Tin mừng: Lc 10, 1-12. 17-20
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi.
Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.
Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con.
Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.
MÙA THU HOẠCH
Bước vào tuần thứ 14 mùa thường niên, mỗi người chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi hãy cùng Ngài lên đường thu hoạch vụ mùa đang chín rộ, đó là các linh hồn. Lời mời gọi này vừa mang tính gợi ý nhưng cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
Khi đọc bài Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay, chắc mỗi người đều có cảm giác mình như là người trong cuộc, đang đối diện với Đức Giêsu và đang nghe lời kêu gọi lên đường đó, bởi bên cạnh chúng ta, ngay trong gia đình, trong lối xóm và ngay giữa xứ đạo chúng ta, lắm lúc còn bao nhiêu người chưa thực sự tin nhận một Thiên Chúa duy nhất, đón nhận Ngài là chủ tể cuộc đời mình. Tuy nhiên, để thực thi sứ mạng đó cách hữu hiệu và sống động, người môn đệ Chúa Giêsu cần có một đời sống nội tâm thực sự, bởi họ sẽ là người mang đến cho tha nhân sự bình an của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’” (Lc 10, 5). Sự bình an đó đến từ sự gắn bó với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện chuyên chăm. Sự bình an đó ở lại trong người môn đệ nhờ luôn gắn bó với Bí tích Thánh Thể, bí tích tình yêu. Nhờ có sự bình an đó, người môn đệ mới có thể siêu thoát với những vướng bận của thế gian, như quyền bính, địa vị, vật chất và tiền bạc. Đó là những cạm bẫy và cũng là những thách đố trong sứ mạng truyền giáo của người thợ gặt.
Kitô giáo đã được gieo mầm vào trong thế giới này hơn 2000 năm qua. Thế nhưng biết bao nhiêu hạt giống đã chết mòn vì sự dửng dưng của con người, bên cạnh đó cũng không thiếu những hạt giống bị chim trời ăn mất hoặc trôi dạt vì bao nhiêu đổi thay của thế giới. Dù vậy, chúng ta cũng không bi quan trước viễn cảnh đó, bởi biết bao nhiêu hoạt động của Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm diễn ra nơi mỗi tâm hồn, mỗi trái tim. Vì thế, trong những khoảng lặng của cuộc sống, nhiều anh chị em đã lên đường, trở thành những thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo, với những phương thế khác nhau. Họ đang từng ngày thu lượm những bó lúa vàng trên cánh đồng của chủ nhân là Chúa Cha, và ngày ngày họ đang cần lời cầu nguyện và lời động viên của mỗi người. Bên cạnh đó, sự năng động của những hạt giống Tin Mừng đang biến chuyển những tâm hồn khô cứng, nguội lạnh, để rồi vươn lên những cây lúa xanh tươi là những lời chứng bằng cuộc sống, bằng nghề nghiệp, bằng sự khước từ công danh và sự nghiệp, và họ cũng đang cần tới tình hiệp thông của mỗi người.
Trong chính môi trường của gia đình hôm nay, bao nhiêu thách đố đang ẩn hiện trên nền tảng hạnh phúc gia đình. Người môn đệ cần dấn thân vào đó để đồng hành với các gia đình, đặc biệt các gia đình khó khăn, để có thể nâng đỡ gia đình và đồng hành với họ. Người môn đệ cần có sự bình an của Thiên Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của họ là một cuộc sống của một chứng nhân, từ đó họ mới có thể chia sẻ, cảm thông và giúp nhau xây dựng một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương đúng nghĩa như Chúa ước mong. Bên cạnh đó, người chồng, người vợ, cùng các con cái sẽ cùng nhau thắp lên một ngọn nến của tình gia đình, đem lại sự ấm áp và tình thương cho nhau.
Bên cạnh sự bền vững của gia đình, xã hội hôm nay cũng cần có những người dám nói lên sự thật, dám đối diện với chân lý và dám nói không với gian dối. Một khi xã hội đã thoả hiệp với gian dối và bạo lực, thì một chứng nhân của sự thật và tình thương cũng chỉ là một con én nhỏ, chưa làm nên một mùa xuân; do đó, cần sự chung tay góp sức của một cộng đoàn, một xứ đạo, một giáo hội địa phương, sự cộng góp đó làm cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội phong phú và nhiều bó lúa chín vàng được gom về trong kho lẫm của Thiên Chúa. Để có được những ngọn nến nhỏ giữa xã hội hôm nay, cần ý thức về sự mong manh của ngọn nến, cần ý thức về sự lan toả của nó, để mỗi người cộng tác. Trước gió lớn, ngọn nến cần che chở, cần bảo vệ, người môn đệ cũng vậy, cần sự che chở của cộng đoàn, cần sự bảo bọc của mọi người. Nhưng thực tế, chúng ta thấy sự đơn độc của họ giữa thế giới này, khi mọi sự đang bị ảnh hưởng lớn từ một xã hội vô cảm và thiếu tình người.
Không chỉ ở ngoài xã hội, mà ngay trong một cộng đoàn huynh đệ, lắm lúc những thách đố cũng ẩn hiện giữa bàn ăn và trong đời phục vụ. Dù cùng chung một lý tưởng, cùng chung một điểm đến là phục vụ trên cánh đồng truyền giáo của Chúa, nhưng cũng không tránh khỏi có những người mang trong mình những đích nhắm khác nữa. Trước khi họ gặt lúa cho chủ nhân, họ còn phải tìm một chút gì đó cho riêng mình; trước khi họ đưa lúa vào kho lẫm cho ông chủ, họ còn phải kiếm cho mình một ít để phòng thân hay để tiến thân trong tương lai. Bên cạnh đó còn những câu chuyện khởi đi từ sự nhiệt tình và thao thức truyền giáo, dẫn đến người môn đệ bị lạnh nhạt, bị cô lập và còn bị cấm cản. Đó có phải vì sự mong manh của ngọn nến trước gió, vai trò chứng nhân của người môn đệ lắm lúc cũng trở thành cô độc và hao mòn, vì những căn bệnh của xã hội đang hoành hành trong các cộng đoàn huynh đệ đó không?
Lạy Chúa Giêsu, trước một cánh đồng lúa chín vàng, xin cho chúng con hiểu được lời mời gọi cấp thiết của Ngài, để chúng con hướng dẫn anh chị em trở về với Giáo hội, trở về với Chúa, để được sống đời đời. Chúa biết người môn đệ hôm nay luôn đối diện với muôn vàn thách đố trong sứ mạng của mình, lắm lúc bị thiệt thân, xin cho mỗi người chúng con luôn làm việc với Chúa Thánh Thần, để mọi công việc luôn theo chương trình của Thiên Chúa, chứ không theo kế hoạch của con người. Chúa luôn mong muốn chúng con đem bình an của Chúa đến cho nhân loại, xin ban bình an của Chúa cho mỗi người, để chúng con được đầy bình an của Chúa và trở thành thợ gặt lành nghề mang niềm vui và hy vọng cho tha nhân. Amen.
Rosa Ngô Phương