Những âm thanh tí tách, nhỏ nhẹ, êm đềm của những giọt mưa cùng với tiết trời se lạnh càng làm cho không khí mùa Noel thêm phần ý nghĩa và lắng đọng. Dòng đời vẫn trôi, con người vẫn sống nhưng liệu có ai còn nhớ ý nghĩa mầu nhiệm Con Thiên Chúa Giáng trần? Tôi đã tự hỏi mình rất nhiều lần: “Bao nhiêu Mùa Giáng sinh qua đi, lúc nào tôi cũng mong chờ Chúa đến, nhưng khi Ngài gõ cửa rồi thì tôi muốn Ngài ở đâu?” Liệu rằng tôi có muốn đời mình trở thành một hang đá cho Chúa trong mỗi phút giây Ngài đến?
Với những xáo trộn có một không hai mà nhân loại đang phải đối diện, dịch bệnh đã lấy đi biết bao sinh mạng con người, làm đảo lộn mọi sinh hoạt của nhịp sống hiện tại và dường như niềm tin có Chúa hiện diện với một số người đã vắng bóng. Vì thế, Mùa Giáng Sinh chính là cơ hội, là thời gian để tất cả mọi người, cách riêng là bản thân tôi xác tín hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và khao khát Chúa ở lại trong những đau khổ của thế giới hôm nay.
Tôi cảm nghe không khí Mùa Giáng sinh năm nay đến với tôi thật khác lạ. Không xô bồ, không vội vã, không bận rộn trong những công việc chuẩn bị nhưng âm thầm, lặng lẽ. Đây là cơ hội tôi lặng thêm một chút để lắng nghe Chúa đang nói gì với tôi trong những biến cố vừa qua, và cũng là dịp giúp tôi cảm thông, chia sẻ với mọi người bằng những hi sinh dâng lên Chúa trong đêm Ngài giáng trần. Tạ ơn Chúa bởi giữa những lắng lo, thiếu thốn vì dịch bệnh bùng phát, tôi và các chị em vẫn luôn được bình an. Nhưng tôi đã tự vấn chính mình: “Tôi muốn Chúa ở đâu giữa tất cả những thứ quanh cuộc đời tôi?” Phải chăng tôi muốn Chúa ở lại nơi hang đá lạnh lẽo, bơ vơ như hai ngàn năm trước? Không, tôi khao khát Chúa đến và ở lại trong tâm hồn dù tôi còn nhiều bất xứng. Và với những tham lam của con người, tôi cũng muốn giữ Chúa cho riêng mình. Tôi muốn Chúa hiện diện trong phòng học, trong phòng khách, trong phòng ngủ, trong những công việc tôi được giao, trong những nơi tôi đi, tôi đến, trong mọi ngóc ngách của cuộc đời tôi. Vì tôi biết rằng nếu không có Chúa tôi không thể làm gì được.
Tuy nhiên, khi lặng nghe những nỗi đau, những lời khẩn nài của nhân loại hôm nay, tôi muốn Chúa không chỉ đến cho riêng tôi nhưng còn cho mọi người nữa. Hơn lúc nào hết, tôi muốn Chúa ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Tôi muốn Chúa hiện diện ở những nơi đang gồng mình chống chọi với cơn đại dịch Covid đầy nguy hiểm. Tôi muốn Chúa ở cạnh các bệnh nhân và ban niềm tin cũng như ơn chữa lành cho họ. Tôi muốn Chúa cùng chia sẻ nỗi mất mát với bao mảnh đời đáng thương: những người chồng mất vợ, những người em mất anh, những em thơ mất đi vòng tay yêu thương của cha mẹ, những gia đình sống mà không biết ngày mai lấy gì ăn, lấy gì nuôi sống nhau. Hơn lúc nào hết, tôi cũng muốn Chúa hiện diện nơi những quốc gia đang bị chiến tranh hận thù chia cắt. Tôi muốn Chúa bầu bạn, nối vòng tay với những quốc gia đang bị cô lập, loại trừ. Và hơn lúc nào hết, tôi muốn Chúa ở lại với gia đình tôi, muốn Chúa hiện diện với các chị em khi chúng tôi học, chúng tôi chơi, chúng tôi làm việc và cả khi chúng tôi chưa thực sự hiểu nhau…
Câu hỏi “Con muốn Chúa ở đâu?” được đặt ra không chỉ dừng lại ở việc tôi trả lời bằng những địa điểm tôi muốn Chúa ở lại mà còn là lời mời gọi Chúa dành cho tôi: “nếu con muốn Ta ở đâu thì Ta cũng muốn con ở đó”. Nghĩa là Chúa muốn tôi ở trong tất cả những nơi tôi muốn Chúa hiện diện, tôi cần luôn song hành với Chúa để có thể cảm thông, nâng đỡ và cùng Chúa chia sẻ những mất mát, đau khổ của anh chị em xung quanh. Chúa muốn tôi ở lại những nơi dịch bệnh đang hoành hành qua lời cầu nguyện, qua tràng chuỗi Mân Côi mà tôi râm ran hằng ngày. Chúa muốn tôi ở lại nơi những chị em xung quanh với bàn tay quảng đại, sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm và qua những cử chỉ yêu thương, những chiến dịch tôi thực hiện trong Mùa Giáng sinh. Và tôi biết được khi tôi thực hiện những điều tưởng chừng nhỏ bé đó chính là lúc Chúa đang ở với tôi, với những người tôi gặp gỡ.
Tạ ơn Chúa vì một Mùa Giáng sinh nữa lại đến trong đời con, nó cho con cơ hội thấy lòng mình đang ở đâu, con đã và đang sống như thế nào, thuộc về Hội dòng và thuộc về Chúa ra sao? Ước mong mỗi ngày sống, con biết cảm nhận sự lặng và nghe âm thanh của thời đại này, lặng và nghe tiếng thổn thức của Con Thiên Chúa làm người cũng như tiếng tha nhân trong hành trình sứ vụ mà Chúa đang trao phó cho con.
Dạ Quỳnh