Chương 3: Misa Takatifu
15. Djembe – Tiếng trống Châu Phi
Mỗi khi được tham dự Thánh Lễ với người dân ở đây, tôi thường nán lại rất lâu trong nhà thờ để cầu nguyện sau Thánh Lễ. Âm vọng của tiếng trống được sử dụng trong phụng vụ vẫn cứ còn vang động trong đầu tôi rất lâu sau khi Thánh Lễ đã tan rồi. Nhịp tim tôi chừng như vẫn cứ còn đập theo từng nhịp trống. Đó là nhịp đập đầy niềm vui và hạnh phúc.
Với mỗi người dân Châu Phi, âm nhạc chừng như đã nằm sẵn trong máu của họ rồi. Chỉ cần âm nhạc vang lên, bắt cứ là loại âm nhạc nào, thì bất cứ người dân Châu Phi nào, từ người lớn đến trẻ con, đều sẽ lắc lư một cách rất tự nhiên. Họ rất dễ để cho mình được cuốn vào trong thế giới của âm thanh và nhịp điệu.
Với âm nhạc của Châu Phi, giai điệu không quan trọng bằng tiết điệu. Thế nên bộ gõ luôn là loại nhạc cụ quan trọng nhất. Nhịp trống như nhịp đập của con tim, như nhịp đập của linh hồn những người dân Châu Phi vậy. Nhịp trống là nhịp sống. Tiếng trống tạo ra một nhịp điệu nối kết mọi người. Trong phụng vụ Thánh Lễ, nhịp trống tạo ra nhịp chuyển động lắc lư của cơ thể, cuốn mọi người cùng tham dự vào trong từng nhịp phụng vụ.
Tiếng trống đã tồn tại rất lâu đời trong dòng văn hoá Châu Phi. Tiếng trống giúp mọi người liên đới với nhau trong mọi buồn vui của cuộc sống.
Thuở đầu, tiếng trống được dùng để truyền tin. Âm thanh của trống được gõ theo từng nhịp nhất định, theo quy luật nhất định, để truyền đi tin tức cho những người ở xa. Tiếng trống xuyên cả núi rừng. Tiếng trống xuyên qua ranh giới giữa bộ lạc này và bộ lạc kia, để truyền đi những tin tức gắn kết mọi người. Chẳng hạn, mỗi khi trong bộ lạc có người được sinh ra hoặc có người chết đi, tiếng trống là phương tiện truyền tin nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tiếng trống còn vang lên để cảnh báo mỗi khi có kẻ thù đến gần, kêu gọi mọi người nương tựa và tương trợ lẫn nhau. Tiếng trống buộc phận số của mọi người vào nhau.
Tiếng trống còn là linh hồn của mọi lễ hội. Nhịp trống đều đặn và dồn dập điều tiết nhịp chuyển động của trái tim và bắt nhịp cho sự chuyển động của cơ thể. Nhờ có tiếng trống, mọi người được hiệp nhất với nhau như một cộng đoàn. Tiếng trống làm cho cơ thể của mọi người tìm thấy một nhịp chuyển động chung, đập cùng một nhịp đập chung.
Vậy nên không thể nào có một Thánh Lễ cho cộng đồng người Châu Phi mà lại không có tiếng trống. Mỗi khi tiếng trống vang lên, đầy đặn và chật kín cả nhà thờ, nhà thờ liền trở thành một vùng không gian vừa linh thiêng vừa đậm đặc sắc văn hoá Châu Phi. Không lạ gì khi bước vào phụng vụ, người dân Châu Phi thường có cảm giác được trở về trong chính căn nhà của mình, được ở trong chiếc nôi sinh thành văn hoá của mình, được chìm vào vùng tâm thức sâu thẳm của mình. Không có một khoảng cách chia ly nào giữa chiếc nôi văn hoá đã sinh thành nên họ và Mẹ Giáo Hội đang cưu mang họ. Phụng vụ của Giáo Hội Mẹ là một loại hình phụng vụ có khả năng đón nhận họ như họ là, dung nạp những đặc sắc trong loại hình văn hoá của họ, cho họ cơ hội để đến với Chúa, nói với Chúa, thờ phượng Chúa bằng chính ngôn ngữ văn hoá của họ.
Dù phụng vụ vẫn diễn ra trong bầu khí trang trọng và thánh thiêng, nhưng rất rõ là những người tham gia không hề bị bó vào trong một cái khuôn hay trong những chiếc hộp hình thức gó ép xa lạ với họ. Họ được sống đức tin bằng cung cách văn hoá của họ, như họ rất thật là. Họ hát và nhảy với tất cả sự say sưa và ánh mắt thành kính.
Bởi vì đó là cách cầu nguyện của họ.
Đó là lời nguyện của họ.
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog