Chương 3: Misa Takatifu
16. Điệu nhảy của Châu Phi
Nếu bạn là một người dân Châu Á giữ đạo theo khuôn phép truyền thống, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên, hoặc thậm chí là khó chịu, khi thấy mọi người nhảy múa trong Thánh Lễ, phải không?
Từ nhỏ chúng ta đã được dạy phải cung kính trước mặt Chúa. Và cách cung kính mà chúng ta thường được dạy là phải khoanh tay cúi đầu. Phải quỳ gối lặng thinh. Phải ngồi nghiêm trang thẳng thớm… Lối giáo dục đức tin ấy chắc chắn phù hợp với chúng ta, với nền văn hoá của chúng ta. Nhưng không chắc là sẽ phù hợp với những người được sinh ra và lớn lên từ văn hoá Châu Phi đâu!
Có khi nào bạn thử tưởng tượng cho một người Châu Á như bạn và một người Châu Phi gặp nhau trong nhà thờ không? Nếu chỉ bị đóng khung trong văn hoá và truyền thống của mình, họ sẽ nghĩ gì về nhau? Anh Châu Á có thể lẩm bẩm về anh Châu Phi thế này: Trước mặt Chúa, trong nhà thờ nhà thánh, mà nhảy nhót lung tung! Thật là lộn xộn… Còn anh Châu Phi, chắc cũng có quyền nghĩ thế này về anh Châu Á chứ nhỉ: vào nhà thờ gì mà đơ đơ như tượng! Đến với Chúa mà cứ ngồi im như một cái xác chết vậy!
Vậy đó! Nếu bạn chỉ nhìn mọi sự qua lăng kính văn hoá của mình, bạn dễ trở thành một cụ già khó tính lắm! Nhìn đâu bạn cũng có thể phê bình và chỉ trích. Nhất là khi đứng trước những khác biệt về văn hoá và tập quán. Thế giới này đẹp vô cùng, vì dung nạp được rất nhiều khác biệt giữa con người với con người, giữa văn hoá này với văn hoá kia, giữa dân tộc này với dân tộc nọ.
Mọi khác biệt đều có giá trị riêng của nó, phải không?
Trở lại với chuyện múa nhảy. Bạn có tin rằng người ta có thể sử dụng cơ thể của mình để thờ lạy Chúa không? Thân thể chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa. Những chuyển động của cơ thể chúng ta, khi được thôi thúc từ trái tim và từ những niềm vui sâu thẳm bên trong, chẳng phải là những chuyển động ca tụng Chúa đẹp nhất đó sao?
Chuyển động là biểu hiện của sự sống. Mọi chuyển động của những người còn đang sống hướng về Chúa đều có một giá trị nào đó rất đẹp. Đẹp nhất là những chuyển động đến từ những thôi thúc bên trong, từ chính trái tim và lòng yêu mến.
Bạn biết không, dân của Chúa trong Kinh Thánh không hề xa lạ với những điệu nhảy và câu hát, với tiếng trống và tiếng đàn đâu nhé! Điệu nhảy diễn tả niềm vui tột cùng của những người được tự do, được giải thoát.
Bạn còn nhớ dân Chúa đã làm gì ngay sau khi vượt qua Biển Đỏ trong biến cố Xuất Hành không? Họ nhảy. Nhảy múa để ăn mừng. Nữ ngôn sứ Mariam cầm lấy trống lĩnh xướng. Những người phụ nữ khác cũng theo Mariam, vừa đánh trống vừa nhảy múa (Xh 15,20).
Một nhân vật khác rất nổi tiếng trong Kinh Thánh cũng thường được nhắc đến với điệu nhảy của mình, đó là vua Đavit. Trong cuộc kiệu rước Hòm Bia Thiên Chúa vào thành thánh, Đavit đã nhảy múa hết sức mình, như một cách diễn tả sự vui mừng của mình và của toàn dân (2 Sam 6,14.16).
Bạn biết không, được nhảy múa reo hò trước mặt Chúa vốn là một diễm phúc dành cho những người công chính đấy: “Hãy nhảy mừng trong Chúa, hỡi những người công chính. Mọi kẻ ngay lành, nào cất tiếng hò reo!” (Tv 32,11). Và bạn cũng đừng quên, những câu cuối cùng của Thánh Vịnh là những lời mời gọi ca tụng Chúa qua chính điệu nhảy và giọng ca: “Mừng Thánh Danh, nào dâng điệu vũ, nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca” (Tv 149,3). “Ca tụng Chúa đi, theo vũ điệu trống đưa/ hãy ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo” (Tv 150,4).
Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng những Thánh Lễ trên đất Châu Phi có khi không cần đến các em thiếu nhi giúp Lễ. Còn trong đoàn rước hay đoàn vũ thì lúc nào cũng có nhiều thiếu nhi. Có lẽ người ta tin rằng cách tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ con ở đây không phải là ép trẻ con vào một cái khuôn theo kiểu người lớn muốn khi đứng trước bàn thờ: phải nghiêm trang, phải xếp hàng ngay ngắn, phải chắp tay thẳng thớm, không được ngó ngang ngó dọc, không được khoa chân múa tay, không được lắc lư chuyển động… Người ta dạy đức tin cho trẻ con bằng cách cho trẻ con cơ hội nhảy múa trước mặt Chúa, trong nhà thờ, trong Thánh Lễ, trước mặt cộng đoàn.
Người ta để trẻ con đến với Chúa theo cách tự nhiên nhất của trẻ con.
Bạn có tin không, nhà thờ ở đây luôn đầy người từ hàng ghế đầu tiên trở xuống. Ít có ai đi Lễ mà sợ ngồi ở hàng ghế đầu lắm. Có lẽ trước khi được dạy rằng nhà thờ là nhà của Chúa, người ta đã sống với xác tín nhà thờ là nhà của mình. Bước vào trong ngôi nhà của mình, họ sẽ gặp được Chúa.
Đâu có ai lại sợ sệt hay ngại ngùng khi bước vào trong chính ngôi nhà của mình chứ, phải không?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog