Chương 7: Giữa những người tị nạn
44. Tha thứ & hoà giải
Khi được trao cho sứ mạng hoà giải và chữa lành trong khu tị nạn, trái tim của tôi được đụng chạm và thổn thức rất nhiều. Có nhiều người tìm đến với tôi trong căn phòng hoà giải. Nhưng cũng có nhiều câu chuyện xảy ra bên ngoài căn phòng ấy. Có những câu chuyện có thể được kể lại ở đây.
Một sớm đầu tuần, trên đường đi đến căn phòng hoà giải của mình, tôi gặp bác quản thủ thư viện đang ngồi uống cà phê trên bậc tam cấp ngay trước cửa thư viện. Bác ấy gật đầu chào tôi:
– Ông Cha đi làm việc sớm thế! Giờ này chưa có ai đến gặp ông Cha đâu. Ông Cha còn giờ rảnh phải không, mời ông Cha ngồi xuống đây làm ly cà phê nói chuyện chơi…
Tôi ngồi xuống bậc tam cấp với bác. Cái góc ngồi ấy thật lý tưởng. Chỉ cao hơn một chút thôi, nhưng cũng đủ để giúp tôi dõi tầm mắt ra khoảng sân rộng và toàn bộ khu lều trại của những người tị nạn.
Sau khi pha cho tôi một ly cà phê nóng, bác quản thủ thư viện nhìn tôi dò hỏi:
– Ông Cha đã quen ở đây chưa? Làm việc trong phòng hoà giải có ổn không? Cứ phải ngồi nghe toàn những chuyện đau lòng, chắc là ông Cha mệt cái đầu lắm ha?
– Dạ không. Con có mệt gì đâu! – Tôi trả lời – Nghe là nghề của các Cha mà bác…
Tôi chưa kịp dứt lời thì bác đã nói tiếp:
– Hay quá. Tôi thấy có nhiều người khóc khi bước ra khỏi phòng hoà giải của ông Cha. Tốt lắm đó! Hồi đó tôi cũng đã từng ước gì có người giúp cho mình khóc được như vậy…
Tôi không biết “hồi đó” mà bác quản thủ thư viện muốn nói là cái hồi nào. Nhưng tôi linh cảm rằng mình sắp sửa được biết rồi. Cách bác ấy nhìn tôi là cách của một người đang muốn chia sẻ và tâm sự… Bác quản thủ thư viện là một người đàn ông lực lưỡng. Ngoài giờ làm việc chính thức, bác ấy còn tranh thủ làm huấn luyện viên cho đội bóng chuyền của những thanh niên sống trong trại tị nạn trong những giờ nghỉ giải lao buổi trưa và buổi chiều. Nhìn vào bác, chắc không ai nghĩ rằng con người lực lưỡng này cũng đã từng có lúc muốn được khóc.
Sau một hồi im lặng, bác quản thủ thư viện là người chủ động mở miệng trước:
– Ông Cha à. Tôi cũng có chuyện muốn kể với ông Cha. Ông Cha có tâm trạng để nghe không?
– Dạ có. Bác kể đi, con nghe – Tôi đáp lời bác – Con đến đây là để nghe mà…
Thế là trong buổi bình minh nắng sớm, bác quản thủ thư viện bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện của bác:
– Ông Cha biết không, gia đình tôi có năm anh em, cả năm đều là con trai. Tôi là con út. Bốn người anh của tôi đều là dân được đi học đàng hoàng. Anh Hai và anh Ba của tôi là dân nhà báo. Họ hay viết những bài về quê hương đất nước và phê bình xã hội. Hồi đó, đất nước Êthiopia của chúng tôi còn theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa và phải sống dưới chế độ công an trị… Một buổi chiều tối, khi cả gia đình tôi đang quây quần quanh mâm cơm, thì một nhóm công an ập vào. Họ bắn chết bốn người anh của tôi cùng với chị dâu cả ngay tại bàn ăn… Tôi không biết tại sao họ lại không bắn tôi và mẹ của tôi. Năm đó tôi mới mười ba tuổi thôi. Nhưng ông Cha biết không, tôi đã mang theo hình ảnh của bữa cơm đẫm máu ấy theo mình suốt 50 năm cuộc đời rồi…
Tôi bị sững người trong một lúc, vì không ngờ câu chuyện đẫm đầy máu và nước mắt lại có thể được kể ra một cách nhanh gọn đến như vậy. Đôi tay của bác quản thủ thư viện vẫn còn nắm chặt lấy ly cà phê. Nhưng tôi nhìn thấy rõ ly cà phê ấy đang rung rinh và sóng sánh. Tôi không nói được gì, chỉ thinh lặng nhìn bác. Sau một hồi thinh lặng cùng nhau, bác lại tiếp:
– Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bữa cơm hôm ấy, ông Cha à. Nhưng mà ông Cha tin không, lúc này đây tôi không còn thù họ nữa. Nghĩ cho cùng thì họ là ai chứ? Họ cùng là giòng giống của người Êthiopia như tôi thôi. Chỉ là họ mê muội nên mới chấp nhận rước về nhà cái thứ chủ nghĩa kỳ quặc đến độ xem những người dân của mình là kẻ thù và sẵn sàng nã đạn vào chính đồng bào đồng tộc của mình…
– Bác có thể gác lại thù hận và bỏ qua mọi thứ dễ dàng vậy sao? – Tôi ngập ngừng đặt câu hỏi.
