Tin Mừng: Lc 2, 41-52
Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.
SUY NIỆM: Mẫu Gương Gia Đình Thánh Gia
Niềm vui ngày lễ Giáng sinh được kéo dài bằng việc cử hành lễ Thánh Gia Thất hôm nay. Gia đình Thánh gia đó cũng chỉ đơn giản là một gia đình nhân loại như bao gia đình khác, nhưng gia đình này lại được hướng dẫn hoàn toàn bởi Đức Tin. Chúa Giê-su, con Thiên Chúa nhập thể trong một gia đình nhân loại, đó là gia đình của Đức Maria và Thánh Giu-se. Các ngài hiệp nhất với nhau bằng một tình yêu mãnh liệt trong Thiên Chúa. Và mỗi gia đình chúng ta được mời gọi sống theo mẫu gương của gia đình này qua việc kín múc từ suối nguồn tình yêu, đó là chính Thiên Chúa.
Chúa nhật hôm nay, phụng vụ Giáo Hội cho chúng ta nghe những bài đọc nói về mối quan hệ trong gia đình. Bài đọc một cho chúng ta thấy mẫu gương của một người mẹ, đó chính là An-na. Nhờ lời cầu nguyện thành khẩn và kiên trì Thiên Chúa đã ban cho bà ấy một người con tên là Sa-mu-en. An-na đã đưa con lên đền thờ để thánh hiến cho Thiên Chúa. Đó là một cách để nhắc nhở chúng ta rằng: con cái không hoàn toàn thuộc về cha mẹ. Chúng thuộc về Thiên Chúa là Cha của nhân loại. Bài đọc hai nhấn mạnh một cách cụ thể tới điểm này: Tất cả chúng ta đều là những thành viên của gia đình nhân loại, nhưng hơn thế nữa ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào một gia đình mới, gia đình của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng đối với Đức Maria và thánh Giu-se không phải mọi thứ đều đơn giản như người ta tưởng tượng. Gia đình này cũng có những bất trắc, sóng gió phải đương đầu. Từ những sóng gió bên ngoài như cuộc truy lùng của vua Hê-rô-đê đến những sóng gió từ bên trong chính các thành viên của gia đình. Các ngài lên đền thờ Giê-ru-sa-lem cùng với đức Giê-su vào dịp lễ vượt qua. Đến ngày trở về Na-za-ret, đức Giê-su ở lại trong đền thờ mà không báo trước cho cha mẹ. Về phía cha mẹ Người, họ đã rời thành mà không kiểm tra xem con mình có về cùng hay không. Sự chia cắt này kéo dài ba ngày. Họ đã rất đỗi lo lắng không biết con mình có bị bắt cóc hay bị tai nạn gì không. Khi tìm thấy con trong đền thờ họ đã bày tỏ sự lo sợ của mình và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Chính lúc này chúng ta nghe được câu trả lời rất đỗi chân thành và ngạc nhiên của Chúa Giê-su “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng con có bổn phận ở nhà của của Cha Con ư?”
Qua câu trả lời mầu nhiệm này chúng ta khá phá ra rằng cho dù là những người có niềm tin sâu sắc và đạo đức chúng ta cũng phải lúng túng và cứng họng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi trước mầu nhiệm của Thiên Chúa chúng ta chỉ hiểu được một chút ít hoạc đôi khi chẳng hiều gì, ngay chính đức Maria người cũng chẳng thể hiểu được ngay lập tức. Nhưng Tin Mừng viết rằng Maria Mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.
Khi đọc lại đoạn phúc âm này kỹ hơn, chúng ta khám phá ra một mâu thuẫn rõ ràng: Chúa Giê-su trả lời: “con có bổn phận ở nhà của Cha con“. Chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giê-su muốn ở lại trong đền thờ ở Jerusalem. Nhưng không, Người đã cùng với cha mẹ trở về Nazareth. Có một thông điệp quan trọng ở đây. Đền thờ thật mà Thiên Chúa muốn không chỉ là đền thờ được xây bằng đá. Đó còn là đền thờ nơi tâm hồn mỗi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở thành những thành viên của Gia đình Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Những người bé nhỏ, những người cô lập, bệnh tật, những người bị xa cách, ruồng bỏ, có vị trí đầu tiên trong trái tim của Thiên Chúa. Đấng là Cha giàu lòng xót thương. Tất cả các gia đình đều có sứ mệnh làm chứng cho lý tưởng này. Khi một người nam và một người nữ rời bỏ cha mẹ mình, đến nhà thờ để kết hôn . Họ xin Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ bởi vì họ nhận ra rằng tình yêu của họ đến từ Thiên Chúa. Họ muốn làm triển nở tình yêu đó và truyền đạt lại cho con cái của họ. Con cái cần tình yêu thương của cha và mẹ để lớn lên và thăng tiến trong cuộc sống.
Hiện tại, chúng ta cũng đang phải đối diện với những khó khăn như cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính: đóng cửa kinh doanh, thất nghiệp gia tăng, đại dịch, sự bấp bênh ngày càng tăng của những gia đình trẻ … Với tất cả những hạn chế và yếu kém, chúng ta hướng về Đức Giê-su. Đấng đã đến mang thân phận con người để ghánh lấy nỗi nhọc nhằn của chúng ta. Để vượt qua được những thử thách của cuộc đời, chúng ta cần phải dựa vào một thứ gì đó vững chắc. Nếu chúng ta muốn, Đức Ki-tô chính là nền tảng mà chúng ta có thể dựa vào để chống chọi với những giông tố của cuộc đời. Người đã luôn muốn trở thành con đường của chúng ta, sự thật và cuộc sống của chúng ta. Ý định tuyệt vời của Ngài là dẫn chúng ta đến với Cha của Ngài và Cha của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy hướng về Ngài và xin Ngài giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, nghi ngờ và thử thách trong cuộc sống này để trưởng thành trong đức tin.
Maria Hoa Đoàn