Tin mừng: (Is 50, 4-7 ; Pl 2, 6-11 ; Mt 26, 14 – 27, 66)
CHÚC TỤNG ĐẤNG NHÂN DANH CHÚA MÀ ĐẾN
Chúa nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem của Chúa Giêsu để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Tuần Thánh, là tuần lễ mà Giáo Hội chiêm ngắm lại các biến cố cuối cùng trong cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian.
Khung cảnh ngày lễ hôm nay mang màu sác tương phản : khởi đầu vui với cuộc rước tưng bừng khi Đức Giêsu công khai vào thành Giêrusalem một cách long trọng trong tư cách là Vua Mesia, nhưng lại có một kết cục buồn : Chúa Giêsu bị bắt, chịu kết án, bị đánh đập, chịu khổ hình và chết trên thập giá mà bài Tin Mừng kể lại về cuộc thương khó của Người. Biến cố này cho chúng ta thấy giờ của Ngài đã đến. Trước đó, nhiều lần những người Dothái chống đối, lập mưu giết hại Ngài, nhưng giờ của Ngài chưa đến, còn lúc này giờ ấy đã đến và đã đến thật rồi. Đó chính là sự vâng phục Chúa Cha, Ngài bước vào cái chết để đem lại ơn cứu độ và sự phục sinh cho toàn thể nhân loại.
Thật vậy, cuộc tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông quần chúng nô nức phất cao cành lá và hô: “hoan hô Con Vua Đa-vít”. Bầu không khí mang vẻ một cuộc toàn thắng vang dội. Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế, Ngài đồng ý để dân chúng tung hô vạn tuế Ngài là Vua : Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Thực ra, đây là mở màn cho cuộc Thương Khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc đời Chúa Giêsu. Bởi vì Ngài biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của quần chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội, chống đối, hò la đòi giết Ngài. Và cũng chính vì phong cách vương đế này mà Ngài đã bị kết án tử hình. Bản án của Ngài được viết bằng ba thứ tiếng : Dothái, Latinh và Hy Lạp : “Giêsu Nagiarét, vua dân Dothái ”.
Lời Chúa đọc trong ngày lễ Lá hôm nay cho chúng ta chiêm cuộc thương khó của Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa và cái chết đau thương của Ngài trên đỉnh Canvê.
Quả thực, trong bài đọc I, tiên-tri Isaia đã loan báo số phận của một Người Tôi Trung khiêm hạ, đưa lưng cho kẻ đánh mình, đưa má cho kẻ giật râu, không tránh né những lời nhạo cười phỉ nhổ : « Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ » (Is 50, 6).
Thánh Phaolô, trong bài đọc II, đã cho chúng ta thấy Chúa Giêsu phải ngang qua con đường khiêm hạ và vâng phục : “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8). Chỉ có lòng khiêm nhường cực điểm như thế dẫn Người đến vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Như vậy, chấp nhận cái chết nhục nhã để thi hành thánh ý Cha, đó là con đường dẫn tới vinh quang.
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu tường thuật chi tiết diễn tiến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như người tôi tớ vô tội và dịu dàng, phải chịu đau khổ mà không một lời oán trách như ngôn sứ Isaia đã loan báo trong bài đọc I.Quả thật, Đức Giê-su bị bắt, bị trói và dẫn đến trước mặt thượng tế Cai-pha, rồi đến trước mặt Tổng trấn Philatô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án trong tiếng kêu gào vào những bàn tay nắm chặt đưa lên đả đảo: « Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá! ». Và cuối cùng Ngài bị hành quyết trên núi Sọ như một tên trọng tội của xã hội bấy giờ.
Qua bài thương khó, chúng ta sẽ suy gẫm cái giá mà Đức Giêsu phải trả cho những tội lỗi của cả loài người và mỗi người chúng ta là con đường đau khổ và cái chết trên thập giá. Nhưng chính nhờ cái chết của Ngài mà con người tội lỗi được hòa giải với Thiên Chúa, được sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, cái chết của Chúa Giêsu là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã tự phó nộp trong tay con người. Cái chết của Ngài là tột đỉnh của tình yêu ấy. Và trong cái chết của Chúa Giêsu tình yêu đã đạt tới tuyệt đỉnh và là khởi đầu của sự sống vĩnh cửu, vì Chúa đã Phục Sinh. Lời Chúa hôm nay cũng nhắc cho chúng ta biết về giá trị của những đau khổ. Chúa Giêsu đã chia sẻ trọn vẹn những khổ đau, vất vả và cái chết cùng với con người và Người đã chiến thắng ; vì thế, nếu chúng ta hiệp thông tất cả đau khổ ấy vào cuộc khổ nạn và cái chết cứu độ của Chúa Giêsu trong niềm hy vọng, thì những đau khổ đó mang lại giá trị cứu độ cho chúng ta.
Tuần Thánh này, chúng ta hãy suy nghĩ lại và nhận ra con đường khiêm nhường, vâng phục và khổ giá mà Chúa Giêsu đã đi qua để đạt tới vinh quang là Sự Sống Lại và cương quyết bước theo Ngài trước những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ. Như vậy chúng ta mới xứng đáng đón nhận Tin Mừng Chúa sống lại trong niềm hy vọng tràn trề.
Têrêsa Nguyễn Tươi