“Khi kêu gọi người Ki-tô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì ‘ở đây chúng ta khám phá ra một quy luật sâu xa của thực tại, đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tùy theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo’”.1
Vâng! Đó cũng là điều mà tôi đang muốn nói đến sau những ngày tôi được cùng với Thánh Phao-lô đi qua những hành trình truyền giáo đầy gian nan của Ngài.
Những ngày thường huấn đó để lại trong tôi nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá về việc truyền giáo sau khi tôi được học về Thánh Phao-lô, vị tông đồ của dân ngoại. Qua khóa học, tôi nhận ra truyền giáo không chỉ đơn giản chỉ là nói thật hay, giảng thật cuốn hút về Chúa như tôi vẫn thường nghĩ, mà việc truyền giáo đôi khi đòi hỏi những nhà truyền giáo phải hy sinh thậm chí cả chính mạng sống của chính mình.
Từ lối giảng dạy mộc mạc, đơn sơ cùng những lời lẽ đơn giản, bình dị của Dì Tê-rê-sa làm cho tôi thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn khi học một khối lượng kiến thức đồ sộ. Giờ học trở nên vui tươi, không còn bị gò bó, căng thẳng. Những giờ học cho tôi hiểu rằng để trở thành một nhà truyền giáo, trước tiên tôi được mời gọi trau dồi những phẩm chất thừa sai cho mình, để chất truyền giáo trở nên thấm nhuần cả con người mình, từ suy nghĩ, tâm tình, nói năng và hành động. Một nhà truyền giáo nhiệt thành là người có tấm lòng “tông đồ”, một con tim bừng cháy ngọn lửa, cảm thấy mình bị thiêu đốt, không thể không làm, không thể trì hoãn, không thể ngồi yên khi hàng tỉ người chưa nhận biết Chúa và tin theo Chúa.
Thánh Phao-lô đã diễn tả tâm tình này khi nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Có lẽ vì đã thấm nhuần Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô nên thánh nhân dành trọn cuộc đời của mình cho việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, đặc biệt là những nơi mà Thiên Chúa chưa được nghe nói đến bao giờ. Ngài đã sống và nhiệt thành vì Tin Mừng cho dù biết phía trước luôn có những chông gai, chống đối, bắt bớ, tù đày thậm chí là cái chết đang chờ đón. Nhưng với một lòng tin tưởng, phó thác, Thánh Phao-lô đã bước đi với tất cả lòng yêu mến. Và ngài đã sống triệt để tình yêu mến ấy đến nỗi người có thể nói rằng: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20) và ngài “coi tất cả là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô, ngài coi tất cả như rác để được Đức Ki-tô” (Pl 3,8).
Tôi đã tự hỏi làm sao một con người như Phaolo lại có thể trở thành một người sống chết vì Thiên Chúa, vì Tin Mừng? Đó có phải là điều mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước hay không? Để trở thành một môn đệ của Chúa, không ít vị thánh đã phải trải qua những biến cố để được biến đổi và thánh Phao-lô cũng không ngoại lệ, ngài đã được Chúa biến đổi trên đường đi Đa-mát, để từ đó, từ một con người ngày đêm đi bách hại đạo Chúa giờ đây trở nên nhiệt thành, hăng say truyền giảng đạo Chúa.
Biến cố Đa-mát đã làm cho Phao-lô hoàn toàn trở nên một con người mới, Phao-lô giống như được sinh ra thêm một lần nữa và lần này do bởi Thần Khí. Trong suốt những năm tháng miệt mài với việc loan báo Tin Mừng, Phao-lô dường như quên đi chính con người của mình, với ngài giờ đây chỉ có Đức Ki-to là nguồn sống và ngài luôn ý thức được vai trò của mình chỉ là người giới thiệu và loan báo, những điều còn lại là do ơn của Chúa: “Tôi trồng, A-pô-lô tưới nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6) và ngài làm được gì cũng là do Chúa (1Cr 15,10).
Có câu nói rằng: “Không ai cho cái mà mình không có”. Cũng thế, làm sao ta có thể nói về Chúa khi chính chúng ta mơ hồ hay hoài nghi về Ngài? Người tu sĩ Đa-minh sẽ nói về Chúa như thế nào nếu không có một đời sống cầu nguyện liên lỉ với Chúa? Nói về Chúa thế nào nếu như chính đời sống của mình không là một tấm gương sáng? Ước mong mỗi chúng ta cũng biết noi gương Thánh Phao-lô tông đồ, trở thành những nhân chứng cho Tin mừng của Chúa qua đời sống thánh thiện và gương sáng của mình, bởi: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy hoặc nếu họ nghe thầy dạy thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”2
Maria Thu Huyền
1 Tông huấn Evangelii gaudium, số 10.
2 ĐGH Phaolo VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 41.