1. Dẫn nhập
Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, anh em thương yêu, nhường nhịn nhau là những điều nhân bản sơ cấp đã được giảng dạy ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời ở các lớp Đồng ấu, lớp Dự bị ở cấp độ Tiểu học ngày xưa như ta xem thấy trong bài thơ ngắn sau đây:
“Cha sinh mẹ dưỡng,
Đức cù lao lấy lượng nào đong
Thờ cha mẹ phải hết lòng
Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường
Chữ Đễ nghĩa là nhường
Nhường anh nhường chị, lại nhường người trên…” (Trần Trọng Kim, Quốc văn giáo khoa thư, NXB Trẻ, 1993).
Như vậy, vấn đề luân lý, đạo đức là một nội dung lớn thể hiện rõ phương châm giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn” của người xưa, bởi lẽ, truyền thống hiếu đễ được xem là chuẩn mức đạo đức cốt lõi và cao nhất của con người.
Không nằm ngoài mục tiêu giáo dục con người ngay từ mái trường đầu đời là gia đình, Giáo Hội Công Giáo cũng đã có nhiều hướng dẫn cho các tín hữu từ Tin Mừng, các bài Huấn từ của các Giáo hoàng để hướng dẫn và khuyên bảo con cái mình gìn giữ và phát triển tốt những mối tương quan giữa ông bà, cha mẹ, con cái và anh chị em trong gia đình trong tình yêu thương và hiệp nhất cùng nhau.
2. Cha mẹ đối với con cái
“Trẻ em vừa mới chào đời, cùng với việc được nuôi dưỡng và chăm sóc, bắt đầu nhận được một ơn huệ là biết chắc chắn chúng được yêu thương bằng một tình yêu thiêng liêng. Những hành động yêu thương tỏ lộ qua việc đặt tên riêng cho em, tập cho em nói bằng một ngôn ngữ chung, những ánh nhìn đầy trìu mến, những nụ cười rạng rỡ. Như thế, bài học đầu tiên chúng học được đó là vẻ đẹp của các mối tương quan giữa người với người, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng họ như là một đối tác. […] Và đó chính là tình yêu, phản chiếu một tia sáng của tình yêu Thiên Chúa” (Huấn từ của Đức Phanxicô, 14.10.2015). Mỗi đứa trẻ có quyền được hưởng tình yêu của một người mẹ và một người cha, cả hai tình yêu này đều cần thiết cho trẻ để được trưởng thành toàn diện và hài hòa: “Tôn trọng phẩm giá của một đứa trẻ có nghĩa là khẳng định nhu cầu và quyền tự nhiên của nó là có một người mẹ và một người cha” (Thư mục vụ HĐGM Úc Châu, 24.11.2015, trang 11).
Tình yêu của người cha và của người mẹ không chỉ xét cách riêng rẽ, mà còn là tình yêu của họ dành cho nhau, vốn được coi như nguồn mạch của chính sự hiện hữu, như tổ ấm tiếp nhận và nền tảng của gia đình. Nếu không, đứa trẻ chỉ còn như là một vật sở hữu được dùng tùy tiện. Cả người nam và người nữ, người cha và người mẹ đều là “những người cộng tác với tình yêu Thiên Chúa Tạo Hóa và như thể họ là những thông dịch viên của Ngài” (Hiến chế Gaudium et Spes, số 50). Họ tỏ lộ cho con cái họ dung mạo người mẹ và dung mạo người cha của Chúa. Hơn nữa, họ cùng dạy dỗ con cái về giá trị của sự hỗ tương, sự gặp gỡ giữa những khác biệt, trong đó mỗi người đóng góp bản sắc riêng của mình và cũng biết đón nhận từ người khác. Có những vai trò và nhiệm vụ uyển chuyển, được thích nghi tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình, nhưng sự hiện diện rõ ràng và xác thực của hai bộ mặt, người nữ và người nam, sẽ tạo nên môi trường thích hợp nhất cho sự trưởng thành của trẻ. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà thiếu vắng một trong hai người, thì điều quan trọng là tìm cách nào đó để bù đắp sự mất mát, để đứa con được phát triển cách thích đáng cho tới trưởng thành.
