Sự tha thứ mà Chúa muốn ta thực thi là sự tha thứ mãi mãi, sự tha thứ trong Tình yêu. Tha thứ cùng với tình yêu sẽ chữa lành những vết thương và những vết sẹo của nó, vì “ ở tận đáy của mọi lý do gây ra thương tổn và đau khổ, thậm chí vượt xa hơn cả tội lỗi, là tình yêu. Tình yêu, câu trả lời duy nhất cho mọi vấn nạn đau khổ, thậm chí vượt xa hơn cả tội lỗi, là tình yêu. Tình yêu, câu trả lời duy nhất cho mọi vấn nạn đau khổ và tổn thương”[11]
Thực tế cuộc sống cho thấy, những vết thương và sự đau đớn từ sự xúc phạm của những người thân yêu của ta chắc hẳn sẽ tăng lên nhiều phần, và nếu nó đến từ những người đúng ra đứng về phía ta thì nỗi đau ấy lại càng lớn hơn, và sự tha thứ lại càng trở nên khó khăn hơn. Vì khi ấy, niềm tin của ta dường như bị “đánh cắp”, ta có cảm giác bị phản bội, và nỗi đau sẽ tăng lên gấp đôi, sự tha thứ lại cần tăng lên gấp nhiều lần. Lúc này ta có một người bạn, một người Thầy để ta nương tựa và là Đấng trợ lực cho ta. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Chính Người cũng đã bị xúc phạm, bị sỉ vả, bị khinh thường. Hơn thế nữa, Người còn bị phản bội bởi chính người môn đệ thân tín của mình, thử hỏi, còn nỗi đau đớn nào lớn hơn nữa? Thế nhưng, Chúa vẫn yêu, vẫn tha thứ, không những thế, Người còn yêu thương và tha thứ “cho đến cùng”. Nhờ có Người, mọi đau khổ và thương tích được thánh hóa, “Người đã mang mọi thương tích, để anh em được chữa lành”[12], vì Người mang tất cả vào thập giá. Chính vì thế, ta cần sẵn sàng và có khả năng thánh hóa bất cứ đau khổ nào mà Thiên Chúa để ta trải qua[13]. Mọi đau khổ, ít ra đều có nguồn gốc xa xôi của nó nơi tọi A-đam[14]. Vì qua A-đam, mà tội lỗi và sự dữ đã xâm nhập vào thế gian. Thế nhưng, nhiều phần đau khổ lại là hành động của ta, khi ta để mình nằm ngoài chiếc áo bảo vệ của Thiên Chúa ; nó còn là hành động của những người khác, những người có lẽ tìm cách áp đặt ý chí tự do của họ trên ta[15]. Do vậy, ta cần thánh hóa chính mình và thay đổi chính bản thân mình, vì nếu ta muốn mọi việc thay đổi, ta cần bắt đầu với việc thay đổi bản thân[16]. Và hơn nữa, ta có thực sự muốn thay đổi hay không?[17]
Như vậy, thế giới hôm nay dường như coi trọng tự do như một giá trị tuyệt đối trên cả sự thật… nhiều lúc, người ta xem nhẹ giá trị này đến độ mẫu thuẫn với cả sự thật[18]. Con người không còn phụ thuộc vào sự thật nữa, mà là người tạo ra sự thật[19]. Chính vì thế, con người đã tự tạo ra những đau khổ và những vết thương cho mình cũng như người khác, thậm chí có cả những vết thương và đau khổ mà người khác gây ra cho mình, để rồi thánh hóa tất cả và treo lên cây thập giá của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chịu đau khổ tột cùng, nhưng đã yêu đến tận cùng. Quả thật, tổn thương và đau khổ không được hiến dâng là những cánh cửa tiềm tàng hé mở cho Sa-tan ; thánh hóa đau khổ, can đảm đón nhận bằng cách khổ đau vì Chúa Ki-tô, với Đức Ki-tô và qua Đức Ki-tô. Hơn nữa, chính những đau khổ và vết thương ấy đã được thánh hóa sẽ đem lại cho ta ơn Cứu độ. Và hãy luôn nhớ lời Chúa dậy tha thứ, yêu thương cả kẻ thù, “hãy chúc lành, chứ đừng nguyền rủa”[20] ; vì ngôn ngữ duy nhất của nhân loại là tình yêu, chính từ tình yêu mà mỗi con người được sinh ra. Hơn nữa, mục đích chính yếu của người Ki-tô hữu là “nên thánh”. Để nên thánh, ta phải bắt đầu ngay cuộc cách mạng lật đổ cái tôi, từng phần và từng bước… ; nghĩ đến người khác như cái “mình” khác của tôi”, “mình” nên thân thiết với tôi, khác nên không thể như tôi. Hơn nữa, ta hãy nhìn họ trong Chúa. Tóm lại, nên thánh phải yêu thương và chấp nhận người khác[21]. Và đó là mở ra, mở ra không phải chỉ là điều kiện nên thánh, mà còn là đòi hỏi cho trưởng thành cảm tính.
Goretti Nắng Hanh
[1] Conrad De Meester, Hai bàn tay trắng, Thái Văn Hiến chuyền ngữ, NXB Đồng Nai, 2019, tr 49.
[2] GS. S.8.
[3] Ibidem.
[4] GS. S. 9
[5] x. Gs. S.10.
[6] x. Rm 7,14.
[7] x. Mattheu Kelly, Tái khám phá đạo Công giáo, ĐCV Bùi Chu chuyển ngữ, NXB Tôn giáo, Tr. 17-50.
[8] Jnm. Nguyên Phương, Sống cho và nhận, tr. 147.
[9] x. Joseph Ratzinger, Đức tin Ki-tô giáo hôm qua và hôm nay, NXB Tôn giáo, 2009, tr. 247.
[10] x. Mt 18,22
[11] John La Briola, Cuộc chiến thiêng liêng, Lm. Minh Anh dịch, NXB Hồng Đức, 2014, tr. 147.
[12] 1Pr, 2,24
[13] x. John La Briola, ibid, tr. 145.
[14] Ibidem.
[15] Ibidem.
[16] Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV, Tân phúc âm hóa đau khổ trong cuộc sống, NXB Tôn giáo, 2019, tr. 440.
[17] x. Mattheu Kelly. Ibid, tr. 440.
[18] x. Equipes Notre-Dame-Italia, Tình yêu hôn nhân, Louis Nguyễn Anh Tuấn dịch, NXB Phương Đông 2008, tr. 5.
[19] x. Ibid, tr.6.
[20] x. Lc 6,27; x. 1Pr 3,9; x. Rm 12,14.
[21] Hoành Sơn, Thần học thiêng liêng, tập 1, Tòa TGM Tp HCM, 1997, tr. 112.
Bình luận