Cuộc đời này bao gồm rất nhiều thứ, nhưng cũng có nhiều thứ gom góp lại để làm nên cuộc đời và một trong những điều không thể thiếu đó là tình yêu và tình bạn, bởi nếu thiếu một trong hai thứ đó thì cuộc đời sẽ thật tẻ nhạt và mất đi ý nghĩa. Cũng thế, tình yêu và tình bạn cũng là hai yếu tố cốt yếu để làm nên giá trị của đời tu. Người tu sĩ sẽ không thực sự là tu sĩ nếu thiếu một trong hai điều đó.
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu có lẽ đã rất chí lý khi nói lên tầm quan trọng của tình yêu trong cuộc đời: “Làm sao sống mà không yêu/ Không thương không nhớ một kẻ nào?” Thật vậy, nếu thiếu tình yêu, thiết tưởng, con người sẽ chẳng khác gì một loài động vật bậc cao luôn sống và hành động theo bản năng sinh tồn của mình; và khi thiếu nó, người ta sẽ thấy cuộc đời này thật vô vị, nhàm chán, chậm chí không tìm được hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, có lẽ nhà thơ Xuân Diệu mới chỉ đề cập đến một thứ tình yêu rất bản năng giữa con người với con người hay đúng hơn, đó là tình yêu nam nữ, thứ tình yêu nhục dục mà họ trao hiến cho nhau có sự đồng điệu cả về thể xác lần tâm hồn.
Tình yêu đôi lứa hay tình yêu giữa con người với con người là thứ tình cảm mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy rất đỗi quen thuộc, bởi nó là thứ luôn tồn tại xung quanh chúng ta và là một phần không thể thiếu nơi mỗi người. Nhưng có một thứ tình yêu vĩ đại hơn nhiều, đó là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người mình yêu: “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chính Đức Giêsu đã chứng minh tình yêu của mình bằng cái chết đau đớn, ô nhục và trần trụi trên thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.
Cũng nói về tình yêu, trong trần thuật Tin mừng của Thánh sử Gioan, khi Đức Giêsu hỏi ông Phêrô tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” (21, 15-20). Người ta thường nói trong tình yêu có ba mức độ cơ bản là Eros, Phileo, Agapé. “Eros” nghĩa là yêu với một tình yêu chiếm hữu; “Phileo” là yêu với một tình yêu bằng hữu, bạn bè; và “Agape” là một tình yêu sẵn sàng chết thay, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu cho đi nhưng không. Chắc hẳn với câu hỏi lần thứ ba, Chúa Giêsu muốn ông Phêrô vươn tới thứ tình yêu có tính chất “Agape” để Người có thể đặt ông làm người đứng đầu Giáo hội của Người ở trần gian này?1 Phải chăng đó cũng chính là điều mà Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta – những tu sĩ của Chúa?
Đúng thế, Chúa muốn con người, dù ở trong bối cảnh xã hội thế nào, khác biệt văn hoá và lối sống ra sao,… hãy gạt ra bên ngoài cái tôi ích kỷ để đi đến với những người xung quanh, để yêu thương, để cảm thông và để chia sẻ, để nâng đỡ, để hiệp thông trong mối dây liên kết với Cha trên trời, với “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
Đối với tu sĩ, làm sao có thể yêu bằng một tình yêu Agape mà Chúa muốn? Tình yêu của người tu sĩ phải được thể hiện như thế nào? Có phải là tình yêu dành cho một đối tượng nào đó riêng biệt hay không? Chắc chắn là không. Nhưng tình yêu ấy cần phải được trao tặng cho hết mọi người mà không phân biệt trình độ văn hoá, giàu nghèo hay vì bất kỳ một khía cạnh nào khác. Chỉ có như vậy thì tình yêu mới thực sự có giá trị và Tin mừng của Chúa mới thực sự triển nở trên cánh đồng mênh mông và đầy thách đố này. Bởi lẽ, tu sĩ là những người mang dáng vẻ của Chúa Giêsu đến với mọi người, đem niềm vui Tin mừng đến với muôn dân như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”.
Bên cạnh tình yêu, người tu sĩ của Chúa cũng rất cần đến tình bạn. Đời tu sẽ buồn biết mấy khi không có tình bạn. Tình bạn nơi người tu sĩ trước hết và trên hết phải là tình bạn đối với Thiên Chúa, chọn Chúa là người bạn tâm giao để mỗi khi ta cảm thấy yếu đuối, ta chạy đến với Ngài để được nâng đỡ và thêm sức cho. Chỉ có Chúa mới là người bạn thân thiết nhất, kiên nhẫn nhất, gần gũi nhất để ta tâm tình và tự sự, vì: “Ngài lắng nghe mà không trách móc/ Ngài vỗ về mà chẳng hăm đe/ Ngài nâng niu mà chẳng ngại ngần/ Ngài ban phát mà chẳng đắn đo/ Ngài soi tỏ mà chẳng khoe mẽ/ Ngài liên tục yêu thương và không ngừng săn sóc”2. Vậy, người tu sĩ hãy để Chúa là bạn, bạn tri âm, bạn tri kỉ, bạn đường, bạn tâm giao như Chúa đã nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy… Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,14-15).
Một tình bạn đích thực cần được xây dựng qua nhiều yếu tố như: sự hoà hợp về lối sống, sự hoà hợp trong tâm hồn, sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ, v.v. Đến đây, bỗng dưng tôi nghĩ đến một tình bạn thật đẹp, đẹp đến nỗi cả hai người đã cùng nhau trở thành những vị thánh lớn trong Giáo hội. Đó là tình bạn của Thánh Phanxicô Assisi và Thánh nữ Clara. Tôi tưởng tượng khi ấy hai người là đôi bạn trẻ đang bước vào đời với tràn đầy nhựa sống, đôi bạn ấy ở độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, tuổi đầy mộng mơ… Hai người có lẽ đã có những tháng năm tuổi trẻ thật ý nghĩa và chắc chắn các ngài đã cùng nhau đi qua những khó khăn và sóng gió. Nhưng tình bạn ấy đẹp biết chừng nào khi cả hai cùng chung một lý tưởng dâng mình cho Chúa. Và có lẽ trên đường thực hiện lý tưởng ấy, hai người còn là những người đồng hành thiêng liêng cho nhau. Tình bạn của đôi trẻ ấy thật tuyệt vời khi cả hai là người sáng lập dòng với nếp sống đan tu để kết hợp với Chúa cách trọn vẹn hơn trên con đường nhân đức.
Vâng! Đó là tình bạn của các thánh nhân. Còn bạn thì sao? Bạn đã có một tình bạn đúng nghĩa chưa? Nếu chưa, hãy chạy đến với Giêsu để làm bạn với Người – một người bạn luôn tín nghĩa và đầy ân tình đang kiên nhẫn ngày đêm chờ đợi mỗi chúng ta.
Là một tu sĩ, có lẽ bạn cũng có cho mình những kinh nghiệm về tình yêu và tình bạn. Ước chi mỗi người chúng ta có thể sống dung hoà và cân bằng giữa hai thứ tình cảm ấy với những người xung quanh, đặc biệt là với người bạn Giêsu – Đấng tuyệt hảo mà ta luôn hướng tới.
Maria Thu Huyền
1 X. Giuse Lê Minh Thông, o.p, Tình yêu và tình bạn trong Ga 15, 9-17.
2 J.C.T Đào Xuân Trực, Diệu Lạ Tình Bạn.