- Nếu con không có mẹ…
Nhu cầu của trẻ em rất cần có sự hiện diện của người mẹ, đặc biệt trong những tháng đầu tiên của cuộc sống. Thực tế là “người phụ nữ đứng trước con người như một người mẹ, là chủ thể của sự sống con người mới được tượng hình và lớn lên trong dạ bà và từ đó sinh ra” (Huấn từ của Đức Gioan Phaolô II, 12.3.1980). Việc giảm sút sự hiện diện của người mẹ cùng với phẩm chất nữ tính của họ là một nguy cơ nghiêm trọng cho trái đất chúng ta. Bởi lẽ sự cao cả của người nữ bao hàm mọi quyền lợi phát xuất từ nhân phẩm bất khả nhượng từ nữ tính thiên bẩm của họ nữa, vốn là điều rất thiết yếu cho xã hội. Những khả năng đặc thù của nữ tính – cách riêng thiên chức làm mẹ – còn trao cho họ các bổn phận, bởi vì là phụ nữ cũng là người mang một sứ mệnh đặc biệt trong thế giới, sứ mệnh mà xã hội phải bảo vệ và giữ gìn vì lợi ích của mọi người.
Người mẹ bảo bọc đứa con của mình bằng sự dịu dàng và cảm thương sẽ giúp khơi dậy sự tin tưởng nơi con trẻ, đồng thời giúp nó cảm nhận thế giới này là một nơi tốt lành tiếp nhận nó, điều này cho phép nó phát triển lòng tự trọng hầu giúp nó có khả năng gần gũi và biết cảm thông. Trong thực tế, “các bà mẹ là những người làm chứng cho vẻ đẹp của sự sống”. Chắc chắn rằng: “một xã hội mà không có các bà mẹ sẽ là một xã hội phi nhân, bởi vì các bà mẹ luôn biết làm chứng về sự dịu dàng, dâng hiến, sức mạnh tinh thần ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất. Các bà mẹ cũng thường thông truyền những ý nghĩa sâu xa nhất của việc đạo đức: trong những lời kinh nguyện, trong các cử chỉ đạo đức đầu tiên để con trẻ học làm theo […]. Không có các bà mẹ, không những sẽ không có tín hữu mới, mà đức tin có thể sẽ mất đi một phần lớn sự nhiệt thành đơn sơ và sâu sắc của nó…” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 7.1.2015).
- Nếu gia đình vắng cha…
Thiên Chúa đặt người cha trong gia đình để, với những tính cách quí giá nam tính của mình, ông là người: “gần gũi với người vợ, để chia sẻ mọi sự, niềm vui cũng như đau khổ, vất vả cũng như hi vọng. Và để ông gần gũi với con cái trong tiến trình chúng tăng trưởng: khi chúng chơi đùa và học hành, khi chúng vô tư và lo lắng, khi chúng nói năng và im lặng, khi chúng dạn dĩ và sợ hãi, khi chúng lầm đường lạc lối và tìm lại được hướng đi; luôn có sự hiện diện của người cha. Tuy nhiên, sự hiện diện khác với sự kiểm soát. Bởi vì người cha kiểm soát con cái chặt chẽ quá sẽ hủy hoại chúng”. Một số người cha cảm thấy mình vô dụng hoặc không cần thiết, nhưng thật ra: “con cái cần thấy một người cha đang chờ đợi chúng khi chúng trở về sau những thất bại. Có lẽ chúng sẽ làm mọi cách để không thừa nhận điều đó, không để cho ông thấy, nhưng chúng cần ông” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 4.2.2015). Trẻ em không có cha, cũng có nghĩa là chúng bị tước mất tuổi thơ trước thời gian.
Người cha giúp đứa trẻ nhận thức được các giới hạn của thực tế và chủ yếu mang tính định hướng, để hướng ra thế giới rộng lớn hơn với đầy những thách đố, nhằm mời gọi con biết nỗ lực và chiến đấu. Là người cha với một căn tính rõ ràng và hạnh phúc của nam nhân, dung hợp được lòng thương mến và sự tiếp nhận của người vợ, ông cần biết chăm sóc con cái như một người mẹ.
