“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).
Xã hội ngày càng hiện đại, càng phát triển thì con người ta càng muốn cho mình cái quyền tự do mà không cần quan tâm người khác nghĩ gì, họ sống theo kiểu “sống chết mặc bay” chỉ cần TÔI an toàn là đủ. Vì thế, khi cơn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam và nhất là tại Sài Gòn thân thương, tôi đã được nghe và đọc những bài viết chia sẻ về việc người ta nhìn những người bị nhiễm bệnh Covid-19 như một “kẻ bị nguyền rủa, bị chúc dữ”, thâm chí có những người còn nghĩ là do họ đã ăn ở không tốt nên bị quả báo, bị trời trừng phạt. Đó là lý do không ít người đã bị hắt hủi, bị cô lập dẫn đến việc bệnh tình của họ càng xấu đi dù rằng họ là những người trẻ. Tuy nhiên, trong dịp được đi thiện nguyện giữa cơn dịch Covid-19 vừa qua, những suy nghĩ ấy đã thay đổi, tôi thấy cái TÌNH vẫn còn đó, nhất là nơi .
Bệnh viện nơi mà tôi phục vụ, có may mắn hơn một số bệnh viện khác là người thân của các bệnh nhân được đến để chăm sóc. Nhờ vậy mà tình hình chuyển biến giữa bệnh nhân có người nhà chăm sóc và bệnh nhân không có người thân thật khác biệt. Chứng kiến tình tương thân tương ái của các bệnh nhân, họ đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn đau đớn mà cơn bệnh mang tới, nhất là giữa những thân và giữa người chồng, người vợ làm tôi thấy ấm lòng về một thứ tình cảm gia đình quá đẹp nơi đây. Nhìn sự chăm sóc của họ dành cho nhau, tôi có một cái nhìn khác hơn về hôn nhân và gia đình thời hiện đại, vì tôi thấy lời thề ước hôn nhân Công giáo đang được thể hiện nơi họ, dù có thể tất cả họ không phải là người Công giáo.
Cụ thể, trong thời gian phục vụ tại bệnh viện, tôi đã chứng kiến rất nhiều đôi vợ chồng tận tụy chăm sóc nhau đêm ngày khiến tôi khâm phục, như vợ chồng cô Tuyết là đôi vợ chồng tôi gặp đầu tiên khi vào làm. Cả hai nhiễm Covid-19, nhưng trong một hoàn cảnh bất ngờ mà cô chú lại không được ở cùng một phòng với nhau. Ngày đầu gặp, tôi có cảm giác là cô đã bị khủng hoảng trầm trọng, cô không hề muốn tiếp xúc và nói chuyệ với ai. Tôi thấy cô cứ ngồi thẫn thờ trên giường, ăn uống rất ít, đôi khi tôi qua hỏi cô xem có cần gì không, nhưng cô đều làm thinh hay nói không và dường như tôi không làm được gì để giúp cô. Rồi thỉnh thoảng tôi thấy một người đàn ông đến chăm cô rất tỉ mỉ, tận tình từng chút một. Hỏi ra mới biết đó là người chồng của cô cũng bị nhiễm bệnh. Chú khỏe hơn nên điều trị ở tầng khác và khi hồi phục, chú đã xin ở lại để chăm sóc vợ mình lúc đó đang ở phòng hồi sức và đang dùng máy trợ thở nặng. Cứ thế, dù cô chỉ nằm đó nhưng nhờ có sự chăm sóc, trò chuyện của người chồng mà sự sống kéo dài hơn cho cô đến ngày cô chuyển viện. Thực tế này khiến tôi hiểu ra là sự khủng hoảng, bi quan mà nhiều bệnh nhân sẽ gặp phải khi không có người thân bên cạnh giúp họ được giải tỏa tâm lý. Cũng nhờ vậy mà những tình nguyện viên như chúng tôi có kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi không chỉ giúp họ việc thể xác mà cả tinh thần nữa.
