Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác chán và ngán khi phải ăn đi ăn lại một món quen thuộc nào đó. Tôi cũng từng có cảm giác ấy với những câu nói về “đời sống cộng đoàn” hay về đề tài “tình huynh đệ trong cộng đoàn”. Đôi lúc, tôi chỉ muốn lướt qua khi mới nhìn thấy bài viết hoặc khi nghe ai đó đề cập đến đề tài ấy, chứ chưa cần nói gì đến sống và thực hành về nó, bởi nó quá quen thuộc, quen thuộc đến mức “nhàm chán”.
Nhưng làm thế nào bây giờ? Bởi tôi không thể gạt bỏ và loại trừ “món ăn” ấy khi đó là một phần không thể thiếu trong đời sống của người tu sĩ nói chung và của người tu sĩ Đa Minh nói riêng.
Để cho một món ăn quen không bị ngán, người đầu bếp giỏi sẽ tìm cách tạo ra những món ăn mới, và cả những cách trang trí mới từ những nguyên liệu cũ… Việc sống đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn cũng vậy. Chắc chắn, mỗi người cần có sự sáng tạo của riêng mình để “món ăn” ấy trở nên vừa miệng hơn, ngon hơn và hấp dẫn hơn dù nó rất quen.
Tôi đã từng “ngán” vì đề tài ấy văng vẳng bên tai quá nhiều. Nhưng khi nghĩ thấu hơn, tôi lại chẳng thể gạt chúng ra khỏi đời sống của tôi. Vì sao? Vì tôi là một nữ tu. Đơn giản thế thôi. Mà một trong những căn tính đời tu của tôi là “đời sống cộng đoàn”. Làm sao một nữ tu lại có thể bỏ đi căn tính ấy? Chính vì lẽ đó nên tôi quyết phải tìm ra “giá trị dinh dưỡng” của món ăn quen này cho đời sống tinh thần của tôi. Tôi khá may mắn vì đã từng có trải nghiệm hụt hẫng và chới với thế nào khi phải sống một mình, khi phải xa chị em (nói cách khác là xa cộng đoàn). Sống một mình không có nghĩa là tôi không còn là nữ tu nữa, nhưng nó khiến đời tu của tôi bớt trọn vẹn hơn và không còn tròn đầy. Tôi không có được những giờ kinh, giờ cơm, giờ chia sẻ chung với chị em; tôi cũng không được cười, được nói, và được đùa vui với chị em; tôi không được chị em động viên, khích lệ khi gặp những ưu phiền; thậm chí, tôi cũng chẳng được chị em “giận dỗi” hay “bực bội” về điều gì đó. Có những thứ tưởng chừng rất bình thường, nhưng khi thiếu nó, ta mới nhận ra nó quan trọng dường nào. Với tôi, đời sống Cộng đoàn cũng vậy.
Nhưng Cộng đoàn là gì? Phải chăng chỉ cần những con người sống gần nhau, ở cùng nhau dưới một mái nhà là làm thành Cộng đoàn? Không. Cộng đoàn không chỉ là những thân xác hiện diện như thế. Điều ấy là chưa đủ. Cộng đoàn sâu sắc và ý nghĩa hơn nhiều. Đó là khi chúng ta được «mời gọi quy tụ thành một gia đình thực sự nhân danh Chúa, chia sẻ cùng một đặc sủng, được cảm hứng nhờ đức ái, được củng cố bởi sự hiện diện của Thiên Chúa»[1], là khi chúng ta «cam kết để mọi sự làm của chung, hầu phục vụ nhau và xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô»[2].
Là một nữ tu Đa Minh Bùi Chu, hẳn chúng ta không thấy xa lạ với những đặc tính của đời sống cộng đoàn, như cùng nhau cử hành hành Thánh Thể và Phụng vụ Giờ kinh; cùng nhau học hỏi chân lý và chia sẻ niềm tin; cùng nhau trở thành chứng tá các Lời khuyên Tin Mừng; cùng nhau thi hành việc tông đồ[3]. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với đặc tính: «cộng đoàn tìm kiếm ý Chúa qua việc đối thoại […] và sửa lỗi huynh đệ»[4]. Vì sao? Bởi ai trong chúng ta cũng biết, Cộng đoàn là tập hợp những con người với những nguồn gốc gia đình, nền tảng giáo dục, tư duy, lối sống, lứa tuổi và tính cách khác biệt, mà nói theo Felicismo D. Martinez thì đó là sự «bất đồng ý thức hệ và khác biệt về nhân cách»[5]. Thế nên, ở đó, thật khó để tránh những xung đột, bởi «xung đột là những thành tố chủ yếu của đời sống con người»[6]. Sự xung đột có ở trong chính mỗi con người, chúng ta khó có thể tránh được những ước muốn, những đòi hỏi trái ngược xảy ra trong chính bản thân mình. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là xung đột trong cộng đoàn, giữa các chị em với nhau, bởi sự khác biệt (như đã nói ở trên). Liệu có ai trong chúng ta có thể tự tin mà nói rằng tôi chưa từng bực mình với lối suy nghĩ của chị A; liệu có ai mạnh dạn nói tôi chưa từng khó chịu với lời nói của chị B; liệu ai có đủ dũng cảm để xác nhận rằng tôi chưa từng cáu gắt với kiểu hành xử của em C??? Nếu ai đó trong chúng ta có được phẩm chất ấy thì thật “có phúc”. Nhưng dường như điều ấy là không tưởng với một cộng đoàn tu trì. Sự xung đột hay những trắc trở, những va chạm, hiểu lầm, khó chịu, bất mãn, v.v trong tương quan với nhau nơi chị em luôn hiện hữu. Nó giống như “một phần” trong đời sống chung của chúng ta.
Vậy đối diện với những xung đột ấy, chúng ta phải làm thế nào? Mặc kệ để nó kéo lê chúng ta trong đời tu hay sao? Không. Mặc kệ thì không nên bởi nó sẽ làm ta cảm thấy mệt mỏi, ức chế và quan trọng hơn là làm mất đi giá trị cao cả của đời sống chung. Vậy làm thế nào? Làm ầm lên một lần cho hả giận ư? Cũng không phải là một giải pháp ổn thoả cho một nữ tu đòi hỏi sự kín đáo và tế nhị. Thế ta nên làm gì? Chẳng phải tìm đâu xa, Hiến Pháp của chúng ta đã đưa ra một giải pháp hữu hiệu: đối thoại và sửa lỗi huynh đệ[7].
Thực vậy, khi gặp những khó chịu, những thất vọng và bất mãn nơi chị em, Hiến Pháp dạy ta đối thoại, bởi qua đối thoại, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, mới tìm ra căn nguyên tại sao chị A, chị B, em C lại hành xử như thế. Qua đối thoại, ta mới có cơ hội chia sẻ về chính mình, giải toả nỗi lòng và những bức xúc. Cũng chỉ qua đối thoại, ta mới có thể thấu hiểu và cảm thông được với chị em. Dĩ nhiên, những cuộc đối thoại ấy, nó đòi hỏi sự chân thành, đó chính là sự thành thật, chân tình với nhau, là những lời nói xuất phát từ con tim chứ không phải chỉ trên môi miệng[8]. Nếu không, cuộc đối thoại sẽ trở nên vô ích mà thôi.
Điều tiếp theo là sửa lỗi huynh đệ. Không chỉ là sửa lỗi, mà phải là sửa lỗi huynh đệ. Cách để sửa lỗi huynh đệ, đó là một tiến trình như Chúa Giê-su đã dạy: «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi… Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh» (Mt 18, 15-17).
Việc đối thoại và sửa lỗi huynh đệ này, không đơn thuần chỉ là những việc làm đem đến cho ta sự bình an nội tâm, tình thân và bác ái trong Cộng đoàn. Nhưng nó mang lại một giá trị lớn lao hơn rất nhiều, ấy là giúp «cộng đoàn tìm kiếm ý Chúa»[9]. Khi ý thức rõ điều đó, chính là lúc chúng ta đã hoàn toàn sẵn sàng tìm ra các giải pháp cho những xung đột trong Cộng đoàn.
Ước gì đời sống Cộng đoàn với tình huynh đệ thẳm sâu sẽ là “món ăn” quý giá và bổ dưỡng cho đời sống tinh thần của mỗi chúng ta. Điều này cũng sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách chúng ta sẽ “nêm nếm” cho “món ăn quen thuộc” ấy như thế nào. Tôi tin, từng người trong chúng ta sẽ có “bí quyết” riêng của mình để cộng đoàn thêm nhiều “hương vị”.
Têrêsa Dung Đinh
[1] HP 31, x. PC 15.
[2] HP 31, x. GL 602.
[3] X.HP 32.
[4] HP 32&3.
[5] Diez Martinez Felicismo, Đời tu gạn đục khơi trong, Bản dich của Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, NXB Tôn Giáo 2013, tr. 366.
[6] Ibidem, tr. 367.
[7] X. HP 32&3.
[8] X.https://vi.wiktionary.org.
[9] HP 32&3.