Thế nhưng: “vấn đề của thời đại ngày nay xem ra không còn chủ yếu là sự hiện diện độc đoán của những người cha, mà là sự khiếm diện của họ, sự vắng mặt của họ. Những người cha có khi như quá tập trung vào bản thân và công việc của mình đôi khi vào những thành tựu cá nhân của họ, mà quên cả gia đình. Và họ bỏ mặc những đứa trẻ và con cái bơ vơ một mình”(Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 4.2.2015). Sự hiện diện và quyền bính của người cha cũng bị ảnh hưởng bởi việc người ta dành thời gian ngày càng nhiều cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông và kĩ nghệ giải trí. Hơn nữa, ngày nay quyền bính còn bị nhìn với ánh mắt ngờ vực và những người lớn thì bị đối xử thiếu tôn trọng. Chính họ cũng thiếu xác tín kiên định và như vậy không cung ứng được cho con cái những định hướng bảo đảm và có nền tảng chắc chắn. Việc hoán đổi vai trò giữa cha mẹ và con cái là điều không lành mạnh: điều đó làm tổn hại đến tiến trình trưởng thành thích đáng cần thiết của trẻ nhỏ và khước từ một tình thương khả dĩ hướng dẫn và giúp chúng trưởng thành.
3. Con cái đối với cha mẹ
Cổ nhân nhìn nhận rằng Hiếu là đứng đầu trong các đức của con người, là cơ sở của các đạo đức khác, vì: “Bách thiện Hiếu vi tiên” (Trăm điều Thiện thì Hiếu đứng đầu), cho nên: “Hiếu như Trời, nhật nguyệt vì thế mà sáng; Hiếu như đất, vạn vật vì đó mà sinh sôi; Hiếu như dân, đạo vua vì thế mà thành.”
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cho những người Pharisiêu biết rằng việc bỏ rơi cha mẹ là trái với Luật của Thiên Chúa (x. Mc 7,8-13). Mọi người chúng ta đều phải ý thức mình là con: “cho dẫu đã trở thành người lớn, hay cao niên, cho dẫu đã làm cha làm mẹ, nếu như có mang một chức trách nào đó, thì bên dưới tất cả các vai trò ấy vẫn còn căn tính của người con. Tặng phẩm sự sống vĩ đại là món quà đầu tiên chúng ta đã nhận được” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 19.3.2015). Vì vậy, điều răn thứ tư, đứng liền ngay sau những điều răn liên quan đến Thiên Chúa, đòi buộc con cái phải “thờ cha kính mẹ”. Thật vậy, nó hàm ẩn một điều gì đó thánh thiêng, một cái gì đó thần linh, thuộc cội rễ của mọi hình thức tôn kính khác giữa loài người với nhau. Và biểu thức Kinh Thánh về điều răn thứ tư còn nói thêm: “để ngươi được sống lâu trên đất mà Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ ban cho ngươi” (Xh 20,12). Mối liên kết đạo đức giữa các thế hệ là một bảo đảm cho tương lai, và là bảo đảm cho một lịch sử thật sự nhân bản. “Một xã hội mà trong đó con cái không tôn kính cha mẹ là một xã hội không đáng kính […]. Đó là một xã hội sẽ gồm toàn những người trẻ cằn cỗi và tham lam” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 11.1.2015).
4. Tương quan với ông bà, người cao niên trong gia đình
“Xin đừng xua đuổi con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn” (Tv 71,9). Đó là tiếng kêu van của người cao tuổi lo sợ bị lãng quên và coi khinh, như thể Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên khí cụ của Ngài để lắng nghe tiếng kêu cứu của những người tuổi cao sức tàn. “Người cao niên là những người nam và người nữ, là những người cha và người mẹ, đã từng đi trước chúng ta trên cùng một con đường, sống trong cùng một ngôi nhà, cùng chiến đấu trong một cuộc chiến hằng ngày của chúng ta hầu mưu tìm một cuộc sống xứng đáng” (Huấn từ, ngày 11.1.2015).
Thánh Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta chú ý đến chỗ đứng của người già trong gia đình, bởi lẽ có những nền văn hóa, “do hậu quả của sự phát triển kĩ nghệ và đô thị một cách vô trật tự, đã và vẫn còn tiếp tục đẩy người cao niên vào những hoàn cảnh sống bên lề không thể chấp nhận được” (Tông huấn Gia đình Kitô hữu, số 113). Những người cao niên giúp ta nhận thức “tính liên tục giữa các thế hệ” với “đặc sủng xóa bỏ hố phân cách” (Huấn từ của Đức Gioan Phaolô II, ngày 5.9.1980). Nhiều lần chính các ông bà đảm bảo việc truyền đạt các giá trị lớn lao cho các con cháu mình và “nhiều người có thể nhận thấy chính ông bà đã khai tâm đời sống đức tin cho mình”. Lời lẽ của các ngài, những sự âu yếm của các ngài hay chỉ với sự hiện diện của các ngài cũng đã giúp các em nhận ra rằng lịch sử không bắt đầu từ nơi chúng, và chúng là những người thừa kế của một cuộc hành trình dài và cần phải tôn trọng hậu cảnh là những gì đến trước chúng ta. Những ai phá vỡ mối liên kết với lịch sử sẽ gặp khó khăn khi muốn dệt nên các tương quan ổn định và cũng khó nhìn nhận rằng họ không phải là những ông chủ của thực tại. Do đó: “nền văn minh sẽ tiến bộ nếu biết tôn trọng sự khôn ngoan của những người cao niên” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 4.3.2015).
