Khi đối diện với dịch bệnh đang bùng phát tại Việt Nam, một câu hỏi xuất hiện trong tâm trí tôi: “Liệu Đức tin của người Công Giáo có trở nên mạnh mẽ hơn trong thời gian bất ổn này? Làm thế nào Giáo Hội Công Giáo thích ứng và giúp các Kitô hữu giữ mối tương quan với Thiên Chúa và cộng đoàn trong khi họ phải thực hiện giãn cách xã hội?” Quả thực, đại dịch Covid đã và đang ảnh hưởng cũng như làm thay đổi cách thức thờ phượng Thiên Chúa của người Công Giáo ở nhiều khía cạnh. Bài viết này sẽ khám phá một vài những thay đổi trong việc tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Hòa giải, và Bí Tích Hôn Phối ngày nay ở một vài nơi.
Quy tụ với cộng đoàn đông đảo đang bị hạn chế tại nhiều nhà thờ bởi vì quy định cách ly và giãn cách xã hội. Quy định này giúp ngăn ngừa sự lây lan nhanh chóng của virus và giúp mọi người an toàn hơn. Hiện tại, rất nhiều nhà thờ ở khắp nơi trên thế giới vẫn còn phải tạm thời đóng cửa. Theo khảo sát Hoa Kỳ vào tháng tư năm 2020, “có đến hơn 90% các nhà thờ tại Hoa Kỳ bị đóng cửa để chiến đấu với tình trạng coronavirus lan rộng nhanh chóng, các nghi thức phụng vụ đã hoàn toàn chuyển sang online” (GJelten, Tom, 2020). Có rất nhiều tín hữu cảm thấy vui khi tham dự thánh lễ trực tuyến. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều, có những người cảm thấy rất miễn cưỡng và buồn khi họ không thể tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ giáo xứ mình. Trong khi đó, có không ít người lo lắng rằng, các tín hữu sẽ dần dần xa rời Giáo hội nếu họ phải tham dự Thánh Lễ trực truyến trong thời gian dài. Rachel Sampson, một tín hữu tại Tucson, nói rằng, “Tôi cảm thấy rất buồn và khó khăn khi tôi phải ngồi ở nhà xem lễ và hát một mình. Tôi tham dự mọi nghi thức từ khi Thánh Lễ chuyển sang online trong suốt tám, chín tuần qua, và tôi cảm thấy mình như bị chia cách với Giáo Hội” (GJelten, Tom, 2020).
Ở một góc nhìn khác, đối với những người có lòng tin vững mạnh thì những hàng ghế trống rỗng trong các nhà thờ không gây ảnh hưởng gì xấu đến đời sống đức tin của họ. Julie Hanlon Rubio, một giáo sư Thần học tại Califorlia, Hoa Kỳ, có một suy nghĩ rất tích cực. Cô nói trong niềm tin rằng: “Tôi ngày càng được đào sâu hơn trong sự giàu có của các phương thức cầu nguyện Công Giáo. Một người bạn nói rằng, ‘cũng giống như Facebook, Zoom đang trở nên sinh động.’ Giờ đây, tôi đã có thể cầu nguyện ở nhà thờ mà không cần phải ra khỏi nhà mình” (The church, 2020).
Nhiều khi do công việc cản trở các tín hữu đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, nên nhiều tín hữu thích tham dự Thánh lễ trực tuyến. Vì thế, khi Giáo Hội cho phép có các Thánh Lễ trực tuyến qua các phương tiện truyền thông, nhiều tín hữu rất thích được tham dự các Thánh Lễ tại nhà (Weber, Kerry, 2020). Điều này có thể hiểu được, vì phần lớn nó phụ thuộc vào mức độ thường xuyên tham dự Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ của mỗi cá nhân trong thời gian trước khi các nhà thờ phải đóng cửa vì dịch bệnh. Đối với những tín hữu thường xuyên tham dự Thánh Lễ, họ có thể rất nhớ việc đi Lễ ở nhà thờ, nhưng đối với những ai không hay đến nhà thờ thì họ có thể có những suy nghĩ khác. Một tín hữu sống tại Minnesota nói, “Tôi rất ít khi đến nhà thờ, vì vậy việc chuyển sang tham dự các Thánh lễ trực tuyến không ảnh hưởng gì đến tôi cả. Và bây giờ tôi cảm thấy mình đỡ tội hơn mỗi khi tôi không đi Lễ” (GJelten, Tom, 2020).
Bên cạnh đó, một số tín hữu đang mong mỏi được trở lại nhà thờ và ngồi kín các hàng ghế trong nhà thờ như trước đây, bởi vì việc tham dự thánh lễ không chỉ để xây dựng mối tương quan sâu đậm giữa cá nhân với Thiên Chúa, nhưng còn là việc nối kết giữa anh chị em với nhau trong chiều kích hiệp thông. Người Công Giáo có thể kiểm chứng sự trưởng thành hoặc suy sụp đức tin của mình trong thời gian khủng hoảng. Chúng ta có thể cảm nghiệm được sự khao khát Thiên Chúa nếu chúng ta sống mà không được nuôi dưỡng bởi đức tin và niềm hy vọng trong các cử hành Thánh Thể. Thánh lễ online là một điều tốt trong thời gian khủng hoảng vì đại dịch, những nó chỉ là một sự thay thế tạm thời.
Người Công Giáo đã vật lộn trong mối tương quan giữa họ với Giáo hội như thế nào và làm thế nào để họ lãnh nhận các Bí Tích, vốn thường đòi hỏi sự gần gũi thể lý trong nghi lễ phụng tự? Việc đóng cửa nhà thờ để bảo vệ an toàn cho mọi người đã không chỉ thay đổi cách thức tham dự Thánh lễ mà còn cả cách thức lãnh nhận các Bí Tích khác. Các Bí Tích là ưu tiên hàng đầu trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải. Đối với chính tôi, khi chầu Thánh Thể qua truyền hình hoặc qua máy vi tính, có những lúc tôi cảm thấy như mình đang tôn thờ ngẫu tượng hoặc vật chất. Mặc dù tôi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa cách thiêng liêng, nhưng điều đó không làm thỏa mãn linh hồn tôi. Một nữ tu đang sống ở Philadelphia than thở rằng: “Tôi rất nhớ việc lãnh nhận Thánh Thể dưới hai hình Bánh và Rượu.”
Bà Donna Meyer, một tín hữu ở Dyersville, nói với tôi rằng, bà không cảm nhận được sự hiện diện và sự nối kết với các thành viên trong giáo xứ khi bà tham dự lễ online, nhất là khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cách thiêng liêng, vì thế mà bà thực sự nhớ những ân sủng từ việc được lãnh nhận Mình Máu Chúa cách thực sự. Tuy nhiên, bà tin rằng chúng ta vẫn có thể lãnh nhận hiệu năng thực thụ từ Bí Tích Thánh Thể ngay khi chúng ta không thể trực tiếp tham dự việc cử hành Bí Tích. Bà luôn ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu khi Mình Thánh được đưa lên cao trong cử hành Thánh Thể.
Hơn nữa, nếu Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của người Công Giáo, thì Bí Tích Hòa Giải giúp họ cảm nhận sự cần thiết của việc được đón nhận, được yêu thương và tha thứ. Bí Tích Hòa Giải vô cùng cần thiết trong thời điểm cấp bách vì đại dịch. Việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải đòi hỏi sự gần gũi thể lý bởi vì yêu cầu bảo mật thông tin của Bí Tích. Tuy vậy, làm thế nào để Giáo Hội thay thế phương thức cũ bằng cách thế phù hợp khác, để có thể vừa thực hiện việc thực hiện việc giãn cách xã hội, vừa bảo vệ ấn tòa của Bí Tích Hòa Giải? Đức Thánh Cha đã tuyên bố trong thánh lễ tại Santa Marta ngày 20 tháng 3 rằng: “Thiên Chúa, Ngài là Cha của các con, vì vậy các con hãy nói thật với Ngài: ‘Lạy Chúa, con đã làm điều này, điều này, và điều này… Con xin lỗi Chúa.’ Với hết tâm hồn của mình, hãy xin Ngài thứ tha, và với hành động của sự ăn năn, hãy hứa với Ngài: ‘lần tới con sẽ đi xưng tội, nhưng bây giờ xin Ngài hãy tha thứ cho con’.” Đức Thánh Cha cũng nói với chúng ta rằng, “Khi không có linh mục thì chính con có thể tiến đến sự tha thứ của Thiên Chúa như trong Giáo lý đã dạy chúng ta.” Khi người ta không thể gặp được linh mục trong các trường hợp khó khăn, họ có thể thú nhận trực tiếp trước Chúa với tất cả lòng thống hối và với ước muốn hòa giải. Hành động thống hối ăn năn là một con đường để tiếp cận lòng thương xót của Chúa và mở ra với tất cả.
Ngoài ra, một số giáo xứ tạo điều kiện cho tín hữu được lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa bằng cách đăng lịch trên trang web của giáo xứ, để cho tín hữu đặt lịch hẹn với linh mục về ngày giờ họ có thể lãnh nhận Bí Tích. Và tín hữu có thể xưng tội qua một tấm màn ngăn cách giữa linh mục và hối nhân. Một nữ tu đang làm mục vụ tại Nhà thờ Chúa Phục sinh nói rằng, tín hữu ở giáo xứ này xưng tội qua tấm màn ngăn cách với linh mục. Quả thật, Giáo hội Công Giáo rất linh hoạt trong cách thức giúp mọi người được giao hòa với Thiên Chúa.
Coronavirus cũng ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch cưới xin của các đôi bạn muốn được cử hành lễ cưới trong nhà thờ. Với họ, lễ cưới là khởi nguồn cho hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. Vì vậy, Giáo hội đưa ra một số điều chỉnh đối với việc cử hành Bí Tích Hôn Phối trong thời gian đại dịch Covid để vừa giúp các cặp đôi có thể cử hành Bí Tích Hôn Phối trong nhà thờ mà vẫn thực thi được giãn cách xã hội. Hrbacek đưa ra một ví dụ trong bài báo của mình về một cặp vợ chồng ở nhà thờ Holy Family ở Công viên St. Louis. Anne và Robert Spinharney quyết định kết hôn, nhưng họ lo lắng vì họ muốn được mời ba trăm khách. Anne lên kế hoạch để tổ chức một đám cưới lớn, nhưng khi Covid xảy ra, cô tâm sự, “Chúng tôi đã phải từ bỏ rất nhiều thứ, và chúng tôi thấy rất buồn … Nhưng, giữa những lắng lo ấy, cuối cùng chúng tôi đã nhận ra một điều, đó là, trong mọi sự luôn có bàn tay của Thiên Chúa” (Couples, 2020).
Tương tự như vậy, John và Catherine Braun cũng nhận ra được sự can thiệp của Thiên Chúa trong kế hoạch cưới xin của họ. Theo đề nghị của tiểu bang, cặp đôi đã bước vào nhà thờ để cử hành lễ cưới cùng với một nhóm mười người. Sau lễ cưới, John nói, “Thú thật, đám cưới thực sự rất tuyệt vời. Thực tế là chúng tôi đã tránh được những chia trí không cần thiết. Chúng tôi có thể chỉ chú ý đến nhau một cách toàn tâm ý, bởi vì chúng tôi không còn bị chia trí và chú ý bởi 500 con mắt xung quanh” (Couples, 2020). Lễ cưới được chiếu trực tiếp cho các thành viên trong gia đình của đôi tân hôn cùng tham dự, điều này đã giúp cặp đôi chú tâm vào Bí Tích Hôn Phối, mặc dù họ cũng hơi cảm thấy buồn vì thiếu vắng bạn bè và người thân. Trong một số trường hợp khác, họ hàng đôi bên của cô dâu và chú rể an ủi đôi tân hôn bằng cách đến khuôn viên nhà thờ và vẫy tay khi cô dâu chú rể đi qua. Với sự hiện diện ấy, họ muốn gửi gắm thông điệp tới đôi tân hôn rằng, chúng tôi luôn bên cạnh ủng hộ tình yêu của các bạn. Điều này nói lên rằng, những khó khăn của đại dịch không thể ngăn cản sự kết nối giữa mọi người trong một cộng đồng. Tình người ấm áp sẽ sáng tạo và tìm kiếm cách thức mới để liên lạc và nâng đỡ các mối quan hệ của họ.
Covid-19 đã gây lên ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cuộc sống của con người. Giáo hội Công Giáo, một trong những tôn giáo truyền thống lâu đời, cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong bối cảnh ấy, các Kitô hữu đã nỗ lực thích nghi với những cách thức khác nhau trong việc tham dự Thánh lễ, rước Lễ, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và cử hành Bí Tích Hôn Phối. Qua tất cả những thích nghi này, chúng ta có thể thấy sự đa dạng và phong phú của các thực hành sống động của Công Giáo. Chúng ta tiếp tục tôn trọng truyền thống của Giáo hội và thích ứng với những hoàn cảnh mới của đời sống. Bất kể khó khăn hay thuận lợi, tinh thần hăng say người Công Giáo luôn cố gắng suy nghĩ và tìm ra những phương thế tích cực để cử hành các nghi lễ thiêng liêng. Người Công Giáo cố gắng nỗ lực tham dự các cử hành phụng vụ bao nhiêu có thể. Với sức sống và sự năng động của tình yêu và ân sủng, người Công Giáo luôn cố gắng sống với tư cách là con cái của Thiên Chúa trong Giáo hội và trong tư cách là các công dân của một thế giới.
Tuyết Phạm
References
Confession During the Pandemic. St. Mary’s Church. Retrieved from https://stmaryorange.online
Gjelten, T. (2020, May 20). ‘Things Will Never Be the Same.’ How the Pandemic Has Changed Worship. Npr. Retrieved from https://www.npr.org
Hrbacek, D. (2020, March 31). “Couples find creative ways to scale back weddings during COVID-19 pandemic.” The Catholic Spirit. Retrieved from https://thecatholicspirit.com
Jaradat, M. (2021, Jan 27). “Ameriaca’s unique religious response to the COVID-19 pandemic.” Indepth Faith. Retrieved from https://www.deseret.com
Schlupmpf, H., Winters, S. M., & McElwee, J.J. (2020, Apr1). “The church after coronavirus: How our communities are changing.” NRC. Retrieved from https://www.ncronline.org
Weber, K. (2020, May 17). “Social distancing and the sacraments: How the coronavirus pandemic has changed our sense of communion.” America the Jusuit Review. Retrieved from https://www.americamagazine.org