Trong kinh cầu thánh Giuse, sau khi đã nêu lên các chức vụ mà Người đảm nhận trong tương quan với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu (từ số 4 đến số 8), cũng như tuyên dương các nhân đức của Người (từ số 9 đến số 16), Giáo hội kêu cầu Người như là mẫu gương cho giới lao động và gia trưởng (số 17 và 18), và kẻ bảo trợ (bổn mạng, quan thầy) của người sống trinh khiết cũng như những người lập gia đình; những người lầm than cơ cực, những người bệnh tật ốm đau, những người lâm tử, và kết thúc với danh hiệu là “bổn mạng của Hội thánh”. Chắc chắn là không ai dám kêu cầu Người như là bổn mạng của những người ngủ, bởi vì thường cái ngủ mang nghĩa tiêu cực. Kinh thánh, đặc biệt là Tân ước, đầy những lời cảnh báo các tín hữu hãy tỉnh thức, chứ đừng mê ngủ, kẻo khi Chúa quang lâm họ sẽ không được vào dự tiệc (xem các dụ ngôn trong chương 24-25 của Matthêu). Ngủ tượng trưng cho tối tăm, chết chóc, hình ảnh của tội lỗi; đang khi các tín hữu là con cái của sự sáng, cần phải tỉnh thức hoạt động.
Tiếc rằng ít người nghĩ tới khía cạnh tích cực của cái ngủ. Tin mừng có lúc kể lại Chúa Giesu ngủ, và đặc biệt thánh Giuse đã ngủ và nhận được các thị kiến lúc ngủ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã “quảng cáo” cho bức tượng thánh Giuse thiếp ngủ. Nếu biết khám phá giá trị tích cực của cái ngủ, chắc chúng ta có thể kêu cầu Người làm bổn mạng những người ngủ, cũng như bổn mạng “những kẻ mong sinh thì”. Và chúng ta cũng có thể xin Người chuyển cầu cho chúng ta được “ngủ ngon” (cách riêng những người mắc bệnh “khó ngủ”)! Chúng ta sẽ bàn hai điểm: 1/ Giá trị cái ngủ theo Kinh thánh. 2/ Xin ơn ngủ ngon.
I. Cái ngủ trong Kinh thánh: giá trị tích cực
Dĩ nhiên, Kinh thánh (cũng như văn chương các dân tộc) đầy những lời chỉ trích những kẻ mê ngủ, tượng trưng của hạng người lười biếng, vô tâm, thiếu trách nhiệm! Tuy vậy, chúng ta hãy đi tìm những đoạn văn nói lên giá trị tích cực và thánh thiêng của giấc ngủ. Chúng ta sẽ lần lượt rảo qua một vòng Cựu ước và Tân ước.
A. Cựu ước
Giấc ngủ được coi như khung cảnh thuận tiện nhất để Thiên Chúa mặc khải cho con người. Thời xưa, người ta hình dung Thiên Chúa như là Đấng Cao Cả, Siêu việt, cách xa thế giới loài người. Ai dám đến gần Thiên Chúa thì sẽ có nguy cơ bị tiêu vong. Vì thế không lạ gì mà giấc ngủ được coi là “môi giới” để Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa mặc khải ý định của ngài trong giấc ngủ của con người.
Ngay từ chương hai của sách Sáng thế, ta đã thấy Thiên Chúa cho ông Ađam thiếp ngủ, để Ngài có thể can thiệp dựng nên bà Eva, mẹ các chúng sinh (St 2,21-22)[1].
Chuyện Thiên Chúa tỏ ý định qua giấc ngủ trở thành rõ rệt trong cuộc đời của ông Giacób (St 28,10-22). Giấc mơ này được Tin mừng thứ bốn lấy lại để diễn tả mầu nhiệm Nhập thể (Ga 1,51). Đặc biệt, tổ phụ Giuse được mệnh danh là người “mộng mị” bởi vì qua các giấc mộng ông đã nhận ra ý định của Thiên Chúa đối với ông và đối với dân tộc (St 37,5-11).
Cậu bé Samuel đã nhận được một cảm nghiệm đặc biệt đang khi ngủ; tuy nhiên, Thiên Chúa bày tỏ ý định của Ngài sau khi đã đánh thức cậu tỉnh dậy (1Sm 3,11-12). Nhưng khi thi hành chức vụ ngôn sứ, ông Samuel đã được Thiên Chúa bày tỏ ý định của Ngài đối với vua Saul trong một giấc mộng (1Sm 15,16). Vua Salomon đã được Thiên Chúa báo mộng về tương lai của mình (1V 3,5-15).
Với các sách khôn ngoan và khải huyền, giấc ngủ trở nên nơi ưu tuyển để Thiên Chúa mặc khải ý định cứu độ Israel (chẳng hạn sách Đaniel). Giấc ngủ được coi như phần thưởng dành cho người công chính, thay vì cái chết được xem như án phạt tội lỗi.
