Chương 4: Karibu Africa
21. Hakuna matata
Bài hát đầu tiên tôi học được trên đất Kenya có lời thế này: Jambo, Jambo bwana! Habari gani? Mzuri sana! Wageni, wakaribishwa, Kenya yetu. Hakuna matata. – Xin chào. Xin chào quý Ngài. Khoẻ không? Tôi khoẻ. Chào mừng quý khách đến với Kenya của chúng tôi. Không có vấn đề gì đâu!
Bài hát có giai điệu vui tươi và dễ hát như một bản đồng dao vậy. Người đầu tiên hát bài ấy tặng tôi là một linh mục người Ấn Độ, một nhà truyền giáo hơn 70 tuổi, đã ở trên vùng đất này đến hơn 40 năm. Cha ôm cây đàn guitar, vừa đàn vừa gõ vừa hát.
Hakuna matata là câu nói cửa miệng của người dân Kenya. Đó cũng là triết lý sống thấm đượm trên vùng đất này. Đã làm người, đã được sống, thì ai cũng nên học cách thưởng thức cuộc sống của mình cách vui tươi và lạc quan. Có lo lắng đủ điều thì cũng chẳng thể nào làm chủ hết mọi sự trong cuộc đời mình được. Vậy nên lo lắng nhiều mà làm gì. Cuộc sống này vốn chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng đâu. Hakuna matata!
Thật ra, ai có cơ hội đi một vòng quanh Kenya mới hiểu rằng không phải cuộc sống nơi đây không có vấn đề. Thiếu nước sạch. Khan hiếm gas và khí đốt. Thiếu nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn. Đường xá giao thông hãy còn thô sơ. Chỉ những con đường chính mới được rải nhựa, phần còn lại chỉ là những con đường đất đỏ bụi mịt mù. Hệ thống internet và thiết bị điện tử chỉ có ở phố thị. Chăm sóc và bảo hiểm y tế hoàn toàn là những khái niệm xa lạ… Nhưng người dân Kenya vốn đã quen với cuộc sống như thế từ bao đời nay. Họ chọn thái độ không ca thán hay lo lắng với những khó khăn vốn đã là một phần của cuộc sống. Khó khăn lúc nào cũng có đó. Nhưng không phải khó khăn nào cũng có thể trở thành vấn đề và làm cho người dân Kenya phải bận lòng lo lắng. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi thấy những người dân Kenya lúc nào cũng có thể cười tươi với bạn. Cả khi không có gì ăn, với cái bụng đói meo, họ vẫn có thể mỉm cười với bạn và nói: hakuna matata!
Vị linh mục truyền giáo nói với tôi rằng nhờ triết lý sống kiểu hakuna matata mà Cha còn trụ lại được trên mảnh đấy này mãi cho đến hôm nay. Có một thời gian Cha đi truyền giáo tại một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng biên giới Bắc Kenya và Nam Sudan. Một đêm nọ, một nhóm phiến loạn người Sudan tràn vào làng để cướp bóc. Căn chòi Cha ở bị lục tung. Đồ đạc bị lấy đi hết. Thấy Cha là người Ấn Độ, nhóm phiến loạn quyết định bắt cóc Cha theo với hy vọng có thể đòi thêm được một món tiền chuộc. Dân Sudan vốn liệt người Ấn Độ vào dạng thương nhân quý tộc và giàu có.
Trước khi đi theo nhóm phiến loạn đang lăm le vũ khí, Cha chỉ kịp quay đầu nói với những người giáo dân của mình một câu: hakuna matata!
Nhóm phiến loạn trói tay Cha lại, rồi cử một anh lính lúc nào cũng chìa súng vào lưng và đi kè kè sát bên Cha. Sau một đêm dài băng rừng lội suối, khi thấy tia nắng đầu tiên của mặt trời ló rạng, Cha cất ngay giọng hát hakuna matata khiến cả nhóm ai cũng phải phì cười. Bỗng dưng có một người trong nhóm chạy đến trước mặt Cha. Anh ta ấp úng hỏi:
– Hình như là… ông Cha phải không?
Vớ được cái phao, ông Cha vội nhận ngay:
– Phải rồi. Tôi là ông Cha, mới lên truyền giáo ở vùng này.
Anh thanh niên chạy sang nói gì đó với người thủ lĩnh của nhóm. Một lúc sau, người thủ lĩnh vội vàng chạy đến vừa mở dây trói vừa rối rít xin lỗi:
– Xin lỗi ông Cha. Tụi con có nghe nói là trong làng có một ông Cha. Nhưng tụi con không biết ông Cha lại là ông Ấn Độ. Trời tối quá, không ai nhận ra ông Cha hết…
Thấy nhóm người này có vẻ còn tôn trọng ông Cha lắm nên ông Cha tranh thủ hỏi tới luôn:
– Bộ trong nhóm các anh có người Công Giáo hả? Sao nhận ra tôi?
Anh chàng trưởng nhóm cúi đầu thú nhận:
– Dạ có. Con cũng là người Công Giáo.
Ông Cha được thế, liền nghiêm mặt:
– Là người Công Giáo sao lại để cho mình lún vào con đường này? Sống như vậy thì còn gì mặt mũi của người Công Giáo nữa!
Anh chàng trưởng nhóm lí nhí:
– Cuộc sống khó khăn quá Cha à. Gia đình tụi con sắp chết đói tới nơi hết rồi. Cha tha thứ cho tụi con nhé Cha…
Ông Cha hết cách, chỉ còn có nước vừa lắc đầu vừa chép miệng vừa giơ hai tay lên trời vừa nói: Hakuna matata! Hakuna matata!
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog