Trong một thế giới đầy biến động và thử thách, không ít người dường như lạc lối, chìm trong lo sợ và đặc biệt là mất đi niềm tin vào cuộc sống. Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng và không còn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời. Vậy làm thế nào để con người có thể tìm lại niềm hy vọng khi cuộc sống trở nên bế tắc? Làm sao để vượt qua khó khăn khi niềm tin vào Thiên Chúa dần mất đi? Thật vậy, trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi con người bị bao bọc bởi lo âu, sợ hãi và bất an, thì những chứng nhân của niềm hy vọng, những người gieo niềm tin, trở nên vô cùng quan trọng. Họ chính là những người giúp người khác vượt qua thất bại, vượt qua sóng gió của cuộc đời.[1] Trước thực trạng đó, thiết nghĩ vai trò của người tu sĩ là vô cùng cần thiết trong xã hội ngày nay.
Trước hết, sự phong phú của đời sống Hội thánh được thể hiện cụ thể qua đời sống Phụng vụ và năm thánh hành hương của niềm hy vọng mời gọi mọi người “Đừng sợ” (Lc 2,10) hãy can đảm lên, đừng đánh mất niềm tin, đừng đánh mất hy vọng. Nhưng để có được hy vọng thực sự, cần có những chứng nhân cụ thể, và người “Tu sĩ là tấm gương sống niềm hy vọng”. Cho nên, khi con người chứng kiến những câu chuyện đời tu mang đậm những nét huyền nhiệm, không ít người ngạc nhiên, nuối tiếc và họ đặt ra câu hỏi “Tại sao có những con người xuất sắc như thế, thành công như thế mà lại đi tu, thật là phí?” Phải chăng người Tu sĩ đó dại dột hay vì họ thất vọng về cuộc sống? Câu trả lời có lẽ là không, bởi người Tu sĩ nhận ra giá trị của cuộc đời và hơn hết họ tìm gặp được Đấng ấy nơi thánh lễ mỗi ngày, cũng như nơi nhà chầu Thánh Thể mà họ luôn tin tưởng và là nơi đặt trọn niềm hy vọng của đời mình. Vì “Bí tích Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, là sự nếm trước hương vị thiên đàng, bảo đảm cho vinh quang sẽ đến.”[1] Chính với niềm vui và hy vọng ấy, một sự kiện nổi tiếng những tháng gần đây đó là toà thánh mở án phong chân phước cho Sơ Clare Crockett, một nữ tu trẻ Dòng Mẹ Maria thuộc Giáo hội Tây Ban Nha qua đời năm 2016 trong một trận động đất ở Ecuador, Sơ Crockett cũng là chủ đề của một bộ phim tài liệu bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tây Ban Nha có tựa đề “All or Nothing: Sister Clare Crockett”, đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem trên YouTube. Cô bé Crockett sinh ra tại Derry, Bắc Ái Nhĩ Lan, vào năm 1982. Là một thiếu nữ lôi cuốn và yêu thích sự vui vẻ, cô nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút được sự chú ý của các nhà sản xuất truyền hình. Năm 15 tuổi, cô được thuê làm người dẫn chương trình trên kênh Channel 4 của Anh, và đến năm 17 tuổi, cô đã chiếm được sự chú ý của Nickelodeon. Nhưng thánh ý Chúa thật nhiệm mầu, vào năm 2000, trong kỳ tĩnh tâm Tuần Thánh tại Tây Ban Nha với các Nữ tu Tôi tớ Nhà Mẹ cô đã gặp được Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và chính cuộc gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời cô. Sau biến cố này, cô đã gia nhập dòng và sống một cuộc đời hết sức thánh thiện hy sinh, âm thầm phục vụ tha nhân. Vào ngày 16 tháng 4 năm 2016, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra ở tỉnh Manabí của Ecuador, khiến ít nhất 673 người thiệt mạng, bao gồm cả Sơ Crockett. Khi đang trên đỉnh cao của sự nghiệp như vậy, Sơ Crockett đã từ bỏ mọi sự để nghe theo tiếng Chúa gọi, phải chăng vì Sơ cảm thấy buồn tẻ và chán nản trong cuộc sống? Nhưng không, Sơ Crockett đã tìm ra chân lý “chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn trái tim con người khi con người hoàn toàn hiến dâng cho Ngài, mà không từ chối Ngài bất cứ điều gì” (trích bài tuyên bố phong án chân phước của Sơ Crockett do các nữ tu Dòng Mẹ Maria – Tây Ban Nha).
Thật vậy, khi chứng kiến những câu chuyện đời tu như vậy, không ít người đặc biệt là các bạn trẻ lại được mời gọi ra khỏi cái tôi của bản thân và tìm cho mình những giá trị đích thực của cuộc sống. Không những vậy, họ còn được mời gọi luôn tìm kiếm niềm hy vọng nơi Thiên Chúa hơn là những danh vọng trần gian. Vì như lời Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng: Đức Giêsu đã để lại cho những ai tin theo Người bảo chứng của niềm hy vọng này và lương thực cho cuộc hành trình đức tin “Chính nơi bí tích ấy nhờ những thành tố thiên nhiên cũng như sức lao động của con người canh tác được biến thành Mình và Máu vinh hiển của Đức Kitô.”[2] Như vậy, nhờ kết hợp với Thánh Thể mỗi ngày, người Tu sĩ luôn sống niềm hy vọng, để rồi trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng. Vì vậy, đời sống thánh hiến là bước theo Đức Giêsu (Sequela Christi) – Thiên Chúa của niềm hy vọng cho dân người. Cho nên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui, nhưng để có niềm vui thực sự không gì khác hơn Thánh Thể chính là niềm hy vọng giúp người tu sĩ khát khao và quy hướng về Nước Trời, về sự sống vĩnh cửu, là hạnh phúc đích thực của đời mình, chứ không phải tìm kiếm hạnh phúc trong thực tại trần thế (x. Ga 15,11). Qua đó, nhờ những chứng nhân của niềm hy vọng với niềm vui thực sự mọi người sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa tình thương và giàu lòng thương xót trong xã hội hôm nay.
Tiếp theo, “Tu sĩ – người gieo hy vọng.” Giữa những khó khăn tột cùng của cuộc sống, khi con người bị xã hội gạt bỏ, những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa, dường như họ mang đầy nỗi buồn, lo âu và thất vọng, vì không được đón nhận, tôn trọng hay yêu thương. Chính trong những cảm giác ấy, người tu sĩ trở thành người gieo niềm hy vọng cho những số phận ấy. Một hình ảnh gần gũi và thân quen là mẹ Têrêsa Calcutta, người được biết đến như “mẹ của những người nghèo.” Trong cuốn sách “Mẹ Têrêsa trên tất cả tình yêu” đã kể lại câu truyện của một người ăn xin bên vệ đường rằng: “Một hôm khi trên đường đi làm bác ái cùng các chị em về, Mẹ Têrêsa có đi ngang qua một đống rác, đi gần đến nơi mẹ nghe có tiếng động và tiếng rên nhè nhẹ. Với trái tim yêu thương, mẹ đã dừng lại quan sát xem có gì trong đó, các chị em khác nói với mẹ, có lẽ đó là một con mèo đang bới rác thôi, chúng ta nhanh chân về không trời tối mất. Nhưng mẹ vẫn không chịu và tiến lại gần đống rác thì phát hiện một người đàn ông vô gia cư khoảng hơn 70 tuổi, ông đang trong tình trạng ốm nặng và có một vết thương nhiễm trùng nặng ở tay. Mẹ vội tiến lại gần, đỡ ông cụ và đưa ông về cơ sở bác ái của mình để chăm sóc. Trong những ngày cuối đời của ông, mẹ Têrêsa luôn ân cần chăm sóc ông, mỗi khi thay băng vết thương ông đều la lớn vì đau, với trái tim yêu thương mẹ đã ngậm miệng vào vết thương và hút luôn mủ cùng dịch tiết ra để không làm ông đau đớn hơn (x. 1Ga 3,16). Tình yêu mà mẹ dành cho ông cụ vượt quá giới hạn bản thân để rồi ông cụ đã thốt lên “cảm ơn mẹ vì nhờ có mẹ mà tôi được sống và chết như một con người”.
Qua câu chuyện của mẹ Têrêsa, hình ảnh Thiên Chúa – Đấng giàu lòng nhân hậu và xót thương – được khắc họa rõ nét. Mẹ Têrêsa Calcutta chính là người tu sĩ tiếp bước Đức Giêsu, mang lại hy vọng và gieo niềm tin cho những con người bé mọn, tuyệt vọng trong xã hội. Ngày nay, Giáo hội không cần những tu sĩ chỉ sống hình thức, như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy.” Vì vậy, thái độ lắng nghe chân thành, hay chỉ một lời an ủi từ trái tim biết rung cảm, cũng đủ để thắp lên niềm hy vọng cho người khác. Chính vì thế, chỉ một nụ cười nhẹ nhàng, một lời cầu nguyện tha thiết, một hành động nhỏ bé, hay đơn giản là một câu Kinh Thánh được đọc trong thinh lặng cũng có thể làm sống lại một tâm hồn tưởng chừng đã khô cằn.
Như vậy, vai trò của người Tu sĩ trong xã hội ngày nay thật quan trọng, nhất là trong bối cảnh. Mỗi Tu sĩ đều đầy những biến động không chỉ về nhân cách mà còn cả những thứ tục hoá len lỏi vào đời sống. Chính vì thế, người tu sĩ được mời gọi trở nên chứng nhân của niềm hy vọng và trở thành người gieo hy vọng cho những người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi và bị gạt ra bêb lề của xã hội. Hãy gieo niềm hy vọng bằng những hành động nhỏ bé với một trái tim lớn, biết cảm thông, biết rung động và biết sống yêu thương với một tình yêu chân thành (x. 1Ga 3,18).
Vì thế, niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một niềm hy vọng riêng lẻ của một cá nhân hay một người tu sĩ, mà là của toàn thể mọi người, hợp nhất với nhau bất kể ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo hay văn hóa. Từ đây, có thể liệt kê thêm một số đặc tính cụ thể khác như những hoa trái của niềm hy vọng: kiên nhẫn khi gặp gian nan thử thách, lạc quan khi nhìn về tương lai dù thực tế còn nhiều chông gai. Tương lai là sự trông mong điều chưa có, nhưng là điều thực sự và chắc chắn sẽ đến, như Lời Chúa hứa. Để hướng đến điều đã hứa, chính Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ rõ nét nhất của niềm hy vọng về tương lai, qua việc con người đón nhận Mình và Máu Đức Kitô.
Muối Cho Đời, Hv1
[1]ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo hội từ Bí tích Thánh Thể (Ecclesia de Eucaristia), số 18.
[2]Vũ Chí Hỷ, Thánh Thể- Hy lễ tạ ơn- bí tích tình yêu nguồn ơn cứu độ, tập II & III, 2011, tr. 124.
[1]x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Chúa yêu thương con, chuyển ngữ John Toại, MI (Nxb: Đồng Nai, 2025), tr. 6-7.