B. Tân ước
Trong Tân ước, thánh Matthêu là tác giả chú ý cách riêng đến giấc mơ: Thiên Chúa mặc khải ý định trong giấc mơ. Thiên Chúa mặc khải ý định chọn thánh Giuse làm dưỡng phụ của Chúa Cứu thế qua giấc mơ (1,20). Việc đưa thánh gia sang lánh nạn bên Ai cập (2,13) và rồi từ đó trở về Nazareth (2,19) được Thiên Chúa tỏ lộ cho thánh Giuse qua giấc mơ. Ba nhà đạo sĩ cũng được tiết lộ đường hồi hương qua giấc mơ (2,12). Thậm chí, bà vợ quan Philatô cũng nhận được một tin từ trời trong giấc mơ (Mt 27,19)
Như vậy thánh Giuse cũng có điểm tương tự với tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Điều khác biệt là tổ phụ Giuse đã thuật lại giấc mơ cho người khác, còn thánh Giuse giữ kín trong lòng, chẳng nói với ai, kể cả với Đức Mẹ. Người tỏ ra không những là kẻ thầm lặng, mà còn như kẻ mau mắn thi hành ý Chúa. Như vậy giấc ngủ là nơi tỏ lộ ý Chúa, mà cũng là nơi phân định, đón nhận hoặc khước từ ý Chúa.
Tin mừng kể lại nhiều lần Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện lúc đêm tối, khi mọi người đã ngủ. Tuy vậy. Tin mừng cũng có lần kể lại Chúa ngủ trên thuyền, đang khi các môn đệ đang chèo chống với bão tố (Mt 8,24). Có lẽ ý nghĩa của giấc ngủ này được chính Chúa giải thích trong dụ ngôn về người gieo giống. Anh ta gieo giống, rồi về yên trí nằm ngủ, để cho hạt giống tự nó đâm bông nảy lộc theo kế hoạch của Chúa, ngoài sự tính toán của anh. “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết” (Mc 4,26-27).
Thánh Phaolô không ngừng nhắc nhở các tín hữu hãy tỉnh thức cầu nguyện, đừng ngủ mê (1Tx 5,5-7; Rm 13,12), nhưng tiếp đó Người cũng khuyến khích rằng: “Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dù thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người” (1Tx 5,9-10: đoạn Sách thánh đọc trong giờ Kinh Tối ngày thứ hai). Như vậy là chúng ta có thể ngủ với Chúa Kitô, chứ đâu có ngủ một mình!
Chưa hết, trong sách Tông đồ công vụ, Thiên Chúa đã nhiều lần mặc khải cho ông Phaolo ban đêm trong các thị kiến (Cv 16,9; 18,9; x. 23,11). Cũng trong sách đó, ta thấy nhiều lần thiên sứ của Chúa hoạt động vào ban đêm (Cv 5, 19; 12, 7; 27, 23)!
Dù sao, thánh Phaolô đã du nhập một thuật ngữ mới vào văn chương Kitô giáo, đó là: những người ly trần (qua đời) được gọi là những người “an giấc” (koimethentes: 1Tx 4,13-17), nghĩa là những người ngủ, chờ Đức Kitô đánh thức dậy (nghĩa là cho chỗi dậy). Từ đó nơi mai táng các tín hữu được gọi là koimeterium: phòng ngủ (dịch ra tiếng Anh là “cemetery”), chứ không phải là necropolis theo văn hóa Hy lạp hay “nghĩa địa” theo văn hóa Việt Nam.
II. Xin ơn ngủ ngon
Từ những suy tư trên đây, chúng ta nhận ra ý nghĩa thần học của giấc ngủ. Giấc ngủ là nơi Thiên Chúa mặc khải ý định của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta hãy rút lui vào nơi tĩnh mịch thanh vắng để lắng nghe tiếng Chúa.
Mặt khác, giấc ngủ còn biểu lộ thái độ tín thác của người tín hữu, phó thác mọi sự trong tay Chúa. Thái độ này là một ân huệ mà chúng ta hãy khiêm tốn cầu xin cách thường xuyên chứ không phải chỉ khi nào trằn trọc mất ngủ. Tâm tình này được biểu lộ nơi nhiều thánh vịnh. Chẳng hạn thánh vịnh 127 (1-2): “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không gìn giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm. Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng”, hoặc thánh vịnh 131 (câu 2-3): “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm”. Không lạ gì mà vào giờ Kinh tối I các ngày chúa nhật và lễ trọng, phụng vụ đã đọc thánh vịnh 4, gói ghém các tâm tình ấy: “Hãy run sợ và đừng phạm tội nữa, trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh. Hãy tiến dâng lễ tế như luật truyền, và tin tưởng vào Chúa. Biết bao kẻ nói rằng: Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc? Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhanNgài trên chúng con. Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc hơn khi thiên hạ được mùa, lúa rượu đầy dư. Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4, 5-9). Thực ra tư tưởng này đã được nói trong một thánh vịnh liền trước đó: “Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ, rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi chẳng còn phải sợ lũ người đông vô số đang vây bọc quanh tôi” (Tv 3,6-7). Để kết thúc, xin thêm một lời cầu nguyện nữa trích từ thánh vịnh đọc vào kinh tối ngày thứ năm: “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. Vì thế tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn” (Tv 15,7-9).
Đến đây, chúng ta có thể yên trí kết luận: “Thánh Giuse là bổn mạng những người ngủ, cầu cho chúng con”.
Phan Tấn Thành
nguồn: Trung tâm học vấn Đa minh