Vợ chồng anh Kiệt cũng thế nhưng anh lại là người bị bệnh nặng hơn, chị phải gửi con cho người quen để yên tâm vào viện chăm anh. Chị hiểu tính nết thất thường của chồng mình nên tâm sự: “chị phải vô cùng ổng chứ không thì chẳng ai chịu nổi ổng”. Chị chăm sóc và túc trực bên anh 24/24, không dám rời khỏi giường bệnh khi anh còn thức bởi anh không chấp nhận sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Khi có thể, chúng tôi đến nói chuyện động viên và khích lệ chị. Những lúc ấy chị mới có cơ hội trút nỗi niềm và dường như lúc nào nói chuyện xong, tôi cũng thấy giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ của chị.
Vợ chồng chị Mai Phương nhập viện khi chị đã phải thở oxy nặng ở phòng cấp cứu, anh chăm sóc chị rất chu đáo. Không chỉ với vợ mình, anh cũng rất nhiệt tình và chẳng tính toán gì khi giúp những người bệnh khác. Anh để lại cho tôi một ấn tượng mạnh là thường xuyên thức để ngồi quạt cho vợ mình được ngon giấc. Tuy nhiên, chị thì cũng không ngủ được nhiều vì đau bênh và vì nhớ con, thương con nhỏ ở nhà.
Cũng có vợ chồng kia lúc tôi mới vào thì họ đang hồi phục tốt, và để lại cho tôi một hình ảnh đẹp khi họ động viên cùng nhau cố gắng mỗi ngày, để rồi cuối cùng sự nỗ lực ấy là họ được xuất viện cùng nhau. Ban đầu, cô chú ở khác phòng. Sau khi được bác sĩ đồng ý, cô đã chuyển đến cùng phòng với chú nhưng không gần giường. Tuy nhiên, cô nói chỉ cần ở cùng phòng và thấy mặt nhau là được rồi. Lúc này tôi thấy tình yêu hôn nhân thật đẹp. Sau khi cô chú khỏe hơn được chuyển qua phòng nội trú, chúng tôi đã sắp xếp để cô chú được ở cạnh giường nhau, lúc này tôi thấy cô chú vui vẻ hẳn và ngày càng hồi phục nhanh hơn.
Ở đó, tôi còn gặp nhiều cặp vợ chồng khác nữa, có cặp thì đã mạnh khỏe để cùng nhau về. Nhưng cũng có cặp thì chỉ còn một người lặng lẽ. Dầu vậy, tất cả họ đều khiến tôi nể phục về một tình yêu chung thủy đến cùng: “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6).
Để kết thúc, tôi xin mượn bài chia sẻ của Lm John nguyễn để có thể nói với nhau rằng: trên thế gian này không có gia đình là hoàn hảo, nhưng luôn có tình yêu hoàn hảo nhất chúng ta dành cho nhau. Và gia đình luôn là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Gia đình là nơi an toàn cho ta trú ngụ. Gia đình là nơi ta học cách yêu thương, quan tâm và chăm sóc cho nhau. Gia đình là nơi cho ta học được cách khoan dung và tha thứ. Gia đình là nơi cho ta giải bày tâm sự. Gia đình là chỗ dựa tinh thần tốt nhất. Gia đình cho ta những bữa cơm ấm áp đầy yêu thương và tiếng cười để vơi đi nỗi buồn mà ai đi xa cũng nhớ về. Hỡi những ai đang có gia đình hạnh phúc hãy tận hưởng và giữ gìn nó! Khi mất đi rồi, ta hối tiếc thì đã muộn màng. Chúa cho chúng ta có mái ấm gia đình, ở nơi đó con người cho nhau yêu thương và hạnh phúc. “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho tình yêu hôn nhân nơi các gia đình được mãi mãi thủy chung và yêu thương nhau. Amen.
(Những ngày cách ly tại cộng đoàn Bình Chánh)
Maria Goretti Dơn