6g00 tối. 6 đôi chân lon ton, vội bước tới nhà thờ cho kịp giờ kinh tối.
– Chạy nào hai đứa ơi, chị nghe thấy tiếng đọc kinh rồi! – Út giục hai đứa em còn đang rụt rè bước chân vì trời tối, vì sợ ma.
Nhà thờ rộng mà vắng hoe. Chẳng thấy trung-thanh-thiếu niên, chỉ có vài cụ ông, cụ bà đang râm ran đọc tới kinh Sấp mình. Cuộc sống bộn bề, ti vi ồn ào đã cướp mất từ xứ đạo truyền thống bao việc đạo đức bình dân tốt lành.
Đường làng đang thanh vắng, sau giờ kinh bỗng rộn ràng hẳn lên bởi tiếng cười của 6 đôi chân. Em trai của Út nay vui vì không còn cô đơn, lạc quẻ trong thế giới kinh sách của những người rất lớn; vui vì có bạn đọc kinh thi; vui vì em là cậu nhóc thuộc kinh nhất trong cả một thế hệ trẻ ở nhà thờ hôm ấy. Còn Chung – cậu em hàng xóm của Út, vui vì lần đầu được đến nhà thờ đọc kinh tối; vui vì một buổi tối khác lạ, rất khác ngày thường.
Tuy ở sát vách nhà xứ nhưng lòng đạo của gia đình Chung lại nguội hơn cả tô canh múc sớm vào mùa đông. Những tối khác, em chỉ có thể và được phép làm một việc duy nhất là đi đi lại lại các góc nhà cho hết thời gian. Hôm nào nhà không có tiếng cãi nhau thì hôm ấy chiếc TV nhỏ xíu, cũ kĩ – nguồn giải trí duy nhất, cũng thuộc trọn quyền của bố mẹ em. Với Chung, buổi tối luôn lê thê, rườm rà đến phát sợ. Nay đánh liều đi nhà thờ theo lời gọi của chị Út, Chung đã có phần đầu của một buổi tối thật đẹp: em được nói, được lớn tiếng, được hát trong giờ kinh, được chuyện trò khi ra về. Chung đã tìm được niềm vui đơn sơ và đặc biệt như thế.
– Về nhà, Chung nhớ chào bố mẹ thật to, rồi khoe với bố mẹ nay em đi nhà thờ đọc kinh nhé. – Chị Út dặn.
– Vâng ạ! Kèm nụ cười thật tươi tạm biệt, Chung rời con đường nhỏ, hai bên có rặng tre xanh, chạy nhanh vào nhà – căn nhà mái ngói lụp xụp.
– Con chào bố mẹ con vừa đi đọc kinh về! Giọng Chung hớn hở.
Im lặng. Tối tăm. Không “ừ, à” trả lời. Tiếng em khi ấy to, vang lắm, tận sân nhà bên kia mà Út còn nghe rõ, nhưng sao bố mẹ em không nghe, không trả lời? Ánh sáng ti vi chiếu, hình ảnh bố mẹ Chung thờ ơ, mắt hướng về màn hình làm Út nghẹn lòng. Út không thấy Chung. Chắc em đã hụt hẫng, thất vọng mà quay lại cái thói quen thường lệ: đi đi lại lại cho hết phần còn lại của buổi tối tưởng chừng đáng nhớ. Các góc nhà em khi ấy tối, chỉ có ti vi sáng, chẳng thấy chút ánh sáng hay hơi ấm nào của yêu thương. Dẫu biết cha mẹ nào cũng thương con nhưng sao không chọn cách diễn đạt tình yêu ấy theo cách con trẻ có thể dễ dàng cảm nhận??? Sao lại chọn làm khó những bộ óc còn non nớt, chẳng đủ lí lẽ để bình thường hóa những nỗi buồn nơi con tim???
…
– Út ơi, em Chung mất rồi con ạ. Em bị chết đuối. Mới đầu giờ chiều nay.
Nghe xong điện thoại của mẹ, Út vội bắt chuyến xe cuối từ Hà Nội về quê. Lòng man mác. Không đậm buồn cũng chẳng rõ vui. Chỉ tình thương là thứ Út cảm nhận rõ đang dội trào từ con tim lên đỉnh đầu, gọi nhớ bao kí ức về em.
Thương Chung lắm. Em là con của đời vợ thứ hai. Bố mẹ không thương nhau nên em ít được biết yêu thương có mùi vị thế nào. Người ta ghét bố mẹ nên ghét lây em. Ngôn ngữ tục tằn của người lớn tự nhiên thấm nhập đầu lưỡi con trẻ, em bị người trong xứ mắng là “đứa vô giáo dục”. Khả năng tiếp thu có hạn, em bị thầy cô ngán ngẩm, bạn bè tẩy chay. Hai năm, em ở lại lớp Hai. 10 tuổi mà thân hình Chung gầy gò, thấp bé hơn cậu em trai của Út mới lên 6.
Đám tang em, mẹ em khóc, hối hận vì đã không thương em nhiều hơn. Ông bố vì suốt ngày rượu chè, lại chẳng nghĩa thiết với ai bao giờ nên không biết tổ chức tang lễ cho con ra sao. Đám tang em nhờ trọn vẹn nghĩa tình của những người hàng xóm tốt bụng. Chú thợ mộc đóng vội cho em chiếc quan tài nhỏ. Anh thợ inox thiết kế chiếc vòng gắn dây kim tuyến trang trí quan tài. Bác kế nhà lo đèn điện, phông bạt. Cô nhà đối diện cắm lọ cúc trắng đơn sơ. Vài người đến viếng em, ngậm ngùi đôi chút về cái nghèo nàn của gia cảnh nhà em rồi rời đi… Những giờ kinh, giờ viếng, hay Thánh lễ cuối cùng cho em cũng không được trọn vẹn như bao người… Thương Chung lắm.
Chuyến xe muộn không kịp đưa Út về gặp em lần cuối. Nhưng nghe mẹ kể, Út vui lắm. Mẹ bảo Chung khi mất đẹp như một thiên thần. Da em không còn xám xịt cái màu gây khó chịu mắt người nhìn nhưng rạng rỡ, tươi sáng. Đôi môi thường ngày hay trĩu xuống vì buồn nay rạng lên một niềm vui. Em đem lại cảm giác ấm áp cho người nhìn, bên cạnh những tiếc thương cho một cuộc đời ngắn ngủi mà buồn đau sao nhiều đến thế.
Sáng đưa tang em, chỉ có vài người, không chiêng trống, không kèn tây, kèn ta, không ca đoàn. Trời mưa, sau lại gặp nắng nhưng chẳng ai còn đủ lãng mạn để nhìn xem có cầu vồng hay không. Mắt người đang bận lưu giữ những hình ảnh cuối cùng về em nơi chiếc quan tài nhỏ. Ngôi mộ đơn sơ vài bông hoa trắng, nằm nơi cánh đồng phía nam lễ đài của thánh địa.
Hoa, hương các dịp Tết, lễ Cầu hồn vẫn có nhưng vắng dần. Người ta đang dần quên em. Cả Út cũng thế.
…
– Chị Út ơi! Bỗng một đêm, Chung về lại trong giấc mơ của Út. Em tươi tắn, khôi ngô, rạng rỡ:
– Chị Út ơi, em được lên Thiên đàng rồi nè!
Giấc mơ chỉ ngắn có thế nhưng dư âm hoan hỉ, bình an kéo dài.
Hai hôm sau, giấc mơ của Út lại có Chung: Em tiến đến ống kính máy quay giấc mơ, vẫy tay chào, cười thật tươi trong chiếc áo trắng rồi lùi lại, chạy về phía nhóm bạn trạc tuổi đang vui đùa. Vẫn ngắn như giấc mơ đầu nhưng trường độ an vui của hai giấc mơ ấy cộng hưởng, tạo nên một nốt ngân rất dài. Út cười thật tươi tạ ơn Chúa. Út tin vào thông điệp của hai giấc mơ, bởi Út tin vào tình thương lớn lao của Chúa: Người “sẽ chẳng để mất một ai”, huống chi đó lại là cậu nhóc 10 tuổi còn bao nghô nghê.
Những năm ở thế gian, đời Chung gặp nhiều cơn mưa u ám, khi ầm ầm, khi rả rích khó chịu, nhưng đến sau cùng, dẫu có chút muộn màng theo con mắt người đời, Út tin những cơn mưa ấy đã gặp Ánh Mặt Trời của Thiên Quốc và đã kết nên một chiếc cầu vồng rực rỡ là Hạnh phúc muôn đời, nơi chẳng còn đau khổ, chỉ có niềm vui và tình yêu trọn hảo trong Chúa.
Út từ ấy không còn gọi cậu em hàng xóm bằng cái tên cũ ở trần thế nữa nhưng gọi em bằng một tên mới, đúng hơn với em: Cậu Bé Có Chiếc Cầu Vồng Muộn.
Phương An