– Làm gì có chuyện dễ dàng chứ hả ông Cha – Bác quản thủ thư viện trả lời ngay – Tôi đã phải sống qua rất nhiều đêm ác mộng. Tôi mơ thấy họ bắn cả tôi và mẹ của tôi nữa. Rất nhiều đêm tôi giật mình trong tiếng thét… Rồi cũng đã có một thời gian dài, tính cách của tôi rất cáu gắt và dễ gây hấn. Tôi rất dễ đùng đùng nổi giận với người khác mà không biết vì sao. Tôi không dám tin tưởng bất kỳ ai… Nhiều lắm, nhiều thứ tiêu cực và đau đớn lắm ông Cha à. Nhưng rồi ông Cha biết không, từ từ khi đủ lớn, tôi mới nhận ra rằng thật ra mình chỉ có một cuộc đời duy nhất để sống thôi. Thật đáng tiếc khi sống cuộc đời duy nhất của mình theo kiểu bị lèo lái và ám ảnh bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ, phải không? Tôi không muốn như thế, nên tôi phải thay đổi lối suy nghĩ của mình thôi. Đó là điều nên làm mà, phải không ông Cha?
Tôi không trả lời câu hỏi của bác, vì tôi biết thật ra đó không phải là câu hỏi hướng đến một câu trả lời. Tôi chỉ thinh lặng để không làm gãy đứt dòng tâm sự của con người đang ngồi trước mặt mình…
– Hoà giải và tha thứ là một hành trình dài lắm ông Cha à. Phải vật vã lắm thì cái thằng giặc có tên là thù hận mới chịu buông tha cho mình. Nhưng mà phải thật sự vật vã, phải vật lộn, phải chiến đấu với nó thì mình mới thắng nó được.
Lại thêm một hồi im lặng. Bác quản thủ thư viện dõi mắt nhìn ra khoảng sân mênh mông trước mặt. Tôi nghĩ hình như câu chuyện buổi sáng của chúng tôi đã đến hồi kết thúc rồi… Sau một hồi cùng ngắm khoảng sân đầy nắng, bác quản thủ thư viện lại lên tiếng:
– Cám ơn ông Cha đã cho tôi kể lại câu chuyện của mình và thêm một lần nữa sống lại với ký ức của mình. Ông Cha biết không, với tôi, ký ức giống như một ly nước cho cuộc đời của mình vậy. Ly nước ấy tôi không thể nào không uống. Bởi vì đã là ký ức của cuộc đời mình thì không thể nào mình không nhớ được. Làm gì có con người nào có thể hoàn toàn quên đi những ký ức kinh hoàng mình đã trải qua, phải không?… Chỉ có điều là tôi không muốn tiếp tục bỏ thuốc độc vào ly nước của ký ức, để rồi sau đó chính mình lại uống vào. Từ từ tôi học cách để ký ức đau thương của tôi trở thành một ly nước sạch, không còn bị nhiễm bẩn bởi những thù hận tiêu cực nữa. Thỉnh thoảng tôi lại sống với ký ức của mình, và nhìn ra những giá trị tích cực. Và ông Cha biết không, thật ra chính đức tin mới có thể giúp tôi nhìn thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình đó, ngang qua tất cả những gì mình đã trải qua… Nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa, tôi sẽ chẳng thể nào hoà giải với chính mình và tha thứ cho những người đã tàn hại cả gia đình mình đâu!..
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì bác quản thủ thư viện dễ thương đã đứng lên ôm lấy tôi và kết thúc câu chuyện:
– Cám ơn ông Cha đã đến đây để giúp cho nhiều người kể lại câu chuyện của họ. Ở đây có nhiều người không phải là Đạo Công Giáo, nhưng ông Cha đừng ngại đem Chúa vào trong câu chuyện cuộc đời của họ nhé! Không có Chúa thì chúng ta chẳng ai có thể có được cuộc đời mà mình đang có hôm nay đâu, ông Cha ha… Cám ơn ông Cha nhiều nhiều.
Thật lòng tôi không hiểu tại sao mình lại được cám ơn nữa. Lẽ ra người nên nói lời cám ơn trong buổi sáng đặc biệt hôm nay là tôi thì mới đúng chứ, phải không?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn:Gia An’s blog