Thiếu kí ức lịch sử là một khiếm khuyết nghiêm trọng của xã hội chúng ta. Nghĩ rằng “mọi sự đã qua rồi” là một tâm thức thiếu trưởng thành. Biết và có thể nhận định trước những biến cố đã qua là khả năng duy nhất để xây dựng một tương lai có ý nghĩa. Không thể giáo dục mà không có kí ức: “Xin anh em nhớ lại những ngày đầu” (Dt 10,32). Những câu chuyện của các cụ rất tốt cho trẻ em và người trẻ, vì họ đặt chúng trong mối liên hệ với lịch sử đã sống của gia đình hay của thôn làng và đất nước. Một gia đình mà thiếu kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là kí ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rời rã; ngược lại, một gia đình mà còn nhắc nhớ (đến quá khứ) là gia đình có tương lai. Bởi thế, “trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người cao niên hoặc người cao niên bị loại bỏ thì xã hội đó đã nhiễm vi khuẩn sự chết” (Huấn từ, ngày 4.3.2015).
5. Tương quan giữa anh chị em
Trong Hán văn cổ, chữ “Đễ” (“悌”, kính nhường) được tạo thành bởi chữ “Tâm” (“心”, trái tim, tấm lòng) và chữ “Đệ” (“弟”, em trai). Chữ “tâm” đứng bên cạnh chữ “đệ” biểu thị ý nghĩa rằng, anh trai quan tâm, chăm nom cho em trai, em gái. Trong tim người anh có người em, chính là sự yêu thương chân thành giữa anh và em. “Đễ” là chỉ tình yêu thương, tình cảm thân thiết giữa anh chị em, cũng bao hàm cả tình cảm giữa bạn bè, anh em trai, chị em dâu phải hòa thuận. Anh cả yêu thương em trai, em gái giống như bảo vệ chính đứa con của mình; em trai, em gái kính trọng anh cả tựa như cha mẹ. Vậy nên, người xưa nói: “Huynh đệ hoà mục gia bất tán. Trục lí hoà khí thuận khí hoàn”, nghĩa là: “Anh em hòa thuận thì gia đình không bị tiêu tan. Chị em dâu hòa thuận thì không khí gia đình dễ chịu”.
Theo thời gian, tương quan giữa anh chị em sẽ ngày càng sâu đậm hơn, và “mối liên kết huynh đệ hình thành giữa con cái trong gia đình, nếu được triển nở trong bầu khí giáo dục mở ra với những người khác, sẽ là trường học lớn dạy sống tự do và hòa bình. Có lẽ chúng ta không luôn ý thức, nhưng chính gia đình là nơi dẫn dắt tình huynh đệ vào trong thế giới! Từ kinh nghiệm đầu tiên này về tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bởi tình thương và giáo dục gia đình, lối sống nghĩa huynh đệ chiếu tỏa như một lời hứa hẹn trên toàn xã hội” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 18.2.2015).
Quãng đời lớn lên giữa anh chị em cho ta một kinh nghiệm tuyệt vời về việc chăm sóc lẫn nhau, qua sự giúp đỡ và được giúp đỡ. Bởi thế: “tình huynh đệ trong gia đình tỏa sáng cách đặc biệt khi chúng ta thấy những sự quan tâm, những ứng xử kiên nhẫn, những tình cảm thương yêu của anh chị vây bọc các em nhỏ yếu đuối nhất, lúc ốm đau hoặc mang khuyết tật”. Phải nhìn nhận rằng: “có một anh em trai, một chị em gái thương yêu mình, là một kinh nghiệm mạnh mẽ, vô giá, không gì thay thế được” (Huấn từ của Đức Phanxicô, ngày 18.2.2015).
6. Gia đình là một sự hiệp thông các ngôi vị
Mỗi gia đình nhân loại được mời gọi làm thành một cộng đoàn ngôi vị tức là gồm có ông bà, cha mẹ và con cái – cộng đoàn của sự sống và tình yêu – theo hình ảnh Gia đình Thiên Chúa.
Gia đình Công giáo không chỉ được mời gọi phản ảnh đời sống hiệp thông ngôi vị của Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi (x. GLHTCG, số 2205) mà còn phải biểu lộ sự hiệp nhất mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp thông Ba Ngôi là sự hiệp thông nội bộ, tức là những mối tương quan nội tại trong chính ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần và hiệp thông với bên ngoài, tức là những mối tương quan với thụ tạo thể hiện trong vai trò sáng tạo, cứu thế và thánh hoá đối với con người và thế giới. Những sứ mạng này của Ba Ngôi cụ thể hóa tình hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại cũng được gọi là hiệp thông trao ban. Thật vậy, đặc tính tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa thúc bách Ba Ngôi ra khỏi chính mình để đi đến với nhau cũng như với con người trong thế giới. Chính trong tình yêu mà Ba Ngôi liên kết hiệp nhất với nhau và nối dài tình yêu Ba Ngôi này trong nhiệm cục cứu độ con người. Một cách tương tự, gia đình Công giáo được kêu gọi sống tình yêu hiệp thông hướng nội và hướng ngoại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vợ chồng yêu thương sinh ra con cái cho Giáo Hội và xã hội chính là bắt chước công trình sáng tạo của Chúa Cha. Vợ chồng con cái yêu thương và hy sinh cho nhau cũng như giáo dục giúp nhau nên những người tốt chính là noi theo công trình cứu chuộc của Chúa Con và công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Các thành viên gia đình cũng phải vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhỏ bé để đến với bà con dòng họ, các gia đình khác cũng như mọi người trong Giáo Hội và xã hội. Chính khi thể hiện được các mối liên hệ này một cách tốt đẹp mà gia đình Công giáo trở thành hình ảnh và biểu lộ sự hiệp nhất của gia đình ba ngôi Thiên Chúa.
Chính vì thế, Thư Mục vụ năm 2008 của HĐGM Việt Nam gọi gia đình là “mái trường giáo dục tình hiệp thông”, bởi vì “gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông” (Tông huấn Gia Đình, số 18). Mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Quả vậy, “nếu mọi thành viên trong gia đình sống thuận hòa và đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ trở nên ấm cúng… [và] sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội” (Thư Mục vụ năm 2008, số 7).
Để chu toàn sứ mạng này cũng như để đối lại những khủng hoảng về gia đình trong xã hội ngày nay, các thành viên gia đình Công giáo cần ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo nên cơ cấu gia đình là cấu trúc của tình yêu và nó phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Vì thế, gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu: tình yêu hiệp thông với Thiên Chúa và với con người. Cụ thể, “cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau”. Khi con người biết sống yêu thương trong gia đình thì họ sẽ biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội: “Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả” (Thư Mục vụ năm 2008, số 15).
7. Tạm kết
Con đường nên Thánh trong yêu thương và chu toàn bổn phận gia đình chính là con đường mà Thánh gia đã đi qua. Mọi hôn nhân Gia đình Công giáo ngày nay cũng được mời gọi noi gương Thánh gia để trở nên những thánh gia khác. Các gia đình phải là một cộng đồng yêu thương hiệp nhất, một cộng đồng mở ra với tất cả mọi người mọi vật và vươn lên tới tình yêu Thiên Chúa, một cộng đồng hiệp thông yêu thương với khuôn mẫu là sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khi gia đình vâng theo Thánh ý Thiên Chúa để chu toàn bổn phận của mình: bậc cha mẹ thì sống yêu thương giúp đỡ và nuôi dưỡng giáo dục con cái, phận làm con thì hiếu thảo vâng lời cha mẹ và sống yêu thương nhau, mọi người đều sống hòa hợp yêu thương, sống đơn sơ khiêm tốn, tôn trọng, thành thật, phục vụ, tha thứ cho nhau thì đời sống gia đình sẽ có tính cách thánh thiêng, bền vững, sẽ được êm ấm thuận hòa và tràn đầy hạnh phúc.
Phong Trần