Tin mừng: Lc 18, 9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.’ Ta bảo các người: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.”
Cầu Nguyện: Chiếc Cầu Hiệp Thông
Dụ ngôn “Người Biệt Phái và Người Thu Thuế” Chúa Giêsu đưa ra cho thấy sự tương phản giữa 2 thái độ của con người đứng trước tình yêu thương bao la của Thiên Chúa.
Người Biệt phái là nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đạo đức bác ái hơn hẳn người ta. Riêng anh thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát khinh chê, vì là hạng “cõng rắn cắn gà nhà”, tước đoạt tài sản “nhân dân”, làm lợi cho ngoại bang. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào đền thờ và cùng làm một công việc: cầu nguyện. Nhưng tại đây sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét, khi tâm tình và thái độ sâu kín được bộc bạch trước Nhan Giavê.
Người Biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng và cầu nguyện: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không giống các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Khách quan thì người này không bịa chuyện. Ông chỉ nói điều ông làm. Và những gì ông làm thì không chê trách vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi. Thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy. Thường thì người ta chỉ phải ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông thi hành chuyện đó mỗi tuần hai lần. Luật buộc các nông dân phải nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân trên tất cả mọi thứ hàng hoá mua về.
Hành động của ông thật đáng tuyên dương nhưng thái độ của ông đã làm mất toi công phúc. Tạ ơn Chúa là điều cần thiết, nhưng kể lể công đức như ngầm bảo Chúa đang mắc nợ với tôi là điều chẳng đúng tí nào. Tệ hại hơn là khi ông dùng công nghiệp hay lòng đạo của mình để đè bẹp tâm hồn kẻ khác.
Đáng lẽ cầu nguyện là để gia tăng sự gắn bó giữa mình với Giavê, thì đây, người biệt phái lại làm lung lay nhịp cầu tiến đến với Ngài.
Không những đã không làm chắc thêm nhịp cầu đến với Thiên Chúa, người biệt phái còn làm tan tành nhịp cầu đến với tha nhân. Anh hăng hái lên án phường tham lam, bất chính, ngoại tình, thu thuế. Anh nhất quyết không thoả hiệp với tội lỗi, điều này rất đáng khâm phục. Nhưng anh thiếu cảm thương những người có tội và điều này đã làm cho anh khác xa Thiên Chúa.
Vì không làm vững nhịp cầu đến với Chúa và tha nhân mà lời cầu nguyện của người biệt phái đã rơi vào giòng sông hư không. Anh ra về chẳng nên công chính, cũng chẳng được sạch tội.
Trong khi đó, người thu thuế đi cầu nguyện nhưng lại “không dám ngước mặt lên trời”, anh “đứng xa xa”, đâu đó phía cuối đền thờ, lại còn “đấm ngực” và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.” Anh nhìn rõ chính mình trong tình thương của Thiên Chúa. Trước tấm gương của tình thương, anh thấy mình là kẻ tội lỗi. Có lẽ anh đã bao lần cố gắng vươn lên nhưng vẫn cứ bị ngã xuống đau thương. Thế nên lời cầu nguyện của anh chất chứa tâm tình thống hối, khiêm nhu, khẩn thiết, cậy trông, chân thành: “Lạy Chúa, xin thương tôi….” Không dám ngước mắt lên trời nhưng lại thấy được tình Chúa bao la vẫn còn hơn đứng thẳng ngước cao mà chẳng khám phá sự yêu thương đâu cả.
Nhìn vào tha nhân để tự mãn là thất sách. Nhưng nhìn vào Chúa để khẩn nài và bước theo là lối đường tôi được mời gọi đi tới. Bao người thu thuế đã nhìn vào Đức Kitô, gặp gỡ được tình thương, sau đó “ra về và được nên công chính”, như Mathêu và Giakêu. Họ đã làm chắc nhịp cầu với Thiên Chúa khi bước theo Đức Kitô và nối kết nhịp cầu với tha nhân khi “xin bố thí cho kẻ khó nửa phần của cải, và đền bù gấp bốn cho kẻ bị thiệt oan” (Lc 19,8).
Cầu nguyện để tiến sâu hơn vào tình thương và mối hiệp thông với Thiên Chúa và con người chính là bài học mà Đức Kitô muốn trao ban cho nhân loại hôm nay.
Lm. Bùi Quang Tuấn
Nguồn:https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-30-thuong-nien-c/#_